Về bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du

Mở đầu bài thơ là tiếng thở dài bi thiết cho thế cục, nhân sinh. Sức khái quát triết học của câu thơ lớn:

Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang

Xưa: cảnh đẹp, nay: gò hoang, sự tiến thiên dâu bể thật kinh hoàng. Có biến thành không, rực rỡ là thế, nay hoang phế, điêu tàn, cuộc đời thật là vô nghĩa! Sự đối lập của hai trạng thái tồn tại và phi tồn tại diễn ra như một thứ vòng quay vô thức mà nghiệt ngã không cùng, ở đây, Nguyễn Du đã gặp tác giả Cung oán ngâm trong cái nhìn vô cùng chua chát. Nhưng, góc độ tiếp cận hiện thực của bài thơ này nổi cộm lên nhằm riêng vào một đối tượng: cái đẹp. Vì trong cái quy luật biến có thành không, cái đẹp bị tàn phá, bị tiến công dữ dội nhất. Sự biến dạng triệt để này được diễn đạt xót xa qua một từ trong nguyên bản: tận.

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư

Tận: biến đổi hết, thay đổi hết, không còn sót lại một dấu vết gì. Hiện trạng xảy ra ở một địa điểm: Hồ Tây, nhưng ý nghĩa về mặt không gian không tự đóng khung, thu hẹp. Nó diễn ra ở tất cả, ở mọi nơi. Và ở tất cả mọi nơi ấy, không gian (nhất là cái đẹp) không trụ nổi trước thời gian. Không gian thì chỉ là khoảnh khắc, chỉ như một giấc mộng, còn thời gian mới không cùng. Nó vô thuỷ, vô chung. Nó hoà tan tất cả vào cái dòng chảy vô hình. Câu thơ không chỉ là một bức tranh buồn, ở đó còn có dấu vết tâm linh của người hoạ sĩ. Cũng như Bà huyện Thanh Quan khi gọi cuộc dâu bể, tang thương là cuộc hí trường (tạo hoá gây chi cuộc hí trường). Một nguyên tắc trong sự dồn nén của thơ luật Đường là ý ở ngoài lời (ý tại ngôn ngoại). Nguyên tắc ấy đã được thể hiện một cách dung dị, tự nhiên như một lời nói thường, nhưng nó vừa là hình ảnh cuộc đời, vừa là chân dung tâm trạng của nhà thơ, là tiếng thở dài bi thiết vì không xuôi bất lực. Ngay hình ảnh cuộc đời ở đây cũng đầy sự liên tưởng. Nó không khép kín mà mở ra. Nó là cuộc đời hay sân khấu (hí trường)? Có lẽ cả hai, và chính sự liên tưởng, sự làm nhoè đi các đường biên khái niệm này mà so với các thể loại, thơ đi vào tâm trí người đọc rất mạnh, rất sâu. Tuy không chính xác vì nó mơ hồ hơn, thơ có thể trò chuyện với tâm hồn như một thứ tri âm, chiêm nghiệm.

Từ cái đẹp bị tàn phá, Nguyễn Du đi vào một nhân chứng điển hình.

Gạt đi tất cả mọi thứ tro bụi, mọi thứ phong trần, từ cái nền đổ nát trên đây, nhà thơ đang nâng cầm ở trên tay một mảnh vụn cuộc đời: nhất chỉ thư (một tập sách). Tập sách ấy có một cái tên (Tiểu Thanh kí) bởi nó kể về một số phận, một người con gái nhan sắc và tài hoa. Tập sách ấy là hoàn chỉnh, vẹn nguyên, nhưng nhân vật được kể trong truyện đã phải sống cuộc đời dang dở. Đó là chứng tích của một thời, một thời đầy biến thiên (Hồ Tây cảnh đẹp hoá gò hoang) và một đời những má hồng phận bạc.

