Cuộc sống của xã hội loài người chúng ta là cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Ở mỗi nước, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc ai cũng có cách sống, tiêu chuẩn sống riêng của mình; và ngay bản thân chúng ta, ai cũng có cách sống, lối sống riêng. Vậy thế nào là sống đẹp? Nhà thơ Tố Hữu đã từng nêu ra như thế với mọi người: Ôi! Sống đẹp là thể nào hỡi bạn? Vậy giữa bạn và tôi ai là người có lối sống đẹp? Và muốn sống đẹp thì chúng ta phải làm như thế nào?
Mỗi người chúng ta ai cũng có lối sống riêng, nhưng theo tôi, để đạt được hai chữ sống đẹp thì chúng ta phải hội tụ đủ những yếu tố như sống đúng đắn, cao đẹp; tâm hồn, tình cảm lành mạnh, nhân hậu; trí tuệ (kiến thức) ngày một mở rộng, sáng suốt; và phải luôn có hành động hướng tới cái Chân, Thiện, Mĩ. Thật vậy, như chúng ta đều biết, một tập thể có lối sống đẹp là một tập thể đoàn kết, thương yêu giúp đờ lẫn nhau trong cuộc sống cũng như công việc, ở đó mỗi thành viên phải luôn ý thức được việc làm của mình là vì lợi ích chung của tập thể. Ở đó, mọi người vì một người, một người vì mọi người, họ không quản ngại khó khăn gian khổ. Và ở đâu đó trên mọi nẻo đường đất nước, đi đâu tôi vẫn thây có rất nhiều tấm gương có lối sống đẹp: từ anh kĩ sư ở công trường đến thầy (cô) giáo tình nguyện lên dạy học ở vùng sâu, vùng xa cho các đồng bào dân tộc,.... Tất cả những con người ấy không màng nghĩ sống đẹp là như thế nào, nhưng ngay bản thân và việc làm của họ đã nói lên tất cả, họ là người có lối sống đẹp. Bên cạnh đó, vẫn còn đâu đó trên mảnh đất này tôi vẫn thấy có những con người có lối sống không đẹp. Đó là những con người chỉ vì lợi ích riêng tư mà quên đi lợi ích chung của xã hội. Họ đã bóp méo sự thật, nếu làm ở cơ quan thì họ nịnh bợ cấp trên để hạ uy tín của người khác nhằm trục lợi cho mình. Họ chia rẽ tập thể vì ý đồ riêng tư nào đó, đó là lối sống không đẹp. Hoặc một bạn học sinh thường không nghe lời thầy (cô) giáo, cha mẹ, không lo học hành mà chỉ lo chơi bời, rượu chè, cờ bạc, điện tử,... sông dối thầy, lừa cha mẹ để đi vào con đường xấu, sống không có mục đích, không có lí tưởng.
Vậy mỗi chúng ta cần phải thường xuyên học tập và rèn luyện bản thân để từng bước hoàn thiện nhân cách của mình. Là học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, được trực tiếp nghe những lời chỉ dẫn và dạy bảo của thầy (cô) giáo thì tôi và các bạn hãy luôn sống và rèn luyện bản thân mình, sao cho cuộc sống của mình có ích cho xã hội, để khỏi phụ công nuôi nấng của cha mẹ và công dạy bảo của thầy (cô), sống đẹp là một chuẩn mực cao nhất trong việc hình thành nhân cách của con người. Câu thơ của Tố Hữu có tác dụng gợi mở, nhắc nhở chung cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ ngày hôm nay - những chủ nhân tương Lai của đất nước.