Nguyễn Tuân bước vào nghề văn dường như là để minh hoạ cho hai câu thơ ngông của Nguyễn Công Trứ:
Trời đất cho ta một cái tài
Giắt lưng dành để tháng ngày chơi.
Cuộc đời có gì nghiêm túc đâu mà phải nghiêm trang đạo mạo: hồi ấy, Nguyễn Tuân coi sống chỉ là một cuộc dong chơi. Có điều thú chơi của ông là chơi tài, chơi nghệ thuật. Thực ra muốn chơi ngông, nhất thiết phải có tài. Bất tài mà chơi ngông, người ta gọi là gì gì đó chứ không gọi là ngông. Vì xét đến cùng, chơi ngông là đứng ở đỉnh cao của tài hoa và trí thức mà trêu ghẹo thiên hạ. Trong cái dòng văn chương chơi ngông nước ta, tính từ thế kỷ XIX về sau, thấy toàn là những bậc kỳ tài: Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà... Nguyễn Tuân có lẽ là người cuối cùng được kể đến trong dòng vãn học này chăng?
Vậy thì văn Nguyễn Tuân là thứ văn chơi, văn đùa, thứ văn cố tình khoe tài, khoe chữ một cách khinh bạc và gai góc để gây sự, trêu ghẹo người ta. Một lối văn suy tôn chính cái tôi ngông ngáo của mình, và trở đi trở lại vẫn chỉ đem cái tôi ấy ra mà "dộc tấu” giữa thiên hạ. Một thứ văn nghênh ngang và lan man, ngòi bút cứ chạy theo dòng cảm nghĩ lông bông, tài tử, với những liên tưởng ngẫu hứng tạt ngang hay cóc nhảy, lắm lúc như muốn đưa người ta vào những bát quái trận đồ... Môt cách chọn lựa đề tài cố tình coi khinh những gì người đời cho là quan trọng và để lên rất cao, thậm chi "'thiêng liêng" hóa những gì người đời cho là tầm thường xoàng xinh, mư cái ăn cái uống. như những thân phận đào nương kép hát "xướng ca vô loai’’ hay những anh đồ kiết xác thất thế cùng đường, ngất ngưởng sống nốt những ngày tàn tạ
Đã chửi văn. chơi tài. thì tất nhiên văn phải ra văn, nghệ thuật phải dúng là nghệ thuật. Đọc Nguyễn Tuân, thấy người xưa nói đúng: văn chương quả có cái ma lực của nó thật. Có những sự vật. những hiện tượng, đối với cây bút khác, có lẽ chẳng có gì đáng nói. đáng viết nhất là viết thành lời đẹp văn hay. Ấy thế mà Nguyễn Tuân đã khai thác được như những đề tài phong phú, mới lạ, và tạo nên được những áng văn đầy sức hấp dẫn. Đấy là một tay bút có thể viết rất nhiều trang rất đỗi tài hoa về một cái đinh sắt rỉ dùng để mắc áo trên tường (Chiếc lư đồng mắt cua), có thể làm cả một cuốn sách về một mái tóc đàn bà (Tóc chị Hoài), có thể ném "lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu" cho một cảnh lái đò vượt thác (Ngươi lái đò sông Đà), vẽ một cây sấu ra hoa, về một cành bàng nẩy lộc (Cây Hà Nội), về các thứ đồng hồ (Tờ hoa) thậm chí về một bát phở (Phở), một hạt cốm (Cốm)... Cái công phu ông bỏ ra để luyện cho mình một cái Văn như thế thật ít ai có được: đọc nhiều, tra cứu nhiều. đi nhiều, xem nhiều, tích luỹ nhiều, ngẫm nghĩ nhiều. Và mỗi lần cầm lấy bút là cân nhắc từng câu từng chữ. Viết xong còn phải đọc đi đọc lại nhiều lần để kiểm nghiệm lại chính cái viết của mình - kiểm nghiệm bằng mắt nhìn, bằng tai nghe chưa đủ, "còn phải ngửi lại, nếm lại cái lời mình viết ra kia (...) có khi lại như chính lòng bàn tay mình phái sờ lại những góc cạnh câu viết của mình" (Về tiếng ta).