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Câu dịch thơ mới chĩ là lược ý. So sánh với nguyên bản chữ Hán của Nguyễn Du là Độc điếu song tiền nhất chỉ thư, nó đã đánh mất đi hai chữ rất quan trọng: chữ nhất trong nhất chỉ thư và chữ độc trong độc điếu. Thực ra, nhất là một, mà độc cũng là một, nhưng nếu nhất là số từ chỉ lượng thì độc là trạng từ chỉ tâm thế nhà thơ. Bởi vậy bản dịch nghĩa trung thành hơn:

Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ.

(Tổng hợp cả hai câu một và hai, có ý kiến đề nghị một cách dịch nghĩa khác như sau: Vườn hoa ở Tây Hồ đã thành gò hoang cả rồi. Một mình xót thương nàng khi đọc một tập sách trước song cửa)

Như vậy, nếu liên kết cả hai câu thì ba chữ: tận (ở câu một) và độc, nhất (ở câu hai) tạo được thế chân vạc. Đó là ba cái trụ cầu, trên đó bắc những nhịp thời gian đuổi theo nhau bất tận. Tốc độ xô đẩy của thời gian thật khủng khiếp nặng nề (câu một). Còn sức chống đỡ của con người (người làm thơ: nhất chỉ thư, người đọc thơ: độc điếu) thật là mảnh mai, vô nghĩa, về một phương diện nào đó, dường như số phận hai con người không quen biết ấy vô tình đến với nhau, và từ phút tri ngộ này đã hình thành một trận tuyết đối mặt với mọi sự dâu bể, biến thiên. Nhưng lực lượng liên minh này thật yếu ớt cô đơn, bởi đều là đại diện cho thời đại mình, họ là những nhân chứng của sự tàn phai, lạc điệu. Cuốn sách kia là dấu tích của cái thời cách Nguyễn đến ba trăm năm, còn chính nhà thơ họ Nguyễn nọ, đại diện cho một thời đang sống, nhưng cũng chỉ có một mình. Cái ý một mình này không chỉ một lần suy tư trong độc điếu, mà ngay trong câu kết bài thơ Nguời đời ai khóc Tố Như chăng? nhà thơ vẫn khắc khoải, băn khoăn như thế! Nhưng chính là nhờ vào hệ thống ngôn từ tự thể hiện này mà giữa nhà thơ và người đã khuất gần gũi nhau biết chừng nào! Thơ không chỉ là sách mà là hiện diện một con người. Và cả hai đang âm thầm lắng nghe nhau trong đàm tâm, trò chuyện. Khóc cho cái đẹp là một tài hoa, vậy cái sự nhỏ nước mắt ấy không chỉ cho người mà còn là cho mình nữa. Và tất cả chỉ là một mình mình biết, một mình mình hay. Khóc Đỗ Phủ, Nguyễn Du cũng viết.

Công tiễn thi danh sư bách thế.

Độc bi dị vực kí cô phần.

(Trong khi mọi người thèm khát cái thi danh làm thầy thơ trăm đời của ông, chỉ có mình tôi thương cho nấm mồ của ông gửi nơi đất khách). Trước sự đồng điệu, thành tâm của độc điếu ấy, cái mảnh giấy tàn của nhất chỉ thư tưởng cũng như đang cựa mình thức giấc sau một giấc ngủ nghìn thu: Thấy hiu hiu gió thì hay chị về (Truyện Kiều). Sự ứng nghiệm, giao cảm giữa âm và dương, xưa và nay, muôn đời là vậy.

Như thế là, hai câu đề đã mở ra một thứ ngoại cảnh và tâm cảnh. Đó là cái khoảnh khắc nghĩ suy, cảm nhận khi gặp gỡ một con người, một con người xa nhưng không lạ: nàng Tiểu Thanh xấu số. Nhưng chứng tích của một thời và một đời là nhất chỉ thư kia có ý nghĩa thông điệp như thế nào với hôm nay và mai hậu? Thì đó chính là nhiệm vụ then chốt của hai câu thực:

Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Nội dung, hàm nghĩa của hai câu thực này hiện đang tồn tại những cách hiểu khác nhau. Ngoài cách hiểu: Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết. Văn chương không có số mệnh mà cùng bị đốt dở, (sách Giáo khoa Văn 10), còn có một cách hiểu khác: Son phấn như có thần, sau khi chết, người ta còn thương tiếc. Văn chương còn có số mệnh gì mà làm cho người ta còn thương tiếc. Văn chương còn có số mệnh gì mà làm cho người ta phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt (bản của Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh). Nhưng dù cách hiểu có khác nhau thì cùng chỉ là tiểu dị, còn trên tổng thể vẫn nhất trí, vẫn đại đồng về phương diện văn bản hình tượng thơ. Cách hiểu thống nhất là: với son phấn và văn chương, không hề có cái chết. Hoặc cái chết chưa phải là sự kết thúc, không bao giờ là dấu chấm cuối cùng. Như thế là cái đẹp hình thể (nhan sắc) và cái đẹp tâm hồn (văn chương) cùng có một vận mệnh, cùng đi đến sự trường tồn, vĩnh hằng, vĩnh cửu. Chứng cớ là cái phần còn lại của nó kia vẫn được người đời nhắc nhở, linh hồn của nó vẫn xanh tươi: Thác là thể phách hồn là tinh anh. Nguyên tắc đối xứng của thi pháp Đường thi dẫn đến sự cặp đôi, song hành của hai đối tượng: son phấn và văn chương (người quốc sắc, kẻ thiên tài). Đó là giai nhân và tài tử, hai lớp người khác giới trong xã hội thượng lưu. Đó cũng là hai phẩm chất đặc trưng cho tuổi trẻ, hai vẻ đẹp của nhân sinh. Nguyễn Du khóc Tiểu Thanh là khóc cho một con người mang cả hai vẻ đẹp ấy. Đó chính là mô tip hình tượng có tính chất hệ thống của Nguyễn Du, từ Tiểu Thanh đến Thuý Kiều, người gảy đàn ở Long Thành ngày trước.

Ta nhớ lúc trẻ từng có gặp

Bên bờ hồ Giám trong đêm tiệc

Bấy giờ ba bẩy tuổi đang xuân

Áo hồng lấp lánh đào in mặt

Vẻ ngây má ửng dễ mê người

Dưới ngón năm cung đàn réo rắt.

(Long Thành cầm giả ca)

Thiên hạ vô tình, tạo hoá vô tình, một lần nữa hiện ra cái quy luật: sự chà đạp không hề thương tiếc đối với tài hoa. Nhưng lạ thay là dù có bị bức tử, sự oan ức của cái đẹp, của tài hoa không dễ gì bị huỷ diệt. Cho dù đó chỉ là một sự cảm thông kiểu như: Hương hoa bay thấu vào trong ngục; Kể với tù nhân nỗi bất bình. Cũng như thế, tiếng thơ của người đàn bà nhan sắc tài hoa một thời kia làm sao mà mất được dù một triều đại vàng son nào đó không còn. Cái thần của son phấn, cái mệnh của văn chương kì diệu và khác thường phải chăng chính là ở chỗ này? Và cũng chính vì thế mà tài mệnh tương đối, những số phận ấy không tránh được sự ghét ghen của tạo hoá đã mắc vào một thứ phong vận kì oan. Đây chính là hai mặt của một hiện tượng, một mâu thuẫn mà thống nhất giữa hữu hạn và trường tồn, giữa vật chất và tinh thần của chính nó:

Anh hoa phát tiết ra ngoài

Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.

