Bình giảng bài thơ "Lai Tân” trong ”Ngục trung nhật kí" của Hồ Chí Minh

Tập thơ "Nhật kí trong tù" của Hồ Chí Minh gồm những bài thơ có tính "nhật kí", tác giả ghi lại những sinh hoạt trong tù, ghi lại tâm tư, tình cảm của chính tác giả trong những ngày đen tối ở chốn lao tù, hoặc ghi lại những điều tai nghe mắt thấy trên đường bị giải đi từ nhà lao này đến nhà lao khác. Duy có bài thơ "Lai Tân" là có giá trị tổng kết hiện thực trong và ngoài nhà tù, phác họa được bộ mặt của nhà cầm quyền trong và ngoài nhà tù ở huyện Lai Tân mà cũng là những bộ mặt điển hình cho nhà cầm quyền Trung Quốc dưới thời Quốc dân đảng bấy giờ.

Bài thơ mở đầu như kiểu phóng sự, lạnh lùng mà trung thực:

"Giam phòng ban trưởng thiên thiên đổ"

(Ban trưởng nhà lao chuyên đánh hạc)

Hồ Chí Minh làm thơ, nhưng cũng đừng quên Người là một nhà báo lừng danh thời hoạt động cách mạng ở Pháp, đã từng làm chủ bút báo "Người cùng khổ". Tập thơ "Nhật kí trong tù" có nhiều nét báo chí như cách chọn nhân vật, lựa sự kiện, nghệ thuật đưa tin. Câu thơ mở đầu trong bài thơ "Lai Tân", tác giả đã "chộp" được một sự kiện hết sức kinh ngạc là tên "ban trưởng" nhà lao đánh bạc! Làm sao trong tù, tác giả nhạy tin tức đến thế? Có gì đâu, tên cai ngục này đánh bạc trong nhà tù, đánh bạc công khai với tù cờ bạc! Người dân đánh bạc ở ngoài thì bị bắt, bị tù, còn con bạc vào tù đánh bạc thì tha hồ. Có lần tác giả đã châm biếm:

"Đánh bạc ở ngoài quan bắt tội,

Trong tù đánh bạc được công khai;

Vào tù con bạc ăn năn mãi,

Sao trước không vô quách chốn này".

Tù nhân cờ bạc có người bị hành hạ, đói rét. chết ngay trong nhà tù ở Đêm qua còn ngủ bên tôi, Sáng ra anh đã về nơi suối vàng"), thật là thê thảm! Có thể nói nhà tù là nơi thực thi luật pháp, nhưng nhà tù ở Lai Tân thủ tiêu luật pháp. Ban trưởng nhà lao đã biến nhà tù thành chỗ hắn kiếm chác. Đánh bạc với tù cờ bạc trong tù là một cách ăn cướp trắng trợn của tên ban trưởng đối với tù nhân. Câu thơ chỉ "đưa tin", không bình luận mà có sức tố cáo sâu sắc chế độ nhà tù ở Lai Tân.

Với ra ngoài nhà tù, tác giá lại "tóm" ngay được một tên "trưởng" nữa làm bậy. Lại cũng là một quan chức thi hành luật pháp: cảnh sát trưởng ở Lai Tân!

"Cảnh trướng tham thôn giải phạm tiền"

(Giải người cảnh trường kiếm ăn quanh).

Nạn ăn hối lộ trong xã hội Trung Quốc thời đó đã trầm trọng. Nhà tù lại càng thối nát. Tù nhân vào tù phải nộp tiền! Nếu khỏng có tiền thì "mỗi bước anh đi mỗi bước phiền". Muốn có đèn sáng phải có tiền, muốn có nước dùng phải có tiền. Cảnh sát trưởng giải phạm nhân cũng kiếm chác. Tác giả không còn nén được sự căm giận, đã lộ ra trong mấy tiếng "cảnh trưởng tham thôn" (cánh sát trưởng tham lam).

Tác giả đã lôi ra hai tên "trưởng" ở Lai Tân làm bậy, tên thì đánh bạc, tên thì ăn hối lộ. Còn tên "huyện trưởng" làm gì mà có vẻ "nghiêm túc". Hình ảnh thơ thật là bí mật, mà cũng thật là hay:

"Huyện trưởng thiên đăng biện công sự"

(Chong đèn huyện trưởng lo công việc)

Bản dịch "Nhật kí trong tù" lần thứ nhất, câu thơ này được dịch là:

"Chong đèn huyện trưởng làm công việc"

Từ "hiện" mà dịch là "làm" thì cũng chưa hay, nhưng còn hơn từ "lo". Lí giải dần dần, ta sẽ thấy sự bất ổn của từ này.