Viết kỹ, viết công phu như thế, tất nhiẻn không thể viết nhanh viết nhiều được. Những điều ông viết ra so với cái vốn sống, vốn văn hoá, vốn chữ nghĩa giàu có của ông. Quả là còn chưa tương xứng. Nhưng cái khó trong việc viết văn, làm văn của Nguyền Tuân còn ở chỗ này: đã viết thì phải độc đáo, phải in đậm cá tính, phong cách riêng của mình trên trang sách. Nghĩa là phải viết cho ra Nguyễn Tuân: mỗi lần đặt một câu. một chữ lên trang giấy trắng, phải làm sao đó có thể nói được dõng dạc với độc giả: đây là văn Nguyễn Tuân, đây là chữ nghĩa của Nguyễn Tuân! Nhưng đọc văn Nguyễn Tuân, phải thấy cái ngông nghênh kiêu bạc chỉ là bề nổi. cũng như chiếc can, cái píp, bộ ria Hoa Kỳ chỉ là cái phong dạng bề ngoài của ông mà thôi. Cai ngông xưa nay bao giờ cũng có cơ sở luân lí vững chắc của nó. Đấy là điểm tựa để kè chơi ngông có thể đặt mình lên trên cái môi trường tầm thường phàm tuc vây bọc quanh mình Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân, cũng như Tản Đà. hay nói đến hai chữ "thiên lương", và ông đánh giá hai tiếng "thi nhân" (người thơ) đẹp hơn, sang hơn danh từ "thi sĩ" (người làm nghề thơ) Ông dứt khoát đối lập cái đẹp với tính vụ lợi tầm thường. Đối với ỏng, nghệ thuật là "một công việc mà cả những con buôn quen sổng đổi chác hàng họ và buôn Tần bán Sở đều gọi là vô ích" (Nhà Nguyễn). Đọc văn Nguyễn Tuân, hãy nhập sâu vào cái phần chìm của các tác phẩm, để thấy cái làm nên linh hồn của những trang viết tài hoa nhất của ông là một tình cảm yêu nước thiết tha, một niềm tự hào dân tộc gắn liền với những giá trị văn hoá cổ truyền của đất nước này mà tổ tiên lưu giữ lại và Nguyễn Tuân đã giúp ta khai thác trong những vần thơ của Nguyễn Du, Tú Xương, Tản Dà, trong những bức tranh tố nữ làng Hồ, những điệu xoè người Thái, trong tiếng hát ả đào miền Bắc, giọng ca lý xứ Huế miền Trung, câu hò đò man mác trên những dòng kênh rạch miền Nam, trong những cảnh sắc nên hoạ nên thơ của non sông gấm vóc, những kiến trúc bình dị mà tài hoa, những thú chơi lan, chơi cúc, chơi hoa thuỷ tiên, chơi chữ đẹp, chơi đèn kéo quân, những cách uống trà, nhắm rượu, những cách thưởng thức cái hương vị độc đáo của hạt cốm mùa thu, bát phở mùa đông, miếng giò lụa, cái bánh chưng ngày Tết v.v… Nguyễn Tuân xứng đáng được gọi là nhà văn của một dân tộc nghìn năm văn hiến thể hiện trong cả những thú chơi tao nhã và nghệ thuật ẩm thực tinh vi...
Lòng yêu nước, tinh thẩn dân tộc ấy là cái động lực cơ bản đã đưa Nguyễn Tuân đến với cách mạng, ông trở thành nhà văn - chiến sĩ theo đúng nghĩa của nó. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, ỏng có mặt ở hầu hết các trận tuyến nóng bỏng nhất: đi nhiều chiến dịch cùng với bộ đội Tây Bắc, Đông Bắc, vào sâu vùng địch hậu Bắc Ninh nằm hầm "bem" với du kích chống càn, tham gia phát động quần chúng giảm tô ở Bắc Giang, vào sông tuyến Vĩnh Linh để đếm từng tấm ván trên cầu Hiền Lương, ngược sông Đà hiểm trở lên thấu tận Than Uyên, Quỳnh Nhai, trở vào tuyến lửa Quảng Bình khi giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, quay ra Hà Nội và luôn luôn có mặt ở thủ đô với chiếc mũ sắt trên đầu cả khi thằng Mỹ dội bom xuống những nhà máy cầu cống, nhà ga, bênh viện… Một cây bút đúng là nhập cuộc và xông xáo Ông cứ đi và viết, viết rối lại đi. liên tiếp cho ra đời những bài bút kí, tuỳ bút nóng hổi tính thời sự và sát sạt với từng nhiêm vụ chính trị của đất nước máy chục năm qua.
Nhưng Nguyễn Tuân bao giờ cũng nhớ mình là một nhà văn. Có phục vụ chính trị cũng phải phục vụ với tư cách nhà văn. Phải tìm cách chiến đấu có hiệu quà nhất bằng cái văn của mình và bằng sở trường của phong cách mình. Và thường bên cạnh tiíh thời sự, tác phẩm Nguyễn Tuân còn chứa đựng một cái gì khác, nó nói nhiều với ta về mặt mỹ cảm, về cái tài, cái đẹp, cái hào hoa trang nhã của dân tộc mình. Nó nói rằng chúng ta chiến đấu hi sinh không phải chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì những giá trị mỹ học trên đất nước này. Nó cũng giúp ta hiểu rằng cái tài cái đẹp là của quí hiếm ở đời, nó tinh vi kì diệu lắm nên cũng mong manh lắm. Vì thế biết yêu cái tài, biết quý cái đẹp cũng là một vấn đề đạo đức của con người văn minh tiến bộ.
Nguyễn Tuân, ngoài sự nghiệp văn chương, còn để lại nhiều bài học của một nhân cách nghệ sĩ sang và đẹp. Nói như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Tuân là một cái định nghĩa chuẩn mực về người nghệ sĩ. Một cái định nghĩa sống như thế lúc nào cũng rất cần có trong đời sống chúng ta, để những người cầm bút soi vào đấy, có thể hiểu được đích xác thế nào là một tài năng, một tài hoa, thế nào là người có chữ có nghĩa, có nghề có nghiệp, thế nào là tư cách phải có của người viết văn biết tự trọng khi lấy cây bút để nói tiếng nói riêng có trách nhiệm của mình với độc giả, khi giao tiếp ãn nói với người có chức có quyền... Và khi đứng trước những thử thách rất đáng gờm của miếng cơm manh áo, của đồng tiền trong thời buổi còn khó khãn này.
Có được cái nhân cách ấy, xét đến cùng là do ông đã biết quý trọng thật sự, biết tự hào thật sự với cái nghề văn của mình.
Sự có mặt của Nguyễn Tuân trên đời làm ta cảm thấy nghề văn cũng sang trọng lắm chứ! Và những người cầm bút có được một đồng nghiệp như ông cũng cảm thấy mình thật sang trọng.