Phân tích để làm nổi bật cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

YÊU CẦU

Bài làm phải tập trung phân tích để nêu bật được cảm hứng lãng mạn trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Cụ thể có thể như sau:

1. Xuất phát điểm của cảm hứng đó (do không khí thời đại, do hoàn cảnh xuất thân của chủ thể thẩm mĩ).

2. Những biểu hiện của cảm hứng lãng mạn qua bài thơ: tô đậm cái dặc biệt, cái phi thường, cái đẹp của xứ lạ phương xa, đồng thời lồng vào hình ảnh người anh hùng trong hiện thực hình mẫu lí tưởng của người tráng sĩ thời xưa một đi không về... (có thể phân tích những biểu hiện của cảm hứng lãng mạn đó qua nỗi nhớ Tây Tiến của Quang Dũng, qua cách miêu tả thiên nhiên Tây Bắc và chiến trường miền Tây hùng vĩ và thơ mộng, và nhất là qua việc miêu tả chân dung người lính Tây Tiến phi thường - tài hoa - khi anh còn sống và cả khi anh đã hi sinh vì Tổ quốc...).

3. Đánh giá cảm hứng lãng mạn đó bằng con mắt nhìn của người hôm nay: một cảm hứng đẹp, giàu chất nhân văn, thấm đẫm tình người mà rực sáng lí tưởng thời đại, tạo nên tượng đài người lính Tây Tiến với vẻ đẹp bi tráng khó quên.

BÀI LÀM

Vào một đêm cuối năm 1948, tại Phù Lưu Chanh, cái làng nhỏ nằm ven bờ con sông Đáy hiền hòa, thơ mộng, Quang Dũng bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm còn như tươi nguyên. Hình ảnh những ngày Tây Tiến sống dậy trong tâm trí ông. Bấy giờ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân dân ta mới bước sang năm thứ hai nhưng đã liên tiếp ghi được những chiến công vang dội, bẻ gẫy cuộc tiến công lên căn cứ địa Việt Bắc, thu đông 1947. Năm ấy Quang Dũng trong đoàn quân Tây Tiến làm nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt - Lào; đánh địch trên tuyến rừng núi Tây Bắc từ Lai Châu đến phía bắc Thanh Hóa. Đời lính chống Pháp vốn vô cùng thiếu thốn khổ cực. Người lính của trung đoàn Tây Tiến còn thiếu thốn khổ cực hơn. Vì "rừng thiêng nước độc", sốt rét hoành hành, thuốc men ít ỏi; vì đường hành quân là trập trùng núi rừng Tây Bắc - Thượng Lào hoang vu, hiểm trở... Cũng như tất cả những người lính Cụ Hồ lúc ấy, bên tai còn văng vẳng lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", lời hát hào hùng: "Bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường", những chàng trai Tây Tiến chiến đấu bằng phẩm chất anh hùng. Có điều lính Tây Tiến hầu hết là thanh niên Hà Nội, trong đó phần đông học sinh, tiểu tư sản trí thức nên chất anh hùng của người lính Tây Tiến có phong thái và màu sắc riêng - màu sắc lãng mạn - hào hoa.

Trước hết cảm hứng lãng mạn Tây Tiến được nuôi dưỡng bằng "nỗi nhớ" thật tha thiết, mãnh liệt nhưng cũng thật "chơi vơi" như sự diễn tả của Quang Dũng:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

Nỗi nhớ vốn là trạng thái đơn thuần của đời sống tình cảm con người. Được sống trong cảm hứng lãng mạn, nỗi nhớ ấy mới như giăng mắc một màn sương, rất khó định hình, rất khó gọi tên. Cũng từ môi trường tình cảm này mà cả một cuộc sống gian khổ chiến đấu, với chiến trường - người lính như đắm chìm trong một thế giới phi thường có gì bí ẩn nhưng cũng thật hào hùng, tha thiết và gần gũi.

Chiến trường trong bài thơ gian khổ, khắc nghiệt nhưng đồng thời cũng là thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, hoang sơ ấm áp và mềm mại. Có lúc thật hiền hòa thơ mộng. Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc có núi cao, vực sâu, dốc đứng, thác gầm, cồn mây heo hút; lại có cả hương hoa, sương trắng trôi, duyên dáng một bông hoa đung đưa theo dòng nước lũ, một cô gái trên con thuyền độc mộc...

