Đề bài:
Phân tích đoạn thơ sau đây trong Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm:
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn năm lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu cho con mình tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi...
(Văn học 12, tập một, Nxb. Giáo dục, 2000, tr.250 - 251)
Gợi ý làm bài
Đoạn thơ được trích trong đề bài khá dài (35 dòng). Vì thế, để phân tích tốt, cần hiểu đúng nội dung của cả đoạn. Chỉ dừng lại phân tích sâu những chi tiết, hình ảnh tiêu biểu, mới lạ. Chú ý các điểm sau:
1. Đoạn thơ nhìn nhận đất nước từ bình diện lịch sử
Mỗi đoạn thơ trong bài Đất Nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có một góc nhìn riêng về đất nước. Có đoạn, tác giả nhìn từ bình diện địa lý, có đoạn lại nhìn từ bình diện văn hóa. Ở đây, nhà thơ nhìn từ bình diện lịch sử. Nhưng cần lưu ý rằng, sự phát ngôn bằng thơ không giống văn xuôi chính luận bao giờ cũng có sự rạch ròi. Trong cái nhìn về lịch sử vẫn hàm chứa cả văn hóa, địa lý và ngược lại:
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
...
Trong bốn nghìn năm lớp người giống ta lứa tuổi
Cho dù nhìn từ góc độ nào (lịch sử, văn hóa hay địa lý) cũng để hiểu biết nhiều hơn về đất nước, về nhân dân, Tổ quốc mình.
2. Ở góc độ lịch sử, nhà thơ cảm nhận được điều gì?
- Trước hết, đó là thời nào, thế hệ nào, người Việt Nam chúng ta cũng cần cù lao động, khi có giặc, dù ngoại xâm hay nội thù, thì ngoan cường chống giặc để gìn giữ đất nước:
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
- Suốt chiều dài lịch sử bốn nghìn năm của đất nước, bốn nghìn lớp người ấy đã làm tất cả không chỉ để tồn tại, hay chăm lo cho bản thân, thế mình. Họ lao động và chiến đấu để làm những điều cao cả, thiêng liêng hơn. Ấy là sự trường tồn của đất nước, là sự chăm lo cho thế hệ sau:
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu cho con mình tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
- Đó là cái nhìn rất bao quát, toàn diện. Trong cái nhìn ấy, nhà thơ còn phát hiện những “lạ lùng” làm nên bản sắc của dân tộc ta.
+ Đó là:
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Câu thơ: Người con gái trở về nuôi cái cùng con nêu lên một sự thật trong thực tế lịch sử nước ta, và cũng có thể là ở nhiều nước khác: Khi có chiến tranh, người đàn ông ra trận để lại những người mẹ, người vợ. Có điều, trong cách diễn đạt của nhà thơ, thực tế hiển nhiên ấy mang bộ mặt khác hẳn. Con cái cũng là con. Nhưng cái cùng con tạo ra cảm giác về sự chất chồng, nặng nhọc trên đôi vai người phụ nữ Việt Nam đã phải gánh chịu khi người đàn ông ra trận. Và, quả đúng như vậy. Làm sao có thể hình dung hết tất cả những nỗi khó nhọc, vất vả, đôi khi cả tủi nhục, mà biết bao người vợ trên đất nước đã phải gồnh gánh khi chồng ra trận? Đằng sau câu thơ là tấm lòng nhân hậu, sâu sắc trong cách nhìn đời của tác giả.
Đánh trận chưa bao giờ là công việc của phụ nữ. Nhưng trên đất nước Việt Nam, tình huống bất đắc dĩ đã diễn ra, thời nào cũng có. Người phụ nữ Việt Nam chẳng ai muốn như vậy, nhưng khi giặc đến nhà thì không ai dửng dưng để chúng giày xéo, cướp bóc. Vả lại, đó còn là Tổ quốc, là tấm lòng đối với quê hương, đất nước. Tình yêu nước nào phải độc quyền của ai. Lịch sử vô tình và khắc nghiệt đã tạo nên một truyền thống anh hùng của người phụ nữ Việt Nam.
