Anh (chị) hiểu thế nào về tình yêu và khát vọng đối với tự do trong bài thơ tự do của p. Ê-luy-a

Trong những năm tháng đen tối của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai khi đất nước Pháp bị quân phát xít giày xéo, quân đội Đồng minh đã liên tục dùng máy bay rải những vần thơ "Tự do" cháy bỏng của Pôn Ê-luy-a để động viên nhân dân chống quân thù. Tại sao bài thơ ấy của Ê-luy-a lại kì điệu đến vậy? Bởi "Tự do" đã thể hiện sâu sắc tình yêu và khát vọng đối với tự do của hàng triệu con người đang trong vòng bi phẫn.

Pôn Ê-luy-a là một nhà thơ cách mạng nổi tiếng của Pháp. Thơ Ê-luy-a ở thời kì nào cũng đầy khát vọng và mơ ước tự do. ông đã đi "từ chân trời một người đến chân trời tất cả mọi người". Thơ của ông từ 1942 thấm nhuần tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cao cả, là tiếng nói của tâm hồn trong sáng tuyệt vời, của tình yêu nồng nàn làm xao xuyến con người, là những khúc nhạc dịu dàng, những ước mơ đẹp kết hợp với thực tiễn xã hội. Bài thơ Tự do là một tác phẩm được rút trong tập Thơ ca và chân lí, đúng thời gian quân phát xít Đức đang giày xéo nước Pháp. Tự do là tiếng nói rạo rực của trái tim, tiếng vang động của núi rừng, sông biển; vũ trụ và con người đòi hỏi Tự do:

Trên những trang vở học sinh

Trên bàn học trên cây xanh

Trên đất cát và trên tuyết

Tôi viểt tên em... Tự do.

Chủ đề của bài thơ đồng thời tên của bài thơ là Tự do. Đây không phải là một thi đề mới mẻ trên thế giới. Song cần lưu ý rằng, trong bài thơ đặc biệt này, tự do không chỉ là tự do cá nhân mà còn là tự do cho đất nước, tự do cho dân tộc. Khi đất nước được tự do, không bị kẻ thù ngoại lai xâm lược thì con người trong đất nước đó mới thực sự được tự do. Đó là thứ tự do chân chính mang phẩm chất nhân văn chứ không phải thứ tự do chém giết của các thế lực thù nghịch bạo tàn, độc ác. Bài thơ miêu tả tâm trạng khát khao, chần thành tha thiết của những người dân nô lệ hướng tới tự do khi cuộc sống của họ không có tự do, bị bọn phát xít giày xéo.

Bài thơ có mười hai khổ. Câu kết ở mỗi khổ là “Tôi viết tên em”, ở khổ cuối cùng (khổ mười hai) là “Để gọi tên em”. Vậy tôi là ai? Em là ai? "Tôi" là chủ thể trữ tình, cái tôi thi sĩ. Đấy là tác giả Ê-luy-a đang hướng về tự do với tấm lòng thiết tha cháy bỏng, nỗi niềm chất chứa được dồn nén và toả ra trên trang giấy, bộc lộ với tự do như với người thân yêu nhất. Song thế chưa đủ. Tôi không chỉ là chủ thể trữ tình, cái tôi thi sĩ mà là tất cả mọi người đang rên siết dưới ách nô lệ của bọn phát xít. Vì thế bài thơ đã trở thành thánh ca trong cuộc kháng chiến chống phát xít Đức. Cách dùng đại từ “em” rất độc đáo. “Em” đồng nghĩa với tự do. Tự dọ là điều vô cùng cao quý, thiêng liêng nhưng tác giả gọi đó là “em” rất gần gũi, giản dị và thân thương vô cùng. Dùng đại từ “em” để chỉ tự do, tác giả bày tỏ lòng yêu mến, tình cảm tha thiết chân thành đô'i với tự do. Việc sử dụng thủ pháp điệp cấu trúc câu "tôi viết tên em" làm cho cảm xúc tuôn trào, dào dạt, liên tiếp của một tâm trạng khát khao tự do.

