M.Sô-lô-khôp là nhà văn Nga nổi tiếng. Năm 1925, tại quê nhà, ông bắt tay viết tiểu thuyết Sông Đông êm đềm và hoàn thành năm 1940. Cuốn tiểu thuyết này đã đưa ông lên đỉnh cao văn chương với Giải thưởng Nô-ben về Văn học năm 1965. Truyện ngắn Số phận con người (1957) đánh dấu bước phát triển mới của văn học Nga: tác phẩm mang lại một cách nhìn toàn diện, chân thực về con người và cuộc sống, về chiến tranh và về số phận con người trong và sau chiến tranh. Ngoài nhân chính của truyện là Xô-cô-lốp thì truyện còn có nhân vật Va-ni-a cũng bị chiến tranh thổi bạt.
Chú bé Va-ni-a chừng năm, sáu tuổi - trong con mắt của An-đrây Xô-cô-lốp thì thằng bé rách bươm xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu tóc rồi bù, nhưng cặp mắt - cứ như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm! Những chi tiết nghệ thuật được chọn lọc đã bộc lộ cả sự xót thương và lòng yêu mến của Xô-cô-lốp đối với chú bé. Chiến tranh đã cướp đi của em tất cả những người thân (bố chết ở mặt trận, mẹ chết, vì bom khi đi tàu hỏa), em cũng trở thành cô độc giữa cuộc đời, em lang thang, ai cho gì thì ăn nấy và bạ đâu thi ngủ đó. Em chưa thể tự làm để nuôi sống mình và cũng chưa thể ý thức được hết nỗi đau mất cha mẹ mà chiến tranh đã gây ra. Đối với em, chỉ có hai điều là ăn và ngủ. Tuổi của em là tuổi ăn, tuổi lớn nhưng em chẳng có một mái nhà che thân, không có một chiếc giường để ngủ. Hoàn cảnh của em đã cho thấy những nỗi bất hạnh của tuổi thơ không cha mẹ do chiến tranh gây ra.
Người lớn không thể không đau lòng khi đứa trẻ bị tước mất sự ngây thơ. Chính Xô-cô-lốp cảm thấy nhói đau trong tim vì tiếng thở dài của bé Va-ni-a:
Một con chim còn non nớt như thế mà đã học thở dài ư ? Đấy đâu phải việc của nó ? Lo nghĩ, thở dài, buồn bã là những việc của người lớn. Trẻ con phải luôn cười đùa, nhí nhảnh chứ sao lại thở dài? Điều đó đã làm anh hết sức xúc động và đi đến quyết định: Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được. Mình sẽ nhận nó làm con! Va-ni-a bộc lộ niềm hạnh phúc theo cách của trẻ thơ: hồn nhiên và mãnh liệt. Bé nhảy chồm lên cổ tôi hôn vào má, vào môi, vào trán và như chim chích, nó ríu rít líu lo vang rộn cả buồng lái. Thế là con chim non nớt ấy đã tìm lại được giọng hót của mình trong tình yêu thương Xô-cô-lốp dành cho. Hai trái tim cô đơn lạnh giá bất chợt ấm lên vì.được chụm lại bên nhau. Cả hai đều choáng váng: Nó áp sát vào người tôi, toàn thân cứ run lên như ngọn cỏ trước gió. Còn mắt tôi thì cứ mờ đi, cả người cũng run lên, hai bàn tay lẩy bẩy... Chính lòng nhân ái đã giúp cho trái tim những con người kia không bị chai sạn trước đau khổ mà êm dịu tình người, đã giúp họ vượt qua sự cô đơn.
Sô-cô-lốp đã đưa ra thêm một chi tiết nữa để chứng tỏ sự ngây thơ của bé Va-ni-a. Đấy là chi tiết về chiếc áo bành tô bằng da: Bố ơi, cái áo-bành tô bằng da của bố đâu rồi ? Một chi tiết lóe lên trong kí ức của đứa trẻ. Nó nhớ lại chiếc áo bành tô da mà cha đẻ nó từng mặc. Cái chi tiết quan trọng mà chú bé nhớ lại cũng hằn lên trong tâm trí chú như một thắc mắc. Đế giải đáp thắc mắc này thì anh phải đánh trống lảng. Anh cho rằng chưa phải lúc kể cho chú bé biết sự thật cay đắng, chưa nên làm u ám tâm hồn ngây thơ của bé Va-ni-a có cặp mắt xanh như da trời, long lanh như những ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm. Xô-cô-lốp đã nén nỗi đau riêng để đem lại niềm vui cho chú bé. Giờ đây, anh lại chịu đựng tất cả những gánh nặng mất mát để cho tâm hồn ngây thơ của bé Va-ni-a được thanh thản.
Hoàn cảnh của hai nhân vật thuộc hai lứa tuổi khác nhau bị đặt trong tư thế phải đương đầu với cuộc sống đời thường để phải sống, phải tồn tại, để tiếp tục duy trì sự sống không phải theo kiểu ăn bám hay dựa dẫm vào người khác mà là sống do hai bàn tay, khối óc của họ, bằng năng lực của chính bản thân họ, có tác dụng tố cáo sự tàn khốc và sức mạnh hủy diệt của chiến tranh đế quốc. Cả hai đã bị đặt vào một hoàn cảnh mà trong cuộc đời không một ai muốn gặp phải hoặc vướng vào.