Phân tích nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn Một người Hà Nội của Nguyễn Khải

Nguyễn Khải là một trong những cây bút hàng đầu của văn xuôi Việt Nam thời kì từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đếp hết thế kỉ XX. Văn ông nổi bật ở khả năng phát hiện vấn đề, phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo. Bước sang thời kì đổi mới, cái nhìn nghệ thuật của Nguyễn Khải là một cái nhìn đầy trăn trở, suy nghiệm, cảm nhận hiện thực xồ bồ, hối hả, đầy biến động đổi thay nhưng cũng đầy hương sắc, chuyển mạnh từ hướng ngoại sang hướng nội, lấy việc khám phá con người là trung tâm. Nhà văn nhìn con người trong mối quan hệ chặt chẽ với lịch sử, với quá khứ dân tộc, với quan hệ gia đình và tiếp nối thế hệ, để rồi cuối cùng bao giờ cũng khẳng định, ngợi ca những giá trị nhân văn cao đẹp của cuộc sống và con người hôm nay. Một người Hà Nội là một trong mười truyện ngắn của tập Hà Nội trong mắt tôi, là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khải ở giai đoạn sáng tác gắn với công cuộc đổi mới của đất nước, trong đó có đổi mới văn chương. Nhân vật trung tâm của truyện ngắn là bà Hiền, một người Hà Nội bình thường. Cũng như những người Hà Nội bình thường khác, bà cùng Hà Nội, cùng đất nước trải qua nhiều biến động, thăng trầm của cuộc đời nhưng vẫn giữ được cái cốt cách người Hà Nội, cái bản lĩnh văn hóa của người Hà Nội.

Bà Hiền sống thẳng thắn, chân thành, không giấu giếm quan điểm, thái độ của mình với mọi hiện tượng xung quanh. Trước niềm vui kháng chiến thắng lợi, miền Bắc bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, bà nhận xét: Vui hơn nhiều, nói cũng hơi nhiều. Theo bà, chính phủ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục vào buổi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công xá cho kẻ ăn người ở,... Bà Hiền ứng xử có bản lĩnh trước những thay đổi diễn ra trong xã hội, luôn luôn dám là mình, thẳng thắn, chân thành đồng thời cũng rất khéo léo và thông minh.

Trong cuộc sống, những suy nghĩ của bà Hiền cũng rất thực tế vì bà là người biết nhìn xa trông rộng. Thời son trẻ, bà giao du với đủ loại thanh niên con nhà giàu, nghệ sĩ văn nhân, nhưng khi phải làm vợ làm mẹ thì bà lại chọn bạn trăm năm là một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, khiến cả Hà Nội phải kinh ngạc bởi người ta nghĩ theo lẽ thường còn bà lại vượt qua cái lẽ thường ấy. Bà không ham danh lợi, sự lựa chọn của bà chứng tỏ mình là người nghiêm túc, không chạy theo những tình cảm viển vông. Bà có một thái độ nghiêm túc với hôn nhân, đã đặt trách nhiệm làm vợ, làm mẹ lên trên mọi những thú vui khác và ông giáo là người thích hợp trong quan niệm của bà về hạnh phúc gia đình. Hơn nữa, sự lựa chọn này của cũng thể hiện tầm nhìn xa của bà Hiền: bà đã chọn người chồng chuẩn mực trong đạo đức để xây dựng nền tảng gia đình và bà còn có ý thức với thế hệ con cháu sau này sẽ có một người cha có đạo đức chuẩn mực. Sau khi lấy chồng, bà sinh năm đứa con, đến đứa con gái út, bà nói với chồng: Từ nay là chấm dứt chuyện sinh đẻ, bốn mươi tuổi rồi, nếu ông và tôi sống được đến sáu chục thì con út đã hai mươi, có thể tự lập được, khỏi phải sống bám vào anh chị. Đây cũng chính là một quyết định khác người vào thời điểm đó vì thời đó người ta quan niệm trời sinh voi sinh cỏ, đẻ càng nhiều càng ít. Bà Hiền không tin vào điều đó mà điều bà quan tâm ở đây là những đứa con phải được nuôi dạy chu đáo để chúng có thể sống tự lập được. Trách nhiệm của cha mẹ không chỉ là sinh con mà quan trọng hơn là phải cho con một nhân cách, chuẩn bị cho con một tương lai không bị phụ thuộc. Tình yêu con của bà Hiền là một tình yêu sáng suốt của một con người giàu lòng tự trọng, biết nhìn xa trông rộng. Trong việc quản lí gia đình, bà luôn là người chủ động, tự tin và luôn luôn hiểu rõ vai trò của người phụ nữ trong gia đình: Người đàn bà không là nội tướng thì cái gia đình ấy cũng chả ra sao. Bà đã nói lên quan điểm về bình đẳng nam nữ và điều đó xuất phát từ thiên chức của người phụ nữ, rất đơn giản và cũng rất tự nhiên.