Trên cái nền thiên nhiên kì vĩ, dữ dội, trữ tình ấy nổi bật lên hình ảnh đoàn quân Tây Tiến khi thì như bị ngập hút đi, khi thì như người đi tìm cảm giác mạnh và đẹp giữa núi rừng. Sự đối chọi và hòa hợp này đã làm tăng khí phách anh hùng, vẻ hào hoa của người lính kháng chiến, tạo cho họ sự hấp dẫn và vẻ đẹp khó quên.

Phải vậy chăng mà càng qua thời gian vẻ đẹp Tây Tiến càng đẹp hơn, lúc nào cũng lôi cuốn làm say mê người đọc.

Hình ảnh người lính thật kì dị, khác thường "da xanh màu lá", "đầu trụi tóc" do thiếu thốn, bệnh tật. Những hình ảnh rất thực đó vào bài thơ, với giọng và cách diễn tả lãng mạn của Quang Dũng thành ra như mang nghĩa tượng trưng, rất có khí phách.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Hoặc "cái chết" cũng vậy. Những cái chết "hàng loạt" hay những cái chết đau thương - chết mà không biết chết - cũng đều thật hào hùng.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Bởi lẽ ngòi bút Quang Dũng không run sợ trước cái chết của đồng đội anh. Nhà thơ chỉ muốn "gió bụi, phong trần" hóa cái chết ấy. Và làm đẹp cho hình ảnh người lính đã hi sinh. Vậy nên mới có những hình ảnh "rải rác biên cương mồ viễn xứ"; "Áo bào thay chiếu anh về đất" để ta càng nghe càng như thấy khúc tráng ca về người tráng sĩ tự thuở nào.

Có thể nói, nét độc đáo của thơ Quang Dũng thường lộ rõ khi thơ ông chen giữa hai thái cực: đã hiện thực thì hiện thực đến dữ dội, đã lãng mạn thì lãng mạn đến mộng mơ. Bút pháp này thể hiện rất rõ khi miêu tả thiên nhiên Tây Bắc. Ấy là những câu thơ hầu hết là vần bằng được nằm xen kẽ, bên cạnh những câu chắc, khỏe tạo sự đối lập trong âm hưởng. Những câu thơ đó, vì thế mà rất giàu chất tạo hình và gợi cảm. Thiên nhiên vốn đã đẹp và thơ mộng, giờ đây tựa như huyền thoại:

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Nếu như "sương lấp" lạnh lùng, nặng nề đe dọa bao nhiêu thì "hoa về" lại nhẹ nhõm, tươi tắn ấm áp bấy nhiêu. "Hoa về trong đêm hơi" - diễn tả một trạng thái lâng lâng. Dĩ nhiên là cái lâng lâng vừa đến trong một chặng đường mỏi mệt. Khung cảnh rừng núi mà đoàn quân Tây Tiến bước chân qua, vừa thơ mộng lại vừa hùng vĩ. Tất cả đều được tác giả thể hiện ở khoảng cách xa xa, hư ảo với kích thước có phần phóng đại khác thường. Nói về cái hiểm trở, tác giả đã dùng những hình ảnh thật độc đáo:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Tác giả không viết súng chạm trời mà là "súng ngửi trời" đây là thủ pháp cường điệu hóa (đặc trưng của bút pháp lãng mạn), ngoài ra còn thể hiện chất hóm hỉnh nghịch ngợm của người lính. Không những thế, khi nói về độ cao, tác giả lại dùng tính từ chỉ độ sâu: "Heo hút cồn mây" và có những câu thơ như bẻ gãy làm đôi:

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Ngòi bút Quang Dũng thật độc đáo, đầy ấn tượng, nếu "thơ là nơi thể hiện đầy đủ nhất, sâu sắc nhất ma lực kì ảo của ngôn ngữ" thì những câu thơ này quả đúng như vậy.

Tuy nhiên bút pháp lãng mạn không chỉ thể hiện ở việc miêu tả thiên nhièn mà còn thể hiện rất rõ trong việc miêu tả phong thái sống của người chiến sĩ Tây Tiến. Đọc hai câu thơ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

ta thấy rất rõ sự hiện diện của gian khổ khốc liệt. Nhưng điều đặc biệt là những gian khổ khốc liệt này lại dường như lẫn vào bên trong, còn cái hiện ra bên ngoài lại rất lãng mạn. Câu thơ tạo nên hình ảnh đối lập: bên ngoài thì xanh như lá, trụi trọc đầu, nhưng bên trong người chiến sĩ thể hiện một phong độ anh hùng, dữ và oai như hùm nơi rừng thiêng nước độc. Quang Dũng đã không hề che giấu những gian khổ, thiếu thốn ghê gớm mà những người lính phải chịu đựng. Chỉ có điều, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ không ốm yếu, không bi lụy mà chứa đựng một sức mạnh phi thường, chói ngời vẻ đẹp lí tưởng. Hình  tượng người lính vì thế mang dáng vẻ anh hùng kiểu chinh phu một đi không trở lại:

