Trình bày những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975

Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 tồn tại và phát triển trong một hoàn cảnh lịch sử đặc biệt: chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm, miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, giao lưu văn hóa với nước ngoài còn hạn chế. Nền văn học mới vận động, phát triển và thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhìn chung, văn học Việt Nam thời kì này có ba đặc điểm cơ bản, cụ thể như sau:

Nền văn học chủ yếu vận động theo khuynh hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước để đáp ứng yêu cầu của lịch sử, vì mục tiêu chung của toàn dân tộc. Nền văn học được kiến tạo theo mô hình Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận (Hồ Chí Minh) cùng với kiểu nhà văn mới: nhà văn - chiến sĩ. Gắn bó với dân tộc, với đất nước và nhân dân, dùng ngòi bút phục vụ kháng chiến, cổ vũ chiến đấu là đòi hỏi, yêu cầu của thời đại, đồng thời cũng là tình cảm, ý thức tự giác của nhà văn. Văn học thời kì này tập trung vào đề tài Tổ quốc với hai vấn đề trọng đại là đấu tranh bảo vệ, thống nhất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực tế thì hai đề tài này không có sự tách bạch hoàn toàn mà gắn bó mật thiết với nhau trong sáng tác của từng tác giả, thậm chí có sự hòa quyện trong cùng một tác phẩm. Nhìn chung, hai đề tài này đã bao quát toàn bộ nền văn học giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975, làm nên diện mạo riêng của văn học giai đoạn này. Toàn bộ nền văn học đều tập trung khai thác mâu thuẫn xung đột giữa ta và địch đặt lợi ích của Tổ quốc, của toàn dân tộc lên trên hết. Nhân vật trung tâm trong những sáng tác thời kì này là người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang, dân quân, du kích, thanh niên xung phong,... Trung tâm chú ý của nhà văn là hình ảnh con người mới, là mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, giữa cá nhân và tập thể.

Nền văn học hướng về đại chúng. Đại chúng vừa là đối tượng hướng tới, vừa là nguồn cung cấp, bổ sung lực lượng sáng tác cho văn học. Cái nhìn về nhân dân của nhiều nhà văn cũng có nhiều thay đổi, hình thành ở họ một quan niệm về đất nước: đất nước là của nhân dân. Văn học Việt Nam thời kì này quan tâm đến đời sống của nhân dân lao động, những bất hạnh trong cuộc đời cũ, niềm vui sướng, tự hào về cuộc đời mới, khả năng cách mạng và phẩm chất anh hùng, xây dựng hình tượng quần chúng cách mạng,... Có thể nói, đó là một nền văn học có tính chất nhân dân sâu sắc và nội dung nhân đạo mới. Hướng về đại chúng nên phần lớn là những tác phẩm ngắn gọn, nội dung dễ hiểu, chủ đề rõ ràng, hình thức nghệ thuật quen thuộc, ngôn ngữ trong sáng, giản dị.

Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Đặc điểm này là hệ quả của hai đặc điểm trên. Khuynh hướng sử thi đòi hỏi nhà văn phải nhìn cuộc sống và con người bằng con mắt bao quát của lịch sử, dân tộc và thời đại. Với cái nhìn sử thi, nhà văn đã xây dựng thành công hình tượng con người đại diện cho tinh hoa và khí phách, phẩm chất và ý chí của toàn dân tộc. Tuy nhiên, văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975 vừa mang đậm tính sử thi vừa tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam trong những năm chiến tranh, dù có chồng chất khó khăn và hi sinh nhưng lòng vẫn tràn đầy mơ ước hướng tới tương lai. Cảm hứng lãng mạn chủ yếu được thể hiện trong việc khẳng định phương diện lí tưởng của cuộc sống mới và vẻ đẹp của con người mới, ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Khuynh hướng sử thi kết hợp với cảm hứng lãng mạn đã đem đến cho văn học giai đoạn này thấm nhuần tinh thần lạc quan, đồng thời đáp ứng yêu cầu phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng.

BÀI CÙNG NHÓM