Nét chuẩn trong suy nghĩ của bà Hiền là lòng tự trọng, vì quan niệm của bà rất rõ ràng. Vì thế, bà luôn đề cao lòng tự trọng và coi đó là nguyên tắc hành xử cao nhất của’' mỗi con người. Lòng tự trọng không cho phép sống tùy tiện, buông tuồng nên bà bảo ban, dạy dỗ con cháu cách sống làm một người Hà Nội lịch sự, tế nhị, hào hoa, biết giữ gìn phẩm chất, giá trị của người Hà Nội. Bà dạy từ những việc làm nhỏ nhất như khi ngồi ăn, bà thường chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát đũa, cách múc canh, cả cách nói chuyện trong bữa ăn đến cái lớn nhất là quan niệm sống, lẽ sống: Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng nói năng phải có chuẩn, không được sống tùy tiện, buông tuồng [...]. Tao chỉ dạy chúng nó biết tự trọng, biết xấu hổ... Bà luôn giữ gìn những nét đặc trưng trọng lối sống của người Hà Nội, biểu lộ phong thái lịch lãm, sang trọng của người Hà thành. Bà luôn ý thức các con là những người dân của thủ đô - mảnh đất ngàn năm văn hiến, lối dạy bảo ấy là một lối dạy của một bà mẹ rất tinh tế, khôn ngoan và thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu cuộc sống. Hơn nữa, lòng tự trọng cũng không cho phép người ta sống hèn nhát, ích kỉ. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, bà vô cùng thương con, lo lắng cho con nhưng sẵn sàng cho con ra trận như những thanh niên khác và mình cũng được vui buồn lo âu như những bà mẹ Việt Nam khác. Trước việc đứa con đầu lòng tình nguyện xin đi đánh Mĩ, cô nói: Tao đau đớn mà bằng lòng, vì tao không muốn nó sống bám vào sự hi sinh của bạn. Nó dám đi cũng là tự biết tự trọng. Điều này thể hiện sự dằng xé âm thầm giữa tình yêu con và tình yêu nước, giữa sự lo âu và ý thức về danh dự của một con người. Bà không muốn con mình gặp nguy hiểm, gian khổ nhưng bà cũng không muốn con mình sống trong đớn hèn và nhục nhã. Bà Hiền luôn luôn tôn trọng danh dự của con nên đã đồng ý cho con đi chiến đấu. Bà không che dấu nỗi đau, không vờ vui vẻ, với bà đó là một quyết định khó khăn nhưng hợp lí. Ba năm sau, đứa em theo bước anh, cũng đòi vào chiến trường, bà bày tỏ thái độ của mình: Tao không khuyến khích, cũng không ngăn cản, ngăn cản tức là bảo nó tìm đường sống đễ các bạn nó phải chết, cũng là một cách giết chết nó... Tao cũng muốn được sống bình đẳng với các bà mẹ khác, hoặc sống cả hoặc chết cả, vui vẻ thì có hay hớm gì. Đây là những suy nghĩ hết sức bình dị song lại thấm đượm đạo lí sâu sắc: một khi con người có lòng tự trọng thì sẽ có lòng yêu nước, sẽ có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Vì thế, suv nghĩ của bà Hiền cũng là suy nghĩ của một con người thiết tha, yêu nước,...

