Phân tích bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài)

HƯỚNG DẪN

Tác giả Phạm Ngũ Lão (1255 - 1320) người làng Phù ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc Ân Thi, Hưng Yên), là gia khách, sau thành con rể của Trần Hưng Đạo, người có nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, làm đến chức Điện súy, được phong tước Quan nội hầu. Ông là võ tướng nhưng yêu thích thơ văn. Tác phẩm còn lại hai bài thơ Tỏ lòng (Thuật hoài) và Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Vương (Viếng Thượng tướng quôc công Hưng Đạo Đại Vương).

Bài thơ Tỏ lòng được sáng tác vào khoảng những ngày cuộc khởi nghĩa lần thứ hai chống Mông - Nguyên đã đến rất gần. Bài thơ làm theo thể Đường luật, nội dung khắc họa hình ảnh con người có sức mạnh, có lí tưởng, nhân cách cao cả mang khí thế hào hùng của thời đại.

Câu thơ mở đầu thể hiện vẻ đẹp của người anh hùng thời đại với tầm vóc, tư thế, hành động lớn lao, kì vĩ. “Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu” (Múa giáo non sông trải mấy thu). Câu thơ nguyên tác dựng lên hình ảnh người cầm ngang ngọn giáo mà trấn giữ đất nước. Con người ấy có một tư thế hiên ngang, mang tầm vóc vũ trụ, át cả không gian bao la. Đó là con người của thời đại, mang hào khí Đông A: tự tin, dũng mãnh, kiên cường. Vượt qua thử thách của thời gian, của không gian, người tráng sĩ vẫn đường hoàng là một vị anh hùng. Lời thơ giản dị mà cảm xúc, hình ảnh chân thực mà hoành tráng, biểu hiện tư thế hiên ngang, ý chí bảo vệ Tổ quốc của nhân vật trữ tình - người trực tiếp chiến đấu.

2. Từ câu thơ thứ nhất đến câu thơ thứ hai là một sự vận động không ngừng của quân đội nhà Trần thế kỉ XIII. Nếu trong câu thơ đầu người đọc cảm nhận được vẻ đẹp của người lính thì ở câu thứ hai này khí thế dũng mãnh của quân đội (ba quân) đã trở thành sức mạnh của dân tộc. Thủ pháp nghệ thuật so sánh khí thế của ba quân như hổ báo nuốt trôi trâu vừa cụ thể hóa sức mạnh vật chất, vừa khái quát sức mạnh tinh thần của đội quân mang “hào khí Đông A”. Đội quân này sẵn sàng đón đợi để đè bẹp mọi cuộc tấn công của quân địch.

3. Câu thơ thứ 3, 4:

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Quan niệm lập công danh đã trở thành lí tưởng của đấng làm trai thời phong kiến. “Vương nợ” ở đây có nghĩa là chưa trả xong nợ công danh, chưa hoàn thành nghĩa vụ với đời, với dân vổi nước. Chí làm trai trong bối cảnh lịch sử thời kì này mang tính tích cực và có tác dụng to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước.

4. Nỗi “thẹn” mà bài thơ nói đến ở đây là nỗi thẹn vì chưa trả xong nợ nước. “Thẹn” chưa có tài mưu lược lớn để cứu nước khi so sánh với Vũ hầu Gia Cát Lượng đời Hán. Đây là nỗi thẹn của con người có nhân cách. Nỗi thẹn này không làm thấp bé mà trái lại, nó nâng cao tầm vóc con người.

5. Bài thơ thể hiện chí làm trai của đấng nam nhi trong thời đại nhà Trần. Tác giả không chỉ nói lên hoài bão của bản thân mà còn phát ngôn cho cả một thời đại rực rỡ chiến công trong lịch sử nước ta.

BÀI CÙNG NHÓM