Trong suốt dòng lịch sử của con người, đã có những người phải vất vả chống lại tính nghiện ngập như nghiện ma túy, nghiện rượu,... hay những thói quen xấu không thể bỏ được, chẳng hạn như nghiện cờ bạc. Giờ đây, các nhà tâm lí học ở nhiều quốc gia lại lưu ý đến tình trạng khẩn cấp phải đối phó của một chứng tật ham mê mới, đó là nghiện Karaoke và Internet, nhất là ở thế hệ trẻ hiện nay.
Với nhiều người, Internet là một thứ không thể thiếu, một thói quen không kiểm soát nổi. Riêng tại Việt Nam đã có khoảng 5 - 10 triệu người mắc bệnh này. Những triệu chứng của chứng nghiện Internet là quên thời gian; sao lãng ăn uống và ngủ; tức giận, căng thẳng, bồn chồn khi không thể lên mạng; cần trang bị máy tính mạnh hơn, nhiều phần mềm hơn; biểu hiện trầm cảm hay cáu giận và tách biệt với xã hội,.... Nghiện Internet - một hành vi gây căng thẳng cho cuộc sống của chính nạn nhân và cho cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp - là một căn bệnh tâm lí đang lan tràn trên toàn thế giới, có những người từ độ tuổi học sinh cho đến độ tuổi trưởng thành, những người đã dành đến 14 - 18 tiếng mỗi ngày trên mạng. Chơi game trực tuyến cũng là một dạng của nghiện Internet và đang lan tràn nhanh chóng trong giới trẻ vì có đến 90 - 95% các trò chơi trên web đều miễn phí. Internet mang theo cùng nó những lợi ích nhưng cả các tác hại. Trong đó có tình trạng vì quá mê mệt mà các con nghiện xao lãng chuyện học hành, thậm chí bỏ học. Họ giảm tiếp xúc với gia đình, bạn bè, sống cô lập trước màn hình máy tính,... Khi ở trên mạng, họ có cảm giác chín chắn, thành công. Các người nghiện Internet thường đau khổ vì trầm uất, sợ sệt và không sẵn lòng giao tiếp với người khác. Nhiều em mắc bệnh rối loạn giấc ngủ, tê cóng hai tay, đầu óc không còn tỉnh táo,..*. Tuy nhiên, Internet chỉ là chất xúc tác chứ không phải là nguyên nhân gây nghiện. Hầu hết những em gặp trục trặc trong cách hành xử hay thiếu tự tin chỉ bị cơn nghiện Internet làm trầm trọng thêm, mà trong quá khứ, không có Internet chúng có thể tìm tới tội ác, ma túy, có khi tự tử để đối phó với những vấn đề của mình.
Bên cạnh nghiện Internet thì giới trẻ còn nghiện cả Karaoke. Karaoke là nơi chia sẻ cảm xúc khá lí tưởng giữa những người bạn. Việc tự thể hiện một bài hát sẽ giải tỏa được nhiều cảm xúc hơn là nghe một ca sĩ thể hiện. Đó cũng là nơi mà niềm đam mê ca hát được thỏa mãn và biết đâu đây chính là bước khởi đầu của một vài ca sĩ nào đó. Ở những nơi này có một dàn nhạc khá chuyên nghiệp và hấp dẫn hơn nhiều so với hát chay, cũng không cần tập luyện nhiều như khi hát với một ban nhạc sống. Nếu thống kê thì tôi nghĩ số người mê ca hát sẽ chiếm phần đông trong số dân, nhất là trong giới trẻ, chưa bị cơm áo gạo tiền bào mòn nhiệt huyết, tinh thần thanh xuân lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết, cá tính. Hoàn toàn không xấu, thậm chí còn là một loại hình thư giãn rất tốt vì nó nuôi dưỡng tình yêu âm nhạc trong mỗi con người, để họ không trở nên khô khan về đời sống tinh thần. Tuy nhiên, nếu chúng ta quá ham mê, suốt ngày đi hát Karaoke thì sẽ xao lãng việc học hành, công việc, tiêu tốn thời gian cũng như tiền bạc của gia đình,...
Cũng giống như nghiện rượu hay ma túy, nghiện Karaoke và Internet cũng mang lại những hậu quả nhất định về tâm lí, thể xác và các mối quan hệ xung quanh. Đừng để thành quả được coi là có ý nghĩa nhất đối với xã hội loài người lại bị hủy hoại bởi chính bạn. Chúng ta hãy biết sử dụng nó đúng cách và hợp lí thì sẽ phát huy được hết những mặt mạnh và hạn chế những tác hại của Karaoke và Internet mang lại.