Trong “Bình Ngô đại cáo” - bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc Nguyễn Trãi từng viết:
“Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có”
Điều đó chứng tỏ nhân tài là một yếu tố quan trọng thể hiện niềm tự hào dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Tại sao vậy? Thân Nhân Trung, một văn nhân có nhiều quan điểm tiến bộ, sâu sắc luôn chăm lo cho sự nghiệp hưng thịnh của nước nhà trong Bài kí đề danh tiến sĩ - 1442 khẳng định: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.
Giống như nhiều quan điểm tiến bộ khác của mình, tư tưởng tôn trọng đề cao vai trò người hiền tài của Thân Nhân Trung qua câu nói trên là một tư tưởng đúng đắn, có tác dụng chiêu mộ nhân tài, góp phần vào sự phát triển đất nước.
Người hiền tài là những người học rộng, tài cao, thông minh, sáng suốt. Họ có cao kiến để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, làm giàu cho quê hương đất nước. Họ có kế tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ giúp xã tắc ổn định an bình. Người hiền tài cũng là hạt nhân quan trọng trong sáng tạo các giá trị văn hoá, làm giàu có, phong phú thêm cho đời sống tinh thần của quốc gia. Có thể nói đó là cái cốt lõi ban đầu làm nên sự sống còn và phát triển của dân tộc “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Người hiền tài có quan hệ lớn đến sự thịnh suy của mỗi quốc gia. Trung Hoa ngày trước, quê hương của những tư tưởng Nho giáo, từ thuở sơ khai đến khi cực thịnh, các nước mạnh yếu khác nhau đều là nhờ vào việc trọng dụng nhân tài. Lịch sử còn ghi lại tên tuổi nhiều danh sĩ: Lã Vọng, Hàn Tín, Khổng Minh Gia Cát Lượng,...
Ở nước ta, nhân tài là một vốn quý, từ lâu đã góp phần vào sự phát triển của đất nước. Đúng như Thân Nhân Trung nhận định: “Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao”. Lịch sử đất nước bước đi theo đấu chần những người con kiệt xuất của dân tộc. Chỉ cần nhìn vào những triều đại hưng thịnh bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam ta sẽ cảm nhận được điều đó. Triều Lí (1009 - 1226), triều đại ghi dấu mở đầu thời kì phát triển mạnh mẽ của chế độ phong kiến. Triều Trần (1226 - 1400), triều đại giành được nhiều thành tựu trong công cuộc chống ngoại xâm bảo vệ đất nước, mở rộng bờ cõi lãnh thổ: ba lần chống quân xâm lược Nguyên - Mông, thu nhận hai châu Ô, Lí,... Triều Lê sơ, triều đại đã bước đến sự hoàn thiện về bộ máy tổ chức nhà nước (Đời vua Lê Thánh Tông),... Đặc biệt, những triều đại trên đều đã để lại nhiều giá trị sáng tạo mang ý nghĩa văn hoá to lớn. Ta có thể nhắc đến chùa Diên Hựu, đến hình ảnh con rồng đời Lí, đến hội Tao đàn Nhị thập bát tú,... Những thành tựu to lớn ấy gắn với tên tuổi những nhân tài làm rạng danh trí tuệ Việt Nam: sư Vạn Hạnh, Lí Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Huyền Trân, Nguyễn Trãi,... Và hơn hết, họ có thể còn là những người dân bình thường đã hàng ngày hàng giờ âm thầm cống hiến sức lực, tài năng cho đất nước theo tiếng gọi động viên của triều đình phong kiến.
Ở những triều đại ấy, quả thực, người hiền tài đã trở thành nguyên khí để thế nước mạnh rồi lên cao. Ngược lại, khi mất sức phù trợ của nhân tài, nước nhà dễ bại vong, suy sụp. Đó là lúc “nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống tháp”. Ta dễ dàng nhìn vào lịch sử để thấy được điều này. Ngay sau triều đại Thân Nhấn Trung sống - triều Hồ, chỉ bởi cha con Hồ Quý Ly không được lòng dân, nhân tài ẩn dật, phiêu tán không quy về một mối mà triều đình phải đơn độc trong cuộc chiến với triều Minh. Hậu quả là cuộc chiến thất bại, nhà Hồ chỉ tồn tại vỏn vẹn trong bảy năm ngắn ngủi. Xã hội Việt Nam cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX cũng là một minh chứng sáng tỏ cho luận điểm này. Nhân tài quay lưng với việc nước lui về ở ẩn cho qua ngày, triều đình không có được sự giúp sức của nhân tài thì coi như người tài vắng bóng. Những Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Trương Định,... họ đã không được thoả chí tung hoành phù trợ non sông. Vậy là việc xã hội Việt Nam ngập ngụa trong đám bùn nhơ nô lệ như một hệ quả khó tránh khỏi của lịch sử.
