Qua bốn truyện cười đã học, em thấy ở mỗi truyện có một khía cạnh buồn cười riêng, và tính chất mức độ gây cười của chúng cũng không giống nhau.
Ở truyện Mất rồi, điều khiến ta buồn cười là sự trật khớp theo kiểu "ông nói gà, bà nói vịt" của hai người đối thoại. Trong khi khách đến chơi hỏi về người cha, thì đứa con lập tức nghĩ đến tờ giấy cha đưa mà mình trót làm cháy mất. Và đáng lẽ đáp về cha, thì nó lại chỉ nói đến tờ giấy mà cha gửi lại. Còn người khách lại ngỡ đứa con nói về người bố. Vì thế khách mới "giật mình", và hỏi liên tiếp mấy câu nữa. Tình cờ. Mấy lời đáp cũng tương ứng này khiến cho "thông tin" bị lạc hẳn ở khâu tiếp nhận. Do đó gây cười.
Nhưng nếu ở mẩu truyện trên, cái cười chỉ là tiếng cười giòn giã thoải mái vui cửa vui nhà thì ở truyện Treo biển, tiếng cười đã hàm ý phê phán. Ai có ý kiến gì, nhà hàng cũng nghe cả, cứ cắt bỏ dần mấy chữ ghi ở biển, đến mức bỏ hẳn cả biển treo đi. Thật bị động đến buồn cười, chả có chủ kiến nào của mình cả. Bán hàng là phải chiều khách, như quảng cáo tiếp thị bây giờ, chứ làm sao lại để khách phải "suy diễn" đoán ra như vậy! Nhưng em thấy thật ra truyện này nặng về tính chất ngụ ngôn hơn là truyện cười. Cái cười ở đây có chàng chỉ là chút nhếch mép, nếu không muốn nói là cười nhạt.
Đến truyện thứ ba, mới thật thú vị. Cách gây cười ở đây sắc sảo hơn hẳn. Có cái áo mới mà đứng hóng ở cửa, đợi người ta khen, đã buồn cười rồi. Vậy mà khi người ta hỏi một chuyện không liên quan gì đến quần áo cả, anh ta vẫn cố "giơ ngay vạt áo" và trả lời bằng một thông tin hoàn toàn thừa ("từ lúc tôi mặc cái áo mới này"), thì thật thói khoe khoang quá lộ liễu, lố bịch, làm ta không thể nhịn cười nổi. Anh chàng khoe lợn cũng vậy. Giả vờ hỏi, kì thực cốt để khoe, nên anh ta cố gài một đặc điểm rất vô ích đối với việc nhận dạng lợn: đó là "lợn cưới". Lẽ ra cần nói rõ về màu sắc, kích cỡ lớn. Ví dụ lợn đen hay lợn khoang, lợn to hay lợn nhỏ, v.v... thì lại nói là "lợn cưới"! Vô hình trung, anh ta như một kẻ hoặc đần độn, hoặc mắc chứng tâm thần chứ không phải người có một đầu óc bình thường, có một ngôn ngữ hợp lí. Cũng như mẩu truyện trên, truyện này rõ ràng có tính châm biếm, mà lại châm biếm bằng chính ngay ngôn ngữ đặc trưng, có phóng đại nghệ thuật thêm của nhân vật, nên cái cười ở đây mang ý vị phê phán còn cao hơn cả truyện trên, nhằm bêu xấu một tật xấu khá phổ biến ở con người là thói khoe khoang.
Mẩu truyện Thà chết còn hơn là mẩu truyện mà cả nghệ thuật gây cười lẫn cấp độ phê phán vào loại cao nhất ở chùm truyện cười vừa đọc. Tính khoe khoang thật ra cũng không tác hại bao nhiêu, chứ thói hà tiện có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc không lường được. Đặc biệt trong trường hợp này, quả thật máu hà tiện đã làm mụ mẫm cả lương tri. Khi thấy anh ta sắp chết đuối mà vẫn cứ ngoi đầu lên, không phải để cầu cứu, mà để phản đối mức tiền thưởng; thậm chí còn chút sức lực cuối cùng, anh ta vẫn cố bác bỏ việc thưởng ba quan, để "thà chết còn hơn" thì đúng là không thể nhịn được cười. Nhưng cười rồi mà sao ta không thấy vui trong dạ, ta thấy sao anh chàng này lại để đồng tiền làm hư hỏng, méo mó lương trị, làm tê liệt cả đến bản năng sống còn vốn rất mạnh mẽ. Ở ngay cả loài động vật hạ cấp như vậy. Máu keo kiệt đã hủy hoại cả lí trí thông thường mà ông cha ta từng đúc kết: "Người làm ra của, chứ của không làm ra người". Mẩu truyện sau khi khiến ta bật cười, còn làm ta giật mình kinh ngạc, vì sự thui chột của tính người có thể đến mức kì quái, đáng sợ như thế nào!
Đúng là tiếng cười cũng có nhiều cung bậc, sắc thái. Nếu cuộc đối thoại giữa đứa con với ông khách gây nên chuyện hiểu lầm, làm bật ra tiếng cười thoải mái, thì việc treo biển lại là lời phê phán - đặc biệt là truyện cuối cùng, có chi tiết gây cười rất sắc cạnh nên mức độ phê phán càng gay gắt. Trong truyện này người kể không trực tiếp ra lời mà để cho tình thế tự nói lên, nhưng chính vì vậy tiếng cười ở đây thật là sâu sắc, không chỉ làm vui, mà còn khiến ta phải giật mình ngẫm lại: phải chăng ta cũng từng có lúc tính quẩn kiểu "thà chết còn hơn", vì tiếc chút lợi lộc nhỏ để hỏng mất cái lớn gấp nhiều lần?