Như có sự liên cảm giữa câu ca xưa với thân phận hẩm hiu của mẹ. Khi hát ru đứa con thơ dại bằng lời ca dao: "Cái cò đậu cọc cầu ao - An sung sung chát, ăn đào đào chua", lòng mẹ càng thêm thấm thìa bao nỗi tủi buồn, xót xa. Dưới ao chẳng còn gì để mò mẫm kiếm ăn, con cò đói đành đậu cọc cầu ao, tìm những thức ẳn khác để thay thế thức ăn hằng ngày của nó là tôm, cua, cá, ốc,... Nó lần mò tìm được mấy thứ quả ăn cho đỡ đói lòng thì "Ăn sung sung chát, ăn đào đào chua", những thứ chua chát ấy nó làm sao nuốt nổi. Người mẹ nghèo cám cảnh con cò mà thương cho phận mình: dù có lần hồi vất vả kiếm sống đến mấy nhưng cũng không sao thoát khỏi cái số kiếp triền miên túng thiếu, đói nghèo.
Mẹ đã khuất xa và lời mẹ hát năm xưa cũng theo làn gió cùng mẹ về trời. Nhưng lời ru ấy cùng với bao lời ru khác mà hát con nghe không hề mất đi, trái lại, tình ý của những lời ru ấy vẫn còn vang vọng mãi trong con. Biển trời còn có giới hạn (mặt biển chân trời), tình mẹ thương con bao la hơn cả biển trời, có đi cả cuộc đời con cũng không sao cảm nhận hết tình thương mà mẹ dành cho con. Không chỉ có tình thương con, nhưng lời ru ấy còn chứa đựng những triết lí sâu sắc, những lẽ đời cao cả. Này đây lời ca yêu nước nồng nàn: "Con ơi con ngủ yên lành - Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi". Này đây lòng biết ơn cha mẹ: "Ru ơi ru hỡi ru hời - Công cha như núi ngất trời - Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông". Này đây lòng tôn sư trọng đạo: "Muốn sang thì bắc cầu kiều - Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy".. và nhiều, nhiều nữa.. Những triết lí, những bài học nhân sinh đúc kết từ hàng ngàn đời ấy làm sao một đời con hiểu hết bao tình cao ý sâu. Thấm thìa trong tùng câu thơ là lòng biết ơn vô bờ của người con với mẹ hiền.