Người hiền tài quan trọng đối với đất nước như vậy, thế nên, nhà nước đã từng hết sức quý chuộng hiền tài, làm mọi việc cho đến mức cao nhất để khuyến khích, phát triển nhân tài. Kẻ đỗ đạt được ban mũ áo vinh quy bái tổ “võng anh đi trước võng nàng theo sau”, đó là một vinh dự vẻ vang cho cả làng cả tổng. Sau đó họ được ban chức tước, địa vị; làm tốt được trọng thưởng, thăng quan tiến chức, ban yến tiệc, gả công chúa,... Những việc đã làm thậm chí còn chưa xứng với vai trò, vị trí của hiền tài, vì vậy cần phải khắc bia tiến sĩ để lưu danh sử sách. Văn miếu - Quốc tử giám còn lại đến ngày nay là minh chứng sinh động cho điều ây. Những việc làm trên đây của nhà nước chính là những bằng chứng hùng hồn nhất khẳng định vai trò của người hiền tài đối với mỗi quốc gia.
Như vậy, cần khẳng định rằng: thời nào thì “hiền tài” cũng là “nguyên khí của quốc gia”. Vì vậy, cần phải biết quý trọng nhân tài, cần có những chính sách đãi ngộ đối với họ, nhất là trong thời kì mở cửa, nạn chảy máu chất xám không phải là hiếm. Nhiều nhà khoa học, học sinh giỏi, ca sĩ,... sau một thời gian sinh sống và làm việc tại nước ngoài đã định cư luôn tại đó. Ấy là một bài học đắt giá chúng ta cần hết sức lưu tâm.
Cũng cần hiểu rằng: người hiền tài không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh suy của đất nước nói chung mà vai trò của họ còn được thể hiện ngay ở những cấp độ nhỏ hơn. Cơ quan, đơn vị nào biết trọng dụng người tài, có nhiều người có năng lực tham gia vào công tác quản lý hoặc là những người lao động trực tiếp thì đều có thể thúc đẩy công việc của mình một cách hiệu quả và nhanh chóng. Không phải ngẫu nhiên mà những cơ quan, tổ chức, nơi đâu có nhiều người tài thì tất yếu nơi ấy sẽ phát triển, đi lên. Đó là lí do vì sao có những cổng ty, những tổ chức có chiến lược thăm dò, tìm kiếm, thu hút nhân tài ngay từ khi họ còn ngồi trên giảng đường đại học, thậm chí là ghế nhà trường THPT.
Thấm nhuần tư tưởng ấy, nhà nước ta hiện này luôn chú trọng hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nhân tài, coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu”. Ta có thể thấy những năm gần đây, nguồn ngần sách đầu tư vào giáo dục liên tục tăng lên. Các vấn đề của ngành giáo dục được xã hội hoá ở một phạm vi rộng, thu hút sự vào cuộc của mọi tầng lớp xã hội. Đồng thời nhà nước cũng tiếp tục có những chính sách ưu đãi để người hiền tài có điều kiện được công hiến hết mình cho đất nước.
"Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp." Thấm nhuần tư tưởng ấy, mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi nhà trường,... cần có những biện pháp, phương hướng để luyện rèn trí lực, chú trọng vào việc giáo dục trong nội bộ tổ chức. Đặc biệt cần chú tâm giáo dục thế hệ măng non, thế hệ trẻ để thế hệ tương lai ấy phát huy hết tiềm năng trí tuệ ngay từ thuở ban đầu. Trong một xã hội cần người hiền tài và biết trọng người hiền tài thì việc luyện rèn ấy trước là để “vinh thân phù gia”, sau là đóng góp cho sự nghiệp đi lên của đất nước.
Tư tưởng của Thân Nhân Trung từ hơn năm thế kỉ trước vẫn còn là tư tưởng tiến bộ đến mãi muôn đời sau. Đó là kim chỉ nam cho mọi phương hướng của bất kì một quốc gia, một xã hội,... nào muốn trường tồn, phát triển.