Anh hoa và tài hoa là hai từ đồng nghĩa. Anh hoa vốn nghĩa là vẻ đẹp của cỏ cây, nghĩa rộng là cái tinh anh, tốt đẹp của người nhìn thấy ở bên ngoài. Như vậy, cái khái niệm son phấn trong câu Son phấn có thần chôn vẫn hận không nên chỉ hỉểu là vẻ đẹp trời cho về nhan sắc thông thường, ở đó còn ẩn chứa một sự thông tuệ, một tài năng cùng với đức hạnh, tâm hồn, một thành tâm, thiện ý. Tiếng đàn, nhất là cung đàn bạc mệnh của Thuý Kiều chính là một sự giao cảm lịch sử, một tổng kết nhiều thời đại về thân kiếp đoạ đày của người phụ nữ chứ đâu chỉ là một thứ tài năng. Tài ấy đi với tình ấy, hội tụ hai vẻ đẹp của hình thức và nội dung. Những bài thơ ứng tác hai lần - lần gặp Đạm Tiên và sau đó trong giấc mơ và Đạm Tiên đánh giá: Giả đành tú khẩu cẩm tâm khác thường chính là từ cảm nhận tổng hợp mà ta vừa nói trên đây. Còn tiếng đàn của Kiều chẳng hạn vì sao đã một lần làm cho Kim Trọng không yên? Phải chăng ở sự đa nghĩa, ở tính hai tầng giữa cái biểu hiện (tiếng đàn) và cái được biểu hiện (tâm hồn)? Như vậy thì son phấn và tài hoa, mà tài hoa đó ở Tiểu Thanh là văn chương là những vẻ đẹp người không bị cô lập hoá. Cả hai gắn kết với nhau tạo nên một cực điểm phía bên này, còn phúc phận, thân kiếp như một thứ vực thẩm nhỡn tiền ở đối cực (cũng là cực điểm) phía bên kia. Hai phía ấy, sự định hướng đầu nghịch lí ấy diễn ra đồng thời như một định mệnh. Đó là tổng kết của Nguyễn Du từ một oan trái xót thương, từ một cuộc đời mà nhà thơ đang cầm trên tay tiếng nói tri âm và đang độc điếu trước phần mộ tinh thần của người quá cố. về phương diện cấu trúc toàn bài, bốn câu đầu mang tính độc lập tương đối. Nó nói về sự huỷ hoại, sự tàn phai từ một nhân chứng là mảnh giấy tàn bên song cửa. Còn son phấn có thần... là cảm nghĩ của Nguyễn Du trước nấm mồ của sắc, tài bạc phận. Thực ra, ý thơ cũng không phải là mới. về các cuộc tang thương, Nguyễn Trãi, một con người sống hết mình với thời đại nhưng rốt cuộc không khỏi xót xa:

Trăm năm trong cuộc nhân sinh

Người như cây cỏ thân hình nát tan

Hết ưu lạc đến bi hoan

Tốt tươi khô héo tuần hoàn đổi thay

Núi gò đài các đó đây

Chết rồi ai biết đâu ngày nhục vinh

(Bài ca Côn Sơn)

Còn văn chương, son phấn nào có ra gì? Câu thơ Đỗ Phủ Văn chương tăng mệnh đạt (Văn chương ghét người mệnh đạt) không phải là lời cảnh tỉnh mọi thứ dục vọng phù du đối với người cầm bút hay sao? Nói một cách giản dị là: Có tài mà cậy chi tài; Chữ tài liền với chữ tai một vần. Thế thì chỉ còn một cách: đừng tài tình chi lắm cho trời đất ghen. Nghĩa là khuôn khép mình vào cái tầm thường, cái bình quân mờ mờ nhân ảnh\ Đó là cái ngõ hẹp tối tăm, sự vô nghĩa của cuộc đời! Nói tóm lại, son phấn và văn chương là một sự trả giá, trả giá cho những tư chất trời cho. Tiếng hát và cái chết đã đi liền kề nhau như hình với bóng. Nhưng một mặt khác, thử tưởng tượng: cuộc sống con người nếu không có nhan sắc, văn chương cuộc sống ấy chỉ còn là sa mạc. Vì vậy, cái đẹp vẫn nở sinh cho người ta một thứ tán lá che đầu. Nó đánh thức nơi chúng ta tình yêu và hi vọng. Nhưng dâng hiến tất cả, để lại nhận về cho riêng mình những cay đắng hẩm hiu thì đó là một nghịch lí, một bất công, không dễ gì giải toả. Giọt nước mắt của Nguyễn Du, cái thổn thức của Nguyễn Du không chỉ dành cho một ai. Tiểu Thanh chẳng qua cũng là một thứ vật hi sinh, vật tế thần cho tất cả những kiếp người có cùng chung một phẩm chất, một phẩm chất không thể dàn đều, hoà tan để trở thành vô nghĩa. Vậy thì đóng góp của Nguyễn Du là làm hằn sâu cái nếp gấp tư duy, một nhức nhối khôn nguôi của một kiếp người. Sau này, nhìn nấm mộ bên đường, Tản Đà cũng có cái cách nhìn một lời là một vận vào như thế. Trong cái đáp số ẩn về thân kiếp lạc loài, có hai loại người đáng thương nhất thì trước hết là khách hồng nhan:

