Vẻ đẹp độc đáo của bức tranh thiên nhiên cảnh ngày hè và tâm hồn Nguyễn Trãi

Thiên nhiên luôn là nguồn cảm hứng bất tận của thi ca xưa nay, đặc biệt với những tâm hồn nhạy cảm trước mọi vẻ đẹp thiên nhiên như Nguyễn Trãi. Từ khung cảnh chiều hè ven một làng chài, thi nhân đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên Cảnh ngày hè sinh động và đầy sức sống:

Rồi hóng mát thuở ngày trường,

Hoè lục đùn đùn tán rợp giương.

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,

Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Lao xao chợ cá làng ngư phủ,

Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,

Dân giàu đủ khắp đòi phương.

Thi nhân xưa đến với thiên nhiên thường bằng bút pháp vịnh nhưng ở bài thơ này, chúng ta thấy Nguyễn Trãi lại thiên về bút pháp tả. Hiện lên trước mắt người đọc là bức tranh ngày hè với những đường nét, màu sắc, âm thanh, hương thơm và cảnh vật hết sức cụ thể. Tất cả đều rõ nét trong bốn câu thơ (câu 2, 3, 4, 6). Màu lục của lá hoè làm nổi bật màu đỏ của hoa thạch lựu và ánh mặt trời buổi chiều như dát vàng lên những tán hoè xanh. Tiếng ve ngân như tiếng đàn. Những đoá sen hồng trong ao đang toả ngát mùi hương. Nhưng nếu chỉ như vậy thì bức tranh thiên nhiên kia có là độc đáo? Cái thần thái sinh động, đầy sức sống của bức hoạ Cảnh ngày hè không chỉ nằm trong sự giàu có về hình sắc, âm thanh... đó mà chất chứa ở các tính từ, động từ gợi tả trong bốn câu thơ: đùn đùn, phun, đỏ, tiễn, giương, dắng dỏi. Các từ đùn đùn (dồn dập tuôn ra), giương (giương rộng ra), phun, tiễn (ngát, nức) gợi tả sức sống căng đầy chất chứa từ bên trong tạo vật, tạo nên những hình ảnh mới lạ, gây ấn tượng. Cây trước lầu, ngoài ao đều ở trạng thái tràn đầy sức sống, đụa nhau trổ dáng, khoe sắc, toả hương. Cây hoè trước sân, lá lục đùn đùn, tán rợp giương ra. Cây lựu hiên trong khi còn liên tục phun những bông hoa đỏ thắm, thì sen hồng ngoài ao đã kịp nức mùi hương. Trong Truyện Kiềụ, Nguyễn Du cũng có hai câu thơ viết về hoa thạch lựu:

Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập loè đâm bông

So sánh hình ảnh lửa lựu lập loè với hình ảnh thạch lựu hiên còn phun thức đỏ, ta thấy cả Nguyễn Trãi và Nguyễn Du đều là những tâm hồn nghệ sĩ rất mực tinh tế. Nếu như Nguyễn Du thiên về tạo hình sắc thì Nguyễn Trãi thiến về tả sức sống. Cả hai hình ảnh đều đem đến người đọc những hình ảnh thật đẹp.

Giữa ngày hè, chẳng ai còn nghĩ đến sự tĩnh lặng, im ắng. Trong bức tranh thiên nhiên mà Nguyễn Trãi đang hoạ lại trước người đọc bằng những con chữ, nhà thơ không quên đem vào đó thứ âm thanh đặc trưng của chiều hè tiếng ve. Từ tượng thanh dắng dỏi được đặt trước cầm ve làm nổi bật không khí nhộn nhịp của chiều hè nơi làng quê. Tiếng ve lúc chiều tà không gợi buồn mà trở thành tiếng đàn vang dội, râm ran khiến không khí trong lầu rộn rã hẳn lên.

Cảnh vật đang ở vào lúc cuối ngày (lầu tịch dương - mặt trời sắp lặn) nhưng sự sống thì không dừng lại. Có một cái gì thôi thúc tự bên trong đang ứa căng, tràn đầy, không kìm lại được.

Cùng viết về cảnh mùa hè, các tác giả thời Hồng Đức lại đem đến người đọc một bức tranh với vẻ đẹp mộc mạc và có phần thô tháp:

Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi,

Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè

(Lại vịnh nắng mùa hè, Bài 3)

Trong cái nhìn đối sánh, chúng ta đều có thể nhận thấy Cảnh ngày hè của Nguyễn Trãi có phần tinh tế hơn. Và cội nguồn vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên không chỉ nằm ở tài năng miêu tả của Nguyễn Trãi mà còn ở sự rung cảm của tâm hồn người nghệ sĩ. Qua bức tranh thiên nhiên sinh động, tràn đầy sức sống, người đọc thấy được sự giao cảm mạnh mẽ nhưng tinh tế của nhà thơ đối với cảnh vật. Sự giao cảm mạnh mẽ đó không làm mất đi vẻ tinh tế của hồn thơ úc Trai. Tác giả biết hoà màu sắc, âm thanh, đường nét theo qui lụật của cái đẹp trong hội hoạ, trong âm nhạc, làm cho bức tranh thiên nhiên vừa có hình, vừa có hồn, vừa gợi tả, vừa sâu lắng.

Nguyễn Trãi là nhà thơ của thiên nhiên: Non nước cùng ta đã có duyên (Tự thán, Bài 4). Tuy Một phút thanh nhàn trong thuở ấy đối với Nguyễn Trãi thật hiếm hoi nhưng trong hoàn cảnh nào tâm hồn thi nhân cũng rộng mở đón nhận thiên nhiên: Túi thơ chứa hết mọi giang san (Tự thán, Bài 2). Khoảnh khắc Rồi hóng mát thuở ngày trường đối với ông thật quí giá. Quí giá bởi chỉ lúc này hồn thơ ức Trai mới được tự do cất cánh, lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mới được cất thành những vần thơ trác tuyệt.

Như vậy, với Cảnh ngày hè, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên độc đáo mà còn được cảm- nhận sâu sắc về tấm lòng thiết tha với thiên nhiên, và sâu xa hơn, đó còn là tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ Nguyễn Trãi.

BÀI CÙNG NHÓM