Điều đáng sợ
Không ai cho rằng tất cả game Online đều xấu. Nhưng cũng không ai có thể phủ nhận game Online đã gây ra những hệ luỵ xấu cho xã hội. Cách đây không lâu, một thiếu niên mê game Online ở Tiền Giang đã ra tay sát hại ông ngoại của mình. Hàng loạt vụ việc như thế diễn ra nhiều năm gần đây: để có tiền chơi game Online, nhiều bạn trẻ có những hành vi điên dại, nặng thì giết người, hành hung ông bà, cha mẹ; nhẹ thì trộm cắp tài sản trong nhà đem bán hoặc lừa dối người lớn để lấy tiền.
Nhưng điều đó vẫn chưa đáng sợ.
Đáng sợ là trong số hàng ngàn, chục ngàn sinh viên bỏ học hằng năm, rất nhiều trong số đó bỏ học vì nghiện game Online. Sau bỏ học là những tháng ngày mất phương hướng. Nhiều bạn viết thư về Tuổi trẻ cho biết, vì mê game Online đã tự hủy hoại cuộc đời mình, tương lai tốt đẹp của mình. Một vài vụ án mạng là điều có thể thấy được, nhưng hàng ngàn bạn trẻ mất phương hướng thì chưa biết họ sẽ gây ra điều gì trong tương lai.
Trong khi các nhà quản lí ngồi bàn về quản lí game Online sau năm năm ngành dịch vụ này tràn ngập ở Việt Nam, trong khi các nhà phát hành và kinh doanh game Online kêu gọi xã hội có cái nhìn công bằng, đừng kì thị với ngành này thì hàng triệu game thủ - đều trong tuổi thanh thiếu niên - vẫn chìm đắm trong game, đốt cháy những tháng ngày tuổi trẻ của mình. Đúng, những người trẻ ấy - hơn ai hết - chính là người chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Nhưng một xã hội có kỉ cương, có đạo đức thì không ai để mặc người khác, nếu không muốn nói là phải có trách nhiệm.
Những biện pháp quản lí người chơi, hành lang pháp lí cho dịch vụ này hoạt động đều đã có. Thế nhưng sao? Tiệm internet không phải hoạt động đến 12 giờ đêm mà là thâu đêm suốt sáng. Ngsười chơi game Online không chỉ chơi 5giờ/game/ngày mà chơi thả cửa. Ai được lợi thì đã thấy rõ. Ai bị hại cũng đã thấy rõ.
Gần như tất cả các bạn từng là game thủ gửi thư về Tuổi trẻ đều rùng mình nhớ lại những tháng ngày chìm đắm trong game Online và đề xuất hãy có biện pháp giám sát người chơi, giám sát doanh nghiệp phát hành dịch vụ. Đó là siết lại việc hạn chế giờ chơi; cắt việc cung cấp game Online sau 12 giờ đêm ở các điểm dịch vụ; đánh thuế nặng hơn với nhà cung cấp; phân loại game cho từng lứa tuổi... Và để làm được điều này, phải chế tài thật nặng các vi phạm.
Không phải tất cả game online đều xấu. Nhưng, nếu chỉ muốn biến ngành giải trí này thành một cỗ máv kiếm tiền đơn thuần mà không có giải pháp bảo vệ hoặc cảnh báo người chơi, để một bộ phận giới trẻ huỷ hoại cuộc đời của mình thì điều đó thật tệ hại. Và điều đó mới đáng sợ!