Theo luận lí bình thường tên "ban trưởng" làm bậy, tên "cảnh trưởng" làm bậy, đến tên "huyện trưởng" tất phải làm bậy. Vậy mà "Huyện trưởng thiên đăng biện công sự'. Tên huyện trưởng này làm gì? Nhóm dịch giả "Nhật kí trong tù" lần thứ nhất không lí giải được, đành hỏi đại sứ quán Trung Quốc. Tuỳ viên văn hóa đại sứ quán Trung Quốc nói là quan lại thời đó không làm gì cả, chỉ chong đèn hút thuốc phiện. Thế là từ đó các sách giáo khoa và giáo trình đại học đều giảng là ngục trường đánh bạc, cảnh sát trưởng ăn hối lộ, huyện trưởng hút thuốc phiện!

Có nhà nghiên cứu vẫn còn hoài nghi. Giáo sư Lê Trí Viễn viết: "Bài "ở Lai Tân" có một câu không rõ nghĩa ngay ở nguyên văn "Khiêu đăng huyện trưởng biện công sự" (Dịch: "Khêu đèn, huyện trưởng làm công việc"). Hai câu thơ trên nói sự đánh bạc và hối lộ, còn ở đây anh huyện trưởng làm công việc (việc công chứ không.phải là công việc) gì mà phải đốt đèn? Có người nói hắn moi việc để kiếm chác, nhưng như thế cũng là ăn đút. Có ý lại cho rằng: Hay là hắn ta hút thuốc phiện ? Không rõ. Chỗ này có lẽ nên nghiên cứu thêm".

(Tác phẩm mới, số 8)

Nhóm dịch giả đã viết thư hỏi tác giả. Đại ý câu hỏi là tên huyện trưởng bài thơ "Lai Tân" làm công việc hay "hút thuốc phiện". Hồ Chủ tịch đã gạch bỏ ba chữ "hút thuốc phiện" bằng mực đỏ. Nhận được hồi âm của tác giãả, các học giả lại hoang mang. Thế là bí mật của câu thơ vẫn còn nguyên.

Theo tôi không nên hiểu câu thơ này theo logic mà phải hiểu theo phi logic (hình thức thôi). Cứ hiểu là tên huyện trưởng này làm "việc công" (dịch là "công việc" cũng không suy suyển với nguyên tác là mấy). Thì hắn đang làm "việc công" đấy thôi, làm ở công sở chưa xong, đêm về "chong đèn" (thiêu đăng) lên hắn cũng chẳng thấy gì. Hắn thuộc loại quan tứ chứng nan y (què, mù, câm, điếc) mà bệnh trầm trọng của tên huyện trưởng này là "mù".

Hắn làm huyện trưởng Lai Tân mà hai tên quan tai to mặt lớn là "ban trưởng" và "cảnh trưởng" làm bậy sờ sờ trước mũi hắn, hắn không thấy. Loạn đến thế là cùng, thối nát đến thế là cùng, vậy mà dưới đèn chong, dưới mắt hắn:

"Lai Tân y cựu thái bình thiên"

(Trời đất Lai Tân vẫn thái bình)

Bọn quan chức dưới quyền của tên "huyện trưởng" làm giặc trước công đường, chứ chưa nói đến bọn nha lại dưới xã thôn, vậy mà hắn vẫn tự hào về cái huyện Lai Tân hắn cai trị là mọi sự đều tốt đẹp, "thái bình". Nụ cười châm biếm của Hồ Chí Minh thật là sâu cay! Hãy nghe thêm lời bình của nhà thơ Hoàng Trung Thông về tên huyện trưởng "tử chứng nan y" này: Ở đâu đánh giặc thì cứ đánh, còn cái trời đất Lai Tân này thì vẫn "thái bình" như muôn thuở. Một chữ "thái bình" mà thâu tóm lại bao nhiêu việc làm trên vốn là chuyện muôn thuở của xã hội Trung Quốc còn giai cấp bóc lột thống trị. Chỉ một chữ ấy mà xé toang tất cả sự "thái bình" dối trá nhưng thực sự là "đại loạn bên trong!".

Xét về mặt cấu trúc, không nên xem ngang bằng ba câu một, hai, ba vì như vậy thì chủ đề bài thơ chỉ là phê phán những thói hư tật xấu của bọn quan lại đương thời ở Lai Tân. Theo tôi, hai câu đầu là tầng trệt, câu thứ ba đã vút lên thành gác, thành lầu, thành lâu đài thơ. Và như vậy chủ đề của bài thơ "Lai Tân" là lên án thái độ và hành động vô trách nhiệm của nhà cầm quyền ở Lai tân mà cũng là của xã hội Trung Quốc thời Quốc dân đảng. Bài thơ có giá trị khái quát rộng lớn và sâu sắc biết bao!

BÀI CÙNG NHÓM