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Không những thế, bằng ngòi bút lãng mạn của mình, Quang Dũng đã tạo nên một bức tượng đài tập thể không chỉ bằng những đường nét khắc họa dáng vẻ bên ngoài mà còn thể hiện được cả thế giới tâm hồn bên trong đầy mộng mơ của họ:

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Giữa núi rừng Tây Bắc, họ nhớ về một "dáng kiều thơm", một bóng hồng thướt tha. Trong bài thơ Nhớ của Hồng Nguyên, người chiến sĩ trong bài thơ cũng nhớ về quê hương nhưng đây là nỗi nhớ của người lính xuất thân từ nông dân, bởi thế, nỗi nhớ ấy cũng rất thiết tha nhưng vẫn mộc mạc, chân thành và gắn liền với những công việc thường ngày:

Ba năm rồi gửi lại quê hương

Mái lều tranh

Tiếng mõ đêm trường

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo canh khuya

Những chiến sĩ Tây Tiến vốn là những chàng trai Hà Nội cho nên họ nhớ về một dáng kiều thơm đẹp quyến rũ. Hồi Quang Dũng viết Tây Tiến, chi tiết này bị phê phán nhiều, nhưng thật là lạ, vì sao người ta lại muốn nỗi nhớ của mọi người phải giống nhau. Cũng là nỗi nhớ nhưng nỗi nhớ này được khen là tốt, nỗi nhớ kia lại chê là dở. Cũng may là cái hẹp hòi, ấu trĩ ấy không tồn tại lâu.

Hơn một lần, trong bài thơ, tác giả nói về cái chết:

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Đã có một thời, người ta tránh nói về cái chết và về cái mất mát nhưng Quang Dũng đã không từ chối điều đó, bởi lẽ có chiến thắng nào mà không trả giá bằng máu và nước mắt. Và "không có gì cao cả hơn một nỗi đau buồn lớn" (An-phrét dơ Muýt-xê).

Nét đặc sắc của Tây Tiến là nói về chiến tranh mà không có một chữ nào về "trận đánh", về "tiếng súng". Và ba lần nói đến cái chết thì đều miêu tả một cách rất giản dị "bỏ quên đời", "về đất", "hồn về" để bình thường hóa cái chết. Cảm hứng lãng mạn, khiến ngòi bút của ông nói nhiều tới cái buồn, cái chết như là những chất liệu thẩm mĩ tạo nên cái đẹp mang chất bi hùng.

Cảm hứng của Quang Dũng mỗi khi chìm vào cái bi thương lại được nâng đỡ bởi đôi cánh của lí tưởng, của tinh thần lãng mạn. Chính vì vậy mà hình ảnh những nấm mồ chiến sĩ rải rác nơi rừng hoang biên giới xa xôi dã bị mờ đi trước lí tưởng quên mình vì Tổ quốc của người lính Tây Tiến. Cái sự thật bi thảm những người lính Tây Tiến gục ngã bên đường không có đến cả manh chiếu che thân qua cái nhìn của nhà thơ, lại được bọc trong những tâm áo bào sang trọng. Và rồi cái bi thương ấy bị át hẳn đi trong tiếng gầm thét dữ dội của dòng sông Mã.

Nửa thế kỉ đã trôi qua, kể từ ngày Tây Tiến ra đời. Vượt qua sức cản phá của thời gian, Tây Tiến vẫn còn sức quyến rũ với chúng ta hôm nay, gợi nhớ về "những năm tháng không quên" trong lịch sử dân tộc. Có thể nói, Tây Tiến là "một tượng đài bất tử" về người lính vô danh mà Quang Dũng đã dựng lên bằng cả tâm hồn và cảm hứng lãng mạn mang chất tiểu tư sản học sinh của mình đã tưởng niệm một thế hệ thanh niên đã hăng hái, anh dũng ra đi và nhiều người trong số họ không về nữa.

Cùng với Tây Tiến, những bài thơ tiêu biểu của thời kì kháng chiến như Đồng chí của Chính Hữu, Nhớ của Hồng Nguyên... đã miêu tả thành công về đề tài người lính, đã góp vào viện bảo tàng những người lính đó bức chân dung người lính Tây Tiến độc đáo và lãng mạn của mình.

BÀI CÙNG NHÓM