Thánh Gióng là một truyền thuyết vào loại hay nhất về truyền thống giữ nước của dân tộc Việt Nam. Truyện cho thấy yêu nước là tình cảm nảy nở rất sớm trong lòng nhân dân. Dân ta yêu nước nên ai cũng có trách nhiệm đánh giặc giữ nước. Thánh Gióng tiêu biểu cho tổ tiên ta trong sự nghiệp chống ngoại xâm bảo vệ Tố quốc. Hình ảnh cậu bé làng Gióng đã đế lại những ấn tượng thật đẹp đẽ.
Gióng là một nhân vật kì lạ. Bà mẹ Gióng có thai Gióng không như bao bà mẹ khác. Một lần đi rừng kiếm củi, thấy vết chân khổng lồ in trên mặt đất, bà ướm thử chân mình vào đó rồi có thai. Đây là cách dân gian tưởng tượng ra để nhân vật của mình mang những nét phi thường.
Đáng kỳ lạ bởi Gióng đã lên ba tuổi mà chẳng biết nói, biết cười và cũng không đi được bước nào, đặt đâu nằm đây. Điều ấy khiến bà mẹ buồn lòng nhưng không vì vậy mà tình thương con giảm bớt. Bà vẫn ân cần chăm sóc đứa con trai khác thường mà không hề phàn nàn, kêu ca một tiếng.
Gióng không phải là đứa trẻ yếu đuối tật nguyền. Cậu bé không nói là để bắt đầu nói thì nói điều quan trọng, nói lời yêu nước, cứu nước. Lời nói ấy không phải là lời nói bình thường. Còn nằm ngửa trên chõng tre mà Gióng đã đòi nhà vua cấp cho ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt để đánh tan quân giặc. Ba tuổi. Gióng chưa biết đi để đến lúc cần sẽ nhảy lên mình ngựa, phi thẳng ra chiến trường giết giặc.
Sau khi gặp sứ giả, cậu bé Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã chật. Một bữa Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hơi nước cạn đà khúc sông. Đấy là cách nói của dân gian để tô đậm chất phi thường cho nhân vật mà mình yêu mến. Mẹ Gióng nuôi Gióng không nổi, cả làng góp gạo nuôi cậu bé với kì vọng cậu sẽ trở thành người anh hùng cứu nước. Dường như việc cứu nước vô cùng cáp bách đã thúc đẩy Gióng vụt lớn lên nhanh. Hình tượng cậu bé làng Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh giữ nước.
Khi sứ giả đem ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt và nón sắt tới, Gióng vùng dậy, vươn một cái, bỗng trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Gióng nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun ra lửa, phi thẳng vào đội hình quân giặc. Ngọn roi của Gióng đã quật giặc chết như rạ. Roi gãy, Gióng đã nhổ tre bên đường thay roi đánh tiếp. Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khí mà bằng cả cây cỏ thân yêu chốn quê nhà.
Giặc tan, Gióng phi ngựa sát đến chân núi Sóc, trút bỏ áo giáp sắt roi vái chào quê hương, sau đó cà người lẫn ngựa từ từ bay lên trời, biến mất. Gióng không trở về quê cho mẹ già, cho bà con làng xóm mừng, không về triều đình đề được vua ban thưởng bạc vàng, gấm vóc, chức tước cao sang. Gióng biến mất vào cõi hư không. Gióng sinh ra im lặng. Nay nước cứu xong, Gióng trở về chỗ lặng im. Gióng không màng công danh, phú quí. Anh hùng như thế mới thật là anh hùng! Yêu nước như vậy mới thật là yêu nước! Gióng kết tinh truyền thống đạo đức cao cả của dân tộc Việt.
Nhà vua phong cho Gióng chức Phù Đổng Thiên Vương, ý nói Gióng là người Trời. Còn nhân dân yêu mến và kính phục tôn Gióng làm Thánh Gióng. Hình ảnh Gióng bay lên trời thật đẹp đẽ và mang ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Theo em, Thánh Gióng không phải là một nhân vật có thật. Đó là hình ảnh nhân dân ta dựng lên bằng trí tưởng tượng, tiêu biểu cho truyền thống giữ nước kiên cường của dân tộc. Thánh Gióng là sức mạnh chiến đấu của toàn dân.
Truyền thuyết Thánh Gióng cho đến nay vẫn còn ý nghĩa mới mẻ và hấp dẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Trong hoàn cảnh đổi mới hiện nay, cả dân tộc Việt Nam đang vươn vai để trở thành Thánh Gióng của thời đại, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.