Hay là thuở trước khách hồng nhan

Sắc sảo khôn ngoan trời đất ghen

Phong trần xui gặp bước lưu lạc

Đầu xanh theo một chuyến xuân tàn?

Nhưng có lẽ câu thơ thấm trời, thấm đất vì nước mắt xót thương chính là bốn câu tâm đắc của cả một đời thơ về nghề thơ, cái nghề mà Nguyễn Bính sau này nói là bạc lắm con ơi, bạc lắm con.

Hay là thuở trước kẻ văn chương

Chen hội công danh nhỡ lạc đường

Tài cao phận thấp chí khí uất

Giang hồ mê chơi quên quê hương?

Riêng hai câu Tài cao phận thấp...: đau đớn vì oan ức bất công đè nặng ở câu trên bởi bao bất trắc, cả sự nổi khùng nổi loạn được diễn tả bằng năm thanh trắc liền nhau, xâm nhập vào nhau đan đi đan lại luyến láy. Còn sự thấm thía gánh chịu tài rộng ra trên một loạt những thanh bằng ở câu dưới. Cả hai khối âm thanh trên dưới va chạm nhau nảy sinh một áp lực thừa đáng sợ. Chỉ phác ra một con đường, đúng ra là một chặng đường, ta đã thấy sừng sững một Đỗ Phủ, rồi Nguyễn Du, Tản Đà... sống ở những thời đại khác nhau nhưng tiếng nói lại không hề khác nhau. Cũng như Tiểu Thanh đã mất đến ba trăm năm mà giọt khóc của Nguyễn Du vẫn không ngừng rơi xuống...

Sự triển khai ở bốn câu tiếp theo giống như lời tự thoại:

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Ở đây, không có vấn đề gì thuộc về văn bản dịch thơ. Nội dung thật là sáng tỏ. Nhưng là sáng tỏ một câu hỏi không có hồi âm: Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi. Nỗi hờn đó của ai, ta đã biết rồi. Vấn đề là ở chỗ Nguyễn Du đã mở rộng ra bằng cách xuyên suốt lịch sử cái vết thương lòng rỉ máu ấy. Dù đập tay vào cánh cửa cuộc đời để tìm lấy một lối ra, một giải thoát, Nguyễn Du không hẳn là người đầu tiên nhưng cái nghẹn ngào, uất giận đến bây giờ, với Nguyễn Du, nó như đặc quánh lại, Nỗi hờn kim cổ... mạch văn như một dòng chảy nối tiếp nhau những con sóng dài sóng ngắn, nó dồn toa và đến đó bỗng tắc đường. Trời khôn hỏi chúng là sự tắc đường ấy. Cái va đập của câu thơ như diễn ra ở vào một nơi chốn vô hình, nhưng nó dội lại, sâu xát vào lòng người bao nhiêu là nỗi đau máu thịt.

Nó hướng về mọi thể chế, mọi thứ ngai vàng - nguyên cớ sâu xa của những bất công, đày đoạ:

Xanh kia thăm thẳm từng trên.

Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.

