Anh (chị) nghĩ gì khi nhìn những cánh rừng tiếp tục bị tàn phá?

Chưa bao giờ vấn đề bảo vệ thiên nhiên trở nên bức xúc như hiện nay. Trên báo chí, truyền hình,... thậm chí trong chương trình học phổ thông, việc bảo vệ thiên nhiên trong đó có bảo vệ rừng được nhắc đến như bảo vệ sự sống còn của trái đất. Quả thực, khi nhìn những cánh rừng tiếp tục bị tàn phá, không một con người chân chính nào có thể làm ngơ.

Là một hệ sinh thái cân bằng, nhắc đến rừng ta nhắc đến những loại cây cối lâu năm rạm rạp tầng tầng, lớp lớp chen chúc nhau, nhắc đến những loài động vật phong phú quý hiếm,... Thế giới có những cánh rừng lớn nổi tiếng: Rừng Amarôn (Châu Mĩ), rừng lá kim (Nga), rừng Nauy (Bắc Mĩ),... Việt Nam trong một thời gian dài cũng có những cánh rừng đáng tự hào, tổng diện tích chiếm đến 3/4 diện tích lãnh thổ: rừng Việt Bắc, rừng Tây Nguyên,...

Chiếm một phần đáng kể trong số diện tích đất liền ít ỏi của trái đất, rừng có vai trò lớn trong việc điều hoà sinh thái, phát triển kinh tế văn hoá xã hội của con người.

Ta thử tưởng tưởng nếu màu xanh của rừng biển mất thì ai sẽ thanh lọc không khí, cung cấp ôxi cho sự sống? Con người vẫn ca ngợi không khí ở vùng rừng núi trong lành, mát mẻ mà mệt mỏi sợ hãi sự ngột ngạt, yếm khí các vùng thành thị,... Rừng, lá phổi của trái đất, một yếu tố không thể thiếu trong đời sống con nguời. Đời sống càng phát triển, càng nhiều nhà máy, càng nhiều các loại động cơ,... càng cần có nhiều rừng để cân bằng không khí.

Trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, ngăn lũ lụt rừng cũng có vai trò quan trọng. Rễ cây rừng lâu năm rậm rạp bền bỉ bám đất, giữ đất chống lại những trận càn quét của lũ lụt. Lá rừng rậm rạp cản lại vận tốc của những cơn mưa rừng dữ dội tránh xói mòn. Còn gì nữa? Thân cây gỗ lớn, những loại cây bụi tầng thấp cản lại vận tốc dòng chảy của lũ, tạo thời gian để đất ngấm nước, ngăn lại những cơn lũ ào ạt.

Bên cạnh vai trò cân bằng tự nhiên, rừng còn là một tài nguyên quý giá tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Không ai có thể phủ nhận nguồn lợi có được từ những thân gỗ lâu năm, từ những loại thảo dược, từ những động vật rừng, từ các khu du lịch sinh thái,...

Có thể nói, rừng là nguồn tài nguyên vô giá, nếu mất đi thì khó có thể khôi phục lại được.

Vậy mà trong những năm gần đây con người với những suy nghĩ ấu trĩ thiển cận đã tàn sát không thương tiếc những cánh rừng trên khắp thế giới.

Nạn lâm tặc hoành hành, hàng triệu cây cổ thụ ứa nhựa tràn trề như ứa máu nối nhau sụp đổ. Những vùng núi đồi trơ trọi, nham nhở; gốc cây bị cưa, bị chặt như vết cứa vào lá phổi trái đất. Báo chí hàng ngày vẫn đưa tin, đưa hình hàng triệu lượt thú rừng bị săn bắt, buôn bán trái phép...Chưa hết, còn có những vạt rừng bị chặt, bị đốt vì thói qụen du canh du cư của một số đồng bào dân tộc thiểu số. Thậm chí ở nhiều nơi, do tốc độ đô thị hoá quá nhanh mà diện tích rừng cũng bị thu hẹp,... Linh hồn rừng xanh đang bị con người cắt xén, làm cho què quặt, yếu ớt. Thiên nhiên với con người vốn có mối giao hoà từ mấy vạn năm. Thiên nhiên làm nảy mầm sự sống, là cái nôi nuôi dưỡng con người. Nay con người tàn phá thiên nhiên dữ dội, điều đó không khỏi khiến ta lo lắng.

Quả thực, rừng xanh đã đáp trả bằng một tiếng vọng trách móc, ai oán. Song song với việc hàng vạn ha rừng đổ xuống, mất đi là việc tầng ôzôn bị thủng. Điều đó đồng nghĩa với việc con người sẽ được “hưởng” nhiều hơn loại tia có hại của mặt trời: tia cực tím. Chưa kể đến những thiệt hại về kinh tế, chỉ cần nhắc đến những cơn lũ quét ào ạt, bất ngờ, những vụ sạt lở đất, sự xói mòn nghèo nàn của đất,... điều đó cũng đủ nói đến những mất mốt to lớn do việc rừng bị tán phá gây ra. Thú rừng bị săn bắt bừa bãi, động rừng sẽ diễn ra, mối họa này không ai lường hết được. Thực tế ở Việt Nam, sự kiện những con voi rừng Thánh Linh là một lời cảnh báo sinh động cho những ai dám xúc phạm sự uy nghiêm của rừng thẳm.

Nhìn những cánh rừng tiếp tục bị tàn phá, ta thấy lo lắng vô cùng cho sự sống của con người.

Xuất phát từ môi lo ngại trên, mỗi người cần có ý thức trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ sự sống của chính mình. Chúng ta có thể bắt đầu làm từ những việc nhỏ nhất: trồng cây xanh ở chính khu vực mình sống. Các cấp các ngành tăng cường tuyên truyền về vấn đề bảo vệ rừng; xử lí nghiêm khắc các vi phạm bảo vệ rừng đồng thời cần phải định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số,...

Màu xanh đất nước có sạch đẹp mãi được không “điều đó tuỳ thuộc hành động của bạn, chỉ tuỳ vào bạn mà thôi”. Mỗi người hãy thể hiện tình yêu đất nước, tình yêu cuộc sống bằng việc bảo vệ rừng, bảo vệ màu xanh thiên nhiên.

BÀI CÙNG NHÓM