Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu từng viết: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương’’ (truyện Lục Vân Tiên). Anh (chị) hiểu ý thơ trên như thế nào? Hãy viết bài văn bàn về “lẽ ghét thương” trong cuộc sống hàng ngày

Con người Việt Nam luôn trăn trở với những đạo lí ở đời, phải sống thế nào, đối nhân xử thế ra sao cho hợp lẽ đời, lẽ trời. Sự yêu ghét cũng là điều để ta suy ngẫm, chiêm nghiêm. Nguyễn Đình Chiểu “một ngôi sao sáng trên bầu trời văn học dân tộc” đã góp một tiếng nói để bày tỏ quan điểm của mình: “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” (Lục Vân Tiên). Vậy ta cần hiểu vấn đề đó ra sao?

Yêu và ghét là hai mặt của trạng thái tình cảm con người. Yêu là yêu mến, quý trọng. Yêu là tình cảm đầy thiện ý. Yêu ai cũng muốn tốt cho người đó. Tình cảm yêu mến thường chỉ dành cho cái đẹp, cái tốt, cái thiện. Ngược lại, ghét là ghét bỏ, không yêu thương. Ghét thường chỉ dành cho cái xấu xa, sai trái.

Như vậy ghét và thương như hai mặt đối lập, mâu thuẫn với nhau, tưởng chừng như có ghét thì không có thương và ngược lại. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu đã chỉ ra mối quan hệ biện chứng rất khăng khít giữa thương và ghét “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. “Hay ghét cũng là hay thương” tức là ghét, một điều gì đó cũng có nghĩa là thương một điều khác.

Hay ghét, nhưng là ghét cái xấu xa, thấp hèn. Trong “Lục Vân Tiên”, ông Quán “ghét việc tầm phào”, “ghét cay ghét đắng, ghét vào tận tâm” những kẻ “mê dâm” “ác bá” khiến nhân dân khổ đau điêu đứng “sa hầm sảy hang”. Là người công dân của một nước, ta ghét những kẻ bán nước, những kẻ tham nhũng, những tên tội phạm.

Là người học sinh ta ghét những tiêu cực học đường: quay cóp, lười biếng, vô lễ, chạy điểm... Nhưng tại sao lại ghét những điều đó?

Đúng như Nguyễn Đình Chiểu quan niệm “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương”. Ông Quán ghét những “đời Kiệt Trụ” bởi ông “thương đức thánh nhân” thương nhân dân lầm than đau khổ phải chịu những oan ức, thiệt thòi do những kẻ đáng ghét gây ra. Ta ghét những kẻ bán nước, những tên tham ô, phạm tội bởi ta yêu quê hương, đất nước, thương yêu đồng bào, dân tộc mình. Người học sinh ghét tiêu cực trong học đường là bởi thương những bạn học nghiêm túc, thương tiếc công sức thầy cô, cha mẹ dày công dạy dỗ...

Biểu hiện của sự ghét thương thật nhiều hình, nhiều vẻ. Lẽ thường tình ghét là căm thù, ghét bỏ, gây khó dễ,... Yêu thương là nâng niu, quý mến... Nhưng cũng có khi, vì nhiều lí do, mục đích khác mà “Yêu cho roi cho vọt/ Ghét cho ngọt cho bùi” như ông bà ta vẫn dạy.

Dù “cho roi cho vọt” hay “cho ngọt cho bùi”, con người phải biết yêu ghét đúng đối tượng, đúng nơi, đúng lúc. Yêu đúng, ghét đúng vì yêu ghét điều gì cũng thể hiện nhân cách con người. Kẻ yêu cái sai ghét cái đúng đâu phải là người hay? Cũng như Nguyễn Cao Kì và bè lũ ngụy quyền Sài Gòn trước đây tôn thờ chủ nghĩa xâm lược của đế quốc Mĩ mà phản bội nhân dân, đàn áp cách mạng, có ai không lên án, khinh miệt chúng? Ngược lại, người yêu cái đẹp, ghét cái xấu chính là người đáng trọng. Điều này ta có thể nhìn thấy ở nhân cách cao khiết của con người Cao Bá Quát “Nhất sinh đệ thủ bái hoa mai” - cả cuộc đời chỉ tôn thờ, trân trọng cái đẹp, cái thanh cao mà khinh thường sự thấp hèn, uốn gối, khom lưng bợ đỡ người trên. Yêu đúng, ghét đúng còn bởi như nhà văn Nam Cao từng nhận định: “Đánh giá sai về một con người là làm khổ con người đó suốt đời”. Người tốt đáng ra phải được hưởng điều tốt đẹp, được yêu thương vậy mà ta lại ghét bỏ thì quả là đáng tội cho họ.

Để yêu đúng, ghét đúng, bản thân mỗi người phải thấm nhuần các chuẩn mực đạo đức ở một mức nhất định để có khả năng nhìn nhận, phân định sự việc. Muốn thế, mỗi cá nhân cần học tập, rèn luyện để có được thế giới quan tiến bộ. Bên cạnh đó cũng cần tỉnh táo, bình tĩnh phân tích nhìn ra bản chất thực sự của đối tượng cần đánh giá. Đánh giá con người cần nhìn vào sự vận động biện chứng của nhân cách, có sự vị tha khoan dung và thông cảm.

Yêu và ghét là hai mặt của tình cảm con người, chúng thiêng liêng bởi đặc trưng tình người - chỉ con người mới có. Bởi vậy, trong cuộc sông, con người cần biết yêu, biết ghét để cuộc sống được đủ đầy về xúc cảm, tinh thần.

BÀI CÙNG NHÓM