Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta. Từ đây, một nền văn học mới gắn liền với lí tưởng độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội được khai sinh. Nền văn học mới đã phát triển qua hai giai đoạn: từ 1945 đến năm 1975 và từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX. Giai đoạn văn học từ năm 1945 đến năm 1975 là một giai đoạn văn học hết sức đặc biệt, bởi nó diễn ra trong một hoàn cảnh lịch sử cũng rất đặc biệt. Chiến tranh giải phóng dân tộc vô cùng ác liệt kéo dài suốt ba mươi năm, công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc,... Những sự kiện đó đã tác động mạnh mẽ đến nền văn học. Dưới sự lãng đạo của Đảng Cộng sản, đường lồi văn nghệ đã tạo nên một nền văn học thống nhất về tư tưởng, tổ chức và quan niệm nhà văn kiểu mới: nhà văn - chiến sĩ. Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta còn nghèo nàn và chậm phát triển nên việc giao lưu văn hóa với nước ngoài không thuận lợi, chỉ giới hạn ở một số nước như Liên Xô, Trung Quốc. Ở giai đoạn này, nhìn chung văn học Việt Nam có thể chia làm ba giai đoạn. Cụ thể như sau:
Giai đoạn thứ nhất là từ năm 1945 đến năm 1954. Trong mười năm đầu, văn học tập trung ca ngợi Tổ quốc và quần chúng nhân dân. Nhiều tác phẩm đã phản ánh hình ảnh cả dân tộc tham gia kháng chiến với tinh thần hăng say, quên mình. Văn học gắn bó sâu sắc với đời sống kháng chiến. Các nhà văn hướng ngòi bút của mình về quần chúng và ngợi ca sức mạnh của nhân dân bằng một niềm tin tất thắng. Văn xuôi giai đoạn này phát triển mạnh ở thể kí và truyện ngắn. Nhiều tập truyện, kí dày dặn đã được giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam như Đôi mắt của Nam Cao, Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài,... Thơ ca cũng có bước phát triển mới: thơ trữ tình công dân, ngợi ca đất nước và con ngươi kháng chiến chiếm vị trí chủ đạo; bên cạnh những thể thơ truyền thống còn có thơ tự do,- thơ không vần hoặc ít vần; cùng với cảm hứng anh hùng ca, thơ kháng chiến còn mang cảm hứng lãng mạn,... Tiêu biểu là các tác phẩm Cảnh khuya của Hồ Chí Minh, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi,... Kịch thời kì này cũng phản ánh sinh động hiện thực cách mạng và kháng chiến, tiêu biểu là vở kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng, Chị Hòa của Học Phi,... Lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học chưa phát triển nhưng đã có một số sự kiện và tác phẩm có ý nghĩa quan trọng như Nhận đường của Nguyễn Đình Thi, Quyền sống của con người trong “Truyện Kiều” của Hoài Thanh,...
Giai đoạn thứ hai là từ năm 1955 đến năm 1964. ở thời kì này, văn học tập trung phản ánh hình ảnh con người mới, cuộc sống mới. Không khí xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc đem lại cho văn học một tiếng nói mới tràn đầy niềm vui, niềm lạc quan. Nỗi đau chia cắt. và ý chí thống nhất đất nước tạo cho văn học một nội lực quan trọng. Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát nhiều vân đề, nhiều phạm vi của đời sống; nhiều tác phẩm viết về sự đổi đời của con người, sự biến đổi số phận và tính cách trong hoàn cảnh xã hội mới tốt đẹp, thể hiện khát vọng hạnh phúc của con người, có ý nghĩa nhân văn khá sâu sắc. Có những truyện ngắn, tiểu thuyết lấy đề tài về cuộc sống trước Cách mạng nhưng phân tích, khát quát theo quan điểm mới. Tiêu biểu là các tác phẩm như truyện ngắn Mùa lạc của Nguyễn Khải, tiểu thuyết Sống mãi với thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, tùy bút Sông Đà của Nguyễn Tuân,... Thơ ca cũng phát triển mạnh mẽ, nhiều tác phẩm có sự hài hòa giữa yếu tố hiện thực và lãng mạn cách mạng. Cuộc sống mới với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, nỗi đau chia cắt đất nước và nỗi nhớ miền Nam cùng với khát vọng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,... là những nguồn cảm hứng lớn của thơ ca giai đoạn này. Tiêu biểu là các tập thơ Gió lộng của Tôt Hữu, Riêng chung của Xuân Diệu,... Kịch nói cũng có một số tác phẩm được dư luận chú ý như Ngọn lửa của Nguyễn Vũ, Nổi gió của Đào Hồng cẩm,...
Giai đoạn thứ ba là từ năm 1965 dến năm 1975. Văn học chặng đường này tập trung viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Văn xuôi mang đậm chất kí, phản ánh nhanh nhạy, kịp thời cuộc sống chiến đấu và lao động của nhân dân anh hùng. Tiêu biểu là truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, tiếu thuyết Hòn Đất của Anh Đức,... Thơ ca cũng có nhiều thành tựu xuất sắc, đào sâu và mở rộng phạm vi phản ánh, tăng cường chất suy tưởng và chính luận. Lịch sử văn học thời kì này trân trọng ghi nhận sự đóng góp của thế hệ các nhà thơ trẻ - những chiến sĩ đã đem đến cho thơ một tiếng nói trẻ trung, sôi nổi, góp phần xây dựng nên bức chân dung tinh thần của một thế hệ trẻ cầm súng. Tiêu biểu là các tác phẩm tập Ra trận của Tố Hữu, Đầu súng trăng treo của Chính Hữu, trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm,... Kịch cũng có những thành tựu đáng ghi nhận như các vở kịch Đôi mắt của Vũ Dũng Minh, Quê hương Việt Nam của Xuân Trình,... Nhiều công trình nghiên cứu, lí luận, phê bình xuất hiện. Có giá trị hơn cả là những công trình của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu,...