Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về “bệnh vô cảm” trong xã hội hiện nay

Là người Việt Nam, ngay từ nhỏ ai cũng đã quen với những câu ca dao, tục ngữ như:

“Lá lành đùm lá rách”.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

hay                             

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng".

Đó chính là những lời răn dạy của ông cha ta cho con cháu sau này về một truyền thống tốt đẹp: truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc, giúp đỡ nhau. Truyền thống ấy đã tạo nên sức mạnh kì diệu, giúp dân tộc trải qua bao gian lao, khó khăn, tạo nên tình đoàn kết sâu đậm, gắn bó giữa mọi người. Tiếc thay, ngày nay truyền thống ấy đã bị mai một ở không ít người. Người ta trở nên thực tế hơn, sẵn sàng “phớt” đi những vấn đề xã hội quan tâm, xao động không chút bận lòng. Đó là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm: bệnh vô cảm!

Theo lối chiết tự, “Vô” là không, không có; “cảm” là tình cảm, cảm xúc. “Vô cảm” là không có sự rung cảm trước các vấn đề xã hội, là không có sự đồng cảm, chia sẻ cảm xúc với người khác. Nó gần nhưng không giống hẳn với “vô tình”, “lạnh lùng”. “Vô tình” và “lạnh lùng” là bàng quan, không quan tâm đến những sự việc đáng quan tâm còn “vô cảm” là có biết nhưng không giúp đỡ, chia sẻ. Vô cảm là một thái độ sống không tốt, xa rời xã hội và có phần chủ nghĩa cá nhân. Nói nó là một căn bệnh cũng phải, nó ăn sâu, ngấm dần vào cơ thể, phá huỷ lòng nhân đạo và những ý nghĩa nhân văn cao cả mà một con người vốn có, dần dần đưa con người ta xa rời với cái thiện, với tình thương con người.

Con người vốn sinh ra với bản tính lương thiện thương người, “nhân tri sơ tính bản thiện”. Thế nhưng thời đại, cuộc đời xô đẩy con người dần trở nên ích kỉ hơn và có không ít những người mắc bệnh vô cảm, thờ ơ với những vấn đề xã hội, thậm chí thờ ơ cả với những người hoạn nạn, đáng thương. Ra ngoài đường, hễ thấy tai nạn giao thông là bao nhiêu người xúm xít lại. Nhưng, họ xúm lại không phải để hỏi han giúp đỡ mà là để... xem, họ nhìn người bị nạn bằng con mắt tò mò, hiếu kì. Người ta trố mắt nhìn kẻ bị tai nạn đang vật vã, đau đớn không chút bận tâm, thương xót (nếu có, họ tiếc gì không lại gần cứu nạn hay ít nhất gọi dùm một chiếc xe cấp cứu?). Vậy là người bị tai nạn cứ nằm đó, giữa sự vô cảm của mọi người. Một người ăn xin rách rưới đói khát nằm lê lết xin ăn ở chợ là sự quan tâm lớn của mọi người nhưng chỉ có rất ít người vì quan tâm mà giúp đỡ, cho người ta một chút tiền, số còn lại thì quan tâm theo kiểu tò mò, dò dẫm xem xét rồi lảng tránh vì ... ghê. Rồi những đợt quyên góp ủng hộ người nghèo, nơi bão lũ hay những nạn nhân chất độc màu da cam mà lại có những tiếng la ó, than ngắn thở dài kêu ca nhiều ít. Thậm chí còn có những người lớn tiếng tuyên bố: “Tao chẳng tội gì phải đóng, có được lợi gì cơ chứ?” (!!) Những chuyện như thế ta có thể thấy nhiều nơi, qua đó chứng tỏ căn bệnh vô cảm đã trở thành trầm kha, cực kì phổ biến. Phải chăng người Việt ta đang mất dần truyền thống đùm bọc, yêu thương?

Những hành vi như thế thật đáng chê trách! Bạn bàng quan, bỏ rơi, phớt lờ những số phận đáng thương cần sự giúp đỡ thì thực không có tình người. Những con người khốn khổ đã bị cuộc đời đánh gục, thảm thiết cầu cứu để có một tia hi vọng sống. Trong khi đó, chúng ta may mắn hơn, đang sống sung sướng, hạnh phúc. Sẽ không thiệt gì cho bạn khi chia sẻ một chút tiền ăn sáng, một lời động viên hay một sự giúp đỡ nhỏ nhoi,... Đối với người đang gặp khó khăn đó lại là sự giúp đỡ quý giá nhất. Một chiếc bánh mì “chẳng bõ nuốt” của bạn có thể là bữa ăn thịnh soạn của người ăn xin. Một cú điện thoại vài trăm đồng chẳng là gì với bạn nhưng đó có thể là cú điện cứu sống một người tai nạn. Một vài bộ quần áo cũ cũn cỡn, lỗi mốt của bạn sẽ là món quà quý giá với những bạn vùng thiên tai,... Những hành động thật nhỏ nhoi mà có ý nghĩa thật to lớn. Tại sao nhiều người không hiểu được những điều đó? Không hiểu hay cố tình không hiểu, chỉ bo bo giữ cho mình?

Bệnh vô cảm xuất phát từ lòng ích kỉ, không muốn cho mà chỉ muốn nhận. Đó cũng là do ảnh hưởng của lối sống thực dụng, “cái gì có lợi thì làm, không thì thôi”! Đầu óc thực tế đó đã biến người ta trở nên chẳng khác gì cái máy, không có tình cảm không biết yêu thương. Cuộc sống như thế trở nên khó khăn, vô tình, ảm đạm. Sợi dây liên kết người với người không còn nữa. Sống thế nào sẽ được đền bù thế ấy, đừng bao giờ nghĩ cả đời bạn không có lúc nguy nan, những lúc như thế, ai cũng vô tâm thì bạn sẽ thế nào? Những người vô cảm sống thật đơn điệu, tẻ nhạt, khó kết thân với người khác. Trong công việc mà vô cảm thì sẽ khó hợp tác, khó có được kết quả cao.

Trong cuộc sống hiện nay, ta không thể xa rời cộng đồng, không chia sẻ với mọi người. Sự chia sẻ, đồng cảm là sợi dây liên hệ mọi người, làm các mối quan hệ cởi mở, tốt đẹp lên. Khi ta sẻ chia, thông cảm ta cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc, thanh thản hơn. Đừng sống vô cảm, cuộc sống cũng sẽ không vô cảm với bạn!

BÀI CÙNG NHÓM