+ Đó là: Trong các cuộc chiến tranh giữ nước, có biết bao người anh hùng lưu danh sử sách (cả anh và em đều nhớ). Song, có điều mà mọi người không thể nào quên được:
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn năm lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
là bên cạnh những anh hùng hữu danh, có biết bao người con gái, con trai đã cùng làm ra Đất Nước. Chúng ta nhớ, chúng ta biết những người anh hùng hữu danh, nhưng chúng ta phải biết để có một đất nước vẹn tròn, to lớn là mồ hôi, nước mắt, kể cả xương máu của hàng vạn, hàng triệu thế hệ đã qua. Sống và chết đều giản dị và bình tâm nghĩa là không bao giờ so đo, tính toán thiệt hơn cho những gì thiêng liêng, cao quý.
3. Hình tượng đất nước vẹn tròn:
- Khi cảm nhận về đất nước từ bình diện lịch sử, nhà thơ dựng lên một hình tượng về đất nước vẹn tròn, một đất nước trong khát vọng của những thế hệ đã qua:
Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Đó là Đất Nước của Nhân dân, trong nghĩa nhân dân tạo dựng ra đất nước và tất cả những gì có được trên đất nước này đều của nhân dân. Tư tưởng ấy không hoàn toàn mới, nhưng hình thức diễn đạt của nó khiến người ta xúc động và cảm nhận sâu sắc hơn.
- Khi trở về với Đất Nước của Nhân dân, nhà thơ tìm một hình tượng tương đương: Đất Nước của ca dao thần thoại. Vì sao lại có thể suy luận được như vậy? Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa của nhân dân, do nhân dân sáng tạo ra. Trong nền văn hóa ấy, ca dao thần thoại luôn chứa đựng cả lịch sử, văn hóa, xã hội của đất nước, đặc biệt là đời sống tâm hồn của nhân dân. Nhà thơ nói Đất Nước của ca dao thần thoại là theo nghĩa ấy. Và chọn ba câu ca dao để minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn Việt Nam:
+ Câu thứ nhất: Yêu em từ thuở trong nôi / Em nằm em khóc anh ngồi anh ru nói về một tình yêu say đắm, thiết tha.
+ Câu thứ hai: Cầm vàng mà lội qua sông / Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng nói về sự quý trọng tình nghĩa.
+ Câu thứ ba: Thù này ắt hẳn còn lâu / Trồng tre nên gậy gặp đâu đánh què nói đến tính cách quyết liệt, không khoan nhượng với kẻ thù.
4. Khúc hát ngợi ca và thức tỉnh:
- Bốn câu thơ cuối ngân lên như một khúc hát ngợi ca đất nước, vừa kết đọng được vẻ đẹp của Tổ quốc, vừa là lời nhắc nhở, nhắn gửi:
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi...
Tất cả những dòng sông trên đất nước ta bắt nguồn từ đâu không rõ (hai dòng sông lớn nhất: sông Hồng và Mê Kông đều bắt nguồn từ nước ngoài) nhưng có điều lạ là về đến Đất Nước mình thì bắt lên câu hát. Nhà thơ nêu ra như một hiện tượng lạ lùng, song thực ra trong câu thơ đã có sự trả lời: Chính trên xứ sở này, dòng sông mới mang bóng dáng con người, mới trở thành một giá trị mới. Và, con người, nào có khác gì đâu. Quê hương, đất nước đã cho ta tất cả (Quê hương, nếu ai không nhớ / Sẽ không lớn nổi thành người - thơ Đỗ Trung Quân).
- Không riêng ở đoạn thơ này, nhiều đoạn thơ khác trong trường ca Mặt đường khát vọng, hình ảnh dòng sông luôn được Nguyễn Khoa Điềm láy đi láy lại. Dòng sông trở thành nơi soi bóng lịch sử ông cha, cũng là nơi mỗi khi soi xuống, con người nhìn lại mình và thức tỉnh.