Thúy Kiều, con người của một thời đại đã có ý thức sâu sắc hơn, phong phú hơn về đau khổ cũng như khát vọng của mình, không thể đơn giản chấp nhận chỉ một phương diện nào của hạnh phúc. Ngoài hạnh phúc gia đình, nàng còn sống với khát khao tình yêu tuổi trẻ; ngoài tình thương cha mẹ, hai em, còn tình yêu với chàng Kim. Vì giữa cái tuổi mười sáu, với một nhan sắc khuynh thành, một tài hoa rực rỡ, một trái tim nồng nàn, nàng đã gặp Kim Trọng - chàng trai “phong tư tài mạo tót vời”... Nói một cách khác, Thúy Kiều đã đối diện hạnh phúc. “Kể từ khi gặp chàng Kim” nàng đã sông trong hương vị ngây ngất ngọt ngào của giờ phút “chập chờn cơn tỉnh cơn mê”...
Mai sau, trong hạnh phúc của Kim Trọng, nàng không hiện diện, nàng ước nguyện:
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Nàng sẽ để lại những kỉ vật thân thiết của một quá vãng tươi đẹp. “Ngày xưa” đối với Kim Trọng mai sau mà cũng là “ngày xưa” đối với Kiều hiện tại: hạnh phúc rực rỡ đột ngột tan thành thảm khốc, những giây phút tươi đẹp mới mẻ đã trở thành ảo ảnh vô cùng xa xôi. Thời gian siêu hiện thực biểu hiện tâm trạng tiếc hận đớn đau sâu sắc trong lòng Thúy Kiều...
Nhưng kỉ vật đâu phải là con người. Kỉ vật không thể giải quyết niềm thương nỗi nhớ. Kiều khao khát trở về gặp mặt người yêu, cho dù ước vọng ấy cũng hết sức mong manh:
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so ta phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Bản chất hạnh phúc không tồn tại nơi chữ hiếu, chữ nghĩa theo quan niệm phong kiến! Những quan niệm hạnh phúc siêu hình (kỉ vật, kiếp sau sum họp, giọt lệ cảm thông) hoàn toàn không thể xoa dịu khổ đau của người thiếu nữ có trái tim nồng nàn, sôi nổi như Thúy Kiều.
Có thể nói, tâm trạng Kiều đứng trước mọi đổ vỡ của hạnh phúc là thể hiện sự đấu tranh giữa những quan niệm hạnh phúc - những quan niệm hạnh phúc của Nho gia, của Phật giáo và những quan niệm hạnh phúc có màu sắc nhân đạo chủ nghĩa.
Nói một cách khác, Thúy Kiều đã được giải phóng khỏi những quan niệm siêu hình, tôn giáo về hạnh phúc. Nhân vật của Nguyễn Du là con người được thức tỉnh, dù chỉ để khổ đau. Thúy Kiều là con người của bi kịch. Hạn chế và giá trị của tính cách nhân vật cũng đều bao hàm trong yếu tố đó.