Cái ấm ức của người vợ trẻ có chồng đi chinh phạt trong khúc ca dằng dặc bi thương cũng là cái ấm ức của Nguyễn Du trong bài thơ chữ Hán. Câu thơ có nói đến bầu trời, nhưng là một bầu trời, nhưng là một bầu trời tối đen như mực: Đêm trường dạ tối tăm trời đất. Đó là cái tài của Nguyễn Du, nhưng chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Cái tâm lớn của nhà thơ là ở chỗ ném ra xã hội một vấn đề đâu chỉ của một Tiểu Thanh! Câu thơ có cấu trúc mở trùm ôm lên tất cả những ai được ưu đãi về nhan sắc, tài năng và giống nhau ở sự kết thúc đáng buồn oan nghiệt. Đó là độ rộng, còn độ sâu của nó chính là sự tự ý thức của kẻ phát ngôn. Nỗi đau vừa cộng chung lại trong nỗi hờn kim cổ lại vừa chia ra cho mỗi thân phận cá thể, cá nhân:

Cái án phong lưu khách tự mang

Thiên đối với ngã, trời đối với người. Câu thơ thêm một lần oan trái, thêm một lần cật vấn trời xanh, nhưng đồng thời cũng thêm một lần dũng cảm. Nguyễn Du tự coi mình như người cùng chịu nỗi oan lạ lùng của người phong nhã cho dù giờ đây, Tiểu Thanh với Nguyễn Du có khác nhau là ở chỗ kẻ mất, người còn. Sở dĩ nói nhà thơ dũng cảm bởi vì biết văn chương là một thứ nghiệp chướng, kì oan, Nguyễn Du đâu có chối bỏ con đường đầy chông gai, trắc trở ấy. Như thế là trong cái án văn chương nghiệt ngã kia, Nguyễn Du đã tự đóng đinh cuộc đời mình vào đó. Và làm như thế, nhà thơ đâu có vị kỉ, vì mình! Tự nhận mang cái thứ phong vận kì oan để kí thác cho được những buồn vui, mơ ước không chỉ của mình thì đó là một hành động nhân văn rất đáng được muôn đời trân trọng. Thì cũng như Tiểu Thanh, cùng với tập thơ bị đốt dở, người con gái tài sắc kia còn nói được một điều gì. Tự nhận mình là kẻ cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh, nghĩa là sự đồng cảm đã đạt đến mức tri âm, Nguyễn Du không hề có một dụng ý phô trương, tự đắc. Tráng niên ngã diệc vi tài giả (Thời trẻ tuổi, ta cũng là kẻ có tài năng). Nhận mình là kẻ có tài năng tức cũng nhận mình là kẻ bất hạnh, chứ còn như những kí thác lớn đến như Truyện Kiều cũng chẵng qua là một thứ: Lời quê chắp nhặt dông dài; Mua vui cũng được một vài trống canh. Sự khiêm nhường ấy phải chăng là phẩm chất cao nhất của người sáng tạo? Dự cảm ấy của Nguyễn Du đã được thực tế chứng minh: vận mệnh của thơ văn lớn hơn nhiều lần tuổi tên của người tạo ra chính nó:

Bà cụ không nhớ tên Nguyễn Du, có gì đâu đáng trách! Một cái tên như bao cái tên thường Nhưng cụ đã gửi lòng trong trang sách.

Theo dõi đời Kiều từng đoạn từng chương ...

(Tế Hanh - Bài học nhớ về nhà thơ lớn)

Nếu bốn câu thơ đầu là hiện thực được cắt ngang để từ đó mà quy luật tài mệnh xung đột nhau mà nạn nhân là Tiểu Thanh và tập thơ đốt dở hiện ra như một tấm gương soi, thì bốn câu sau, mạch thơ lại đi theo chiều dọc. Trên con đường ngày một heo hút ấy hình như chỉ còn có một con người, con người ấy đã mang lấy nghiệp vào thân đang một mình một bóng. Con đường ấy đi về đâu:

Ma đưa lối, quỷ đem đường

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.