Động từ “viết” là ghi, chép. Có thể hiểu là hành động. Nhà thơ sinh ra để ca ngợi tự do, viết về tự do, chiến đấu hi sinh vì tự do. “Viết” là hành động của mọi người để hướng tới tự do, đạt được nguyện vọng sống tự do. Hai tiếng “tôi viết” phải được hiểu như vậy mới nhận ra ý đồ nghệ thuật của tác giả, tạo ra sự đồng cảm lớn lao.

Từ “trên” được lặp lại nhiều lần, mười hai khổ thơ có tới mười một khổ từ “trên” xuất hiện. Tổng số ba mươi tư “trên” trong mười một khổ. Trong tiếng Việt từ “Trên” là danh từ chỉ phương hướng. Tiếng Pháp gọi “trên” là giới từ. Tương tự như từ “on" trong tiếng Anh. Từ “trên” trong vãn cảnh (bài thơ) này chỉ không gian. Hàng loạt hình ảnh: 'Trên những trang vở học sinh", "Trên bàn học, trên cây xanh", "Trên sa mạc trên rừng hoang", "Trên đất cát và trên tuyết", "Trên tổ chim, trên hoa trái", "Trên những mảnh trời trong xanh", "Trên ao mặt trời ẩm mốc", "Trên hồ vầng trăng lung linh", "Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông", "Trên đại dương trên tàu thuyền”, "Trên vùng núi non điên dại”,... Có tới mười bảy lần từ "trên" xuất hiện gắn với không gian, người đọc có thế’ nhận biết được qua hình ảnh. Điều đó cho ta thấy tình cảm của tác giả rất đáng trân trọng, đó là tình cảm tha thiết không chỉ của riêng nhà thơ mà còn của bao người khác nữa. Nhưng cũng có không gian được viết ra bằng bút pháp siêu thực: "Trên hình ảnh rực vàng son", "Trên gươm đao người lính chiến", 'Trên mũ áo các vua quan", "Trên điều huyền diệu đêm đêm", "Trên tất cả họ hàng quây quần",... Đó là không gian qua trí tưởng tượng đã chuyển hoá thành thời gian, không gian và thời gian thể hiện tâm trạng con người. Đó là không gian, thời gian nghệ thuật. Cách hiểu từ “trên” dưới góc độ thời gian nhấn mạnh hơn tình cảm tha thiết vươn tới tự do: thời gian cứ chảy trôi, con người cứ khao khát vươn tới tự do không ngừng nghỉ.

Từ “trên” gắn liền với những không gian, thời gian giúp người đọc hiểu sâu thêm về hai chữ “tự do”. Tự do đã trở thành khát vọng cháy bỏng, mong mỏi da diết của con người. Dù ở đâu, đang làm gì, tuổi ấu thơ hay đã trưởng thành, thức cũng như ngủ, quan sát hay suy ngẫm, núi non hiểm trở hạỹ theo con tàu lênh đênh trên sóng nước, thậm chí cả lúc nguy nan, tôi đều hưởng tới tự đo. Tự do là khát vọng lớn, mãnh liệt của con người. Nó càng có ý nghĩa hơn khi nhân dân Pháp (năm 1942) đang bị bọn phát xít Đức xâm lược. Kết hợp hai cách hiểu trên làm cho ý thơ có sự kết nối về không gian: “tôi viết tên em” khi đang đâu đó và làm một việc gì đó. Các từ “trên” xuất hiện khiến bài thơ có kiểu lặp từ xoáy tròn tạo ra nhạc điệu nhằm nhấn mạnh ấn tượng về sự lan toả triền miên không dứt của cảm giác tự do, khát vọng tự do.

Bài thơ ra đời vào đúng thời gian quân phát xít Đức đang giày xéo nước Pháp. Sự thực phũ phàng ấy là nỗi nhói đau của hàng triệu con người Pháp chân chính trong đó có nhà thơ.

Viết bài thơ Tự do, Ê-luy-a đã cất lên tiếng hát khao khát tự do mãnh liệt thiêng liêng của một con người, của một công dân trên đất nước bị kẻ thù giày xéo. Tình cảm tha thiết của thi sĩ với tự do phải được hiểu là tâm sự yêu nước, nỗi đau mất nước, lòng khao khát tự do cho bản thân và lớn hơn nữa là tự do cho đồng bào, dân tộc. Khi ấy, cái “tôi” trữ tình trở nên vĩ đại và cao thượng nhường nào.

BÀI CÙNG NHÓM