So với thân phận nàng Kiều, Nguyễn Du vừa có sự hoá thân vừa có sự phân thân. Sự hoá thân đồng điệu là ở chỗ nhân vật và người tạo ra nhân vật đều là nạn nhân của số phận. Nhưng nếu Thuý Kiều biết trước được con đường mình phải đi là mười lăm năm lưu lạc và nơi đến: Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan, thì với Nguyễn Du phía trước thật mịt mờ. Vì vậy hai câu cuối, dĩ nhiên là những giọt nước mắt tuôn rơi, nhưng không để khóc ai mà là khóc chính mình:

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Khóc mình, nhưng ý nghĩa lại không dừng ở một phạm vi hẹp là cuộc sống cá thể, cá nhân. Bởi Tố Như thì cũng như Tiểu Thanh chỉ là đại diện cho một kiếp người tài hoa mệnh bạc. Nhà thơ nói đến mình như là nhân danh cho tất cả những người phong vận mà lên tiếng phát ngôn. Vì vậy thương xót Tiểu Thanh, đó cũng là một cách nhà thơ tự thương mình. Nhưng cái cao trào nghịch lí ở đây chính là cái khoảng cách ba trăm năm không hoàn toàn lặp lại kia! Bởi lẽ, Tiểu Thanh dù mệnh bạc đến đâu, sau ba trăm năm vẫn còn, dù không nhiều - một người cùng hội. Đó là Nguyễn Du. Nhưng đến lượt mình, mới thật là đáng lo, đáng ngại. Không gần gũi với người đời là thế còn có thể là không ai nhớ, làm sao mà họ còn có thể thắp một nén hương cho số phận Tiểu Thanh cách họ đến gấp đôi khoảng cách, thêm một lần nữa xa xôi? Như thế là khi Nguyễn Du tự đặt mình vào dòng chảy thời gian, lập tức biến thành một thứ cánh bèo mặt nước. Đó chính là một lời tố cáo, tố cáo cái vô nghĩa của cuộc đời, cái cô độc, mỏng manh của tài sắc, nhất là sự bất công đối với hạng người đáng kể nhất trong thiên hạ, những tài tử, giai nhân. Có thể cái nhìn của Nguyễn Du có phần kém lạc quan, nhưng nó là một sự thật, một sự thật phũ phàng, nhất là ở vào thời những Tiểu Thanh và Nguyễn Du đang sống. Băng bài thơ đầy nước mắt này, Nguyễn Du không nói đến những nạn nhân của chiến tranh hay những người dân đen, con đỏ, nhưng hoàn toàn không phải vì thế mà nó không có giá trị hiện thực, nhất là giá trị dân chủ, nhân văn. Cũng như khi Đỗ Phủ nói về Lí Bạch thì đó đâu phải chỉ đơn giản là tình bằng hữu, bạn bè. Giống nàng Kiều tự giải mã nấm mộ Đạm Tiên: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung, bậc thi thánh mơ thấy hồn của bậc thi tiên vật vờ phiêu lãng:

Hồn về xanh ngắt ngàn cây

Hồn đi quan ải bóng mây đen rầm.

Giữa cái nơi phồn hoa mũ lọng như nêm, Đỗ Phủ nhận ngay ra một gương mặt tàn héo, gày gò riêng người ấy một mình tiều tụy

Đó cũng chính là cái tàn và cái mệnh của một kiếp tài hoa. Hai câu thơ ngũ ngôn như chạm khắc vào muôn đời cho hậu thế trong bài Mộng Lí Bạch ấy là một sự chỉ trán, vạch vôi:

Thiên thu vạn tuế danh

Tịnh mịch thân hậu sự!

(Dù danh tiếng còn lại đến muôn đời nghìn kiếp. Nhưng đó chỉ là việc âm thầm sau lúc đã qua đời). Bài thơ khóc Tiểu Thanh của Nguyễn Du không còn là một hiện tượng cá biệt nữa. Nó đã trở thành một nhức nhối với mọi tài năng, một vấn đề xã hội đối với con người và thời đại. Tầm vóc của Nguyễn Du rõ ràng đã lớn hơn rất nhiều so với một bài thơ nhỏ!

BÀI CÙNG NHÓM