Là một con người, bà Hiền luôn giữ gìn phẩm giá, nhân cách; còn khi là một người công dân, bà chỉ làm những gì có lợi cho àất nước, vì vận mệnh sống còn của đất nước. Mặc dù có bộ mặt rất tư sản, cách sống rất tư sản, nhưng bà Hiền không phải học tập, cải tạo vì bà không bóc lột ai cả. Bà mở cửa hàng bán dồ lưu niệm và tự tay làm ra sản phẩm: Hoa làm rất đẹp, bán rất đắt ... chỉ có một minh cô làm, các cm thì chạy mua vật liệu ... Bà không đồng ý cho mua máy in và thuê thợ làm vì muôn góp phần vào việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ để nhanh chóng khôi phục đất nước sau chiến tranh. Điều này xuất phát từ ý tưởng cao đẹp xây dựng một xã hội nhân ái, không có cảnh người bóc lột người, chế độ mới chỉ trân trọng sự lao động sáng tạo của từng người, không chấp nhận hiện tượng ông chủ và kẻ làm thuê, vì thế sau hòa bình lập lại ở miền Bắc mới có chính sách cải tạo tư sản.

Bà là một người rất yêu Hà Nội và luôn tự hào về Hà Nội, thiết tha với những công việc bảo tồn, nuôi dưỡng những nét văn hóa của Hà Nội trong cuộc sống hiện đại hôm nay. Bà luôn tin tưởng Hà Nội thời nào nó cũng dẹp - một niềm tin của một con người yêu nước với một ý thức tự trọng cao, làm cho nhân vật tôi phải thốt lên: Bà già vẫn giỏi quá, bà khiêm tốn và rộng lượng quá. Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi xuống chìm sâu vào lớp đất cỏ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng! Câu nói này của nhân vật tôi thể hiện một tình yêu sâu nặng, một niềm ngưỡng mộ thiết tha đối với văn hóa kinh kì - Hà Nội. Đã có bao lớp người Hà Nội kiến tạo, lưu truyền, bồi đắp cho nét đẹp thủ đô. Hà Nội đang phát triển, giàu sang và hiện đại hơn thì liệu những cái đẹp xưa có được bảo tồn ? Trong lời người kế chuyện vừa có niềm lo âu, tiếc nuối lại vừa chan chứa cảm giác tin tưởng, tự hào. Ở đây, tác giả đã gọi bà Hiền là hạt bụi vàng của Hà Nội vì khi nói đến hạt bụi là người ta nghĩ đến một vật rất nhỏ bé, tầm thường, ít ai nhận thấy, chẳng có giá trị gì. Có điều, nếu là hạt bụi vàng thì dù rất nhỏ bé nhưng lại mang giá trị quý báu, bao nhiêu hạt bụi vàng hợp lại thành ánh vàng chói sáng. Bà Hiền là một người Hà Nội bình thường, vô danh, nhưng ở bà thấm sâu những cái tinh hoa trong bản chất người Hà Nội. Những người Hà Nội như bà đã là những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội, tất cả đang bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng. Ánh vàng ấy là phẩm giá người Hà Nội, là cái truyền thống, cốt cách người Hà Nội - Hà Nội linh thiêng và hào hoa, Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Đúng như Nguyễn Khải từng nói: nếp sống tốt đẹp của cha ông vẫn lặng lẽ chảy trong cuộc sống ồ ạt của hiện tại. Hà Nội không chỉ tồn tại trong vẻ đẹp vàng son của quá khứ mà thời nào nó cũng đẹp. Hiện lên đó là hình ảnh bà Hiền - gợi lên những vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của người Hà Nội. Qua suy nghĩ và việc làm của bà Hiền, ta thấy nổi lên hình ảnh một con người Hà Nội bình thường nhưng rất đáng trân trọng, nổi lên bản lĩnh của một con người song hành cùng chặng đường dài, những biến động lớn lao của đất nước, mà nói như Nguyễn Khải, bà Hiền là một hạt bụi vàng của đất kinh kì, góp phần làm đẹp thêm bản sắc văn hóa chung của cộng đồng. Nhân vật bà Hiền là một người Hà Nội bình thường nhưng cách sống của bà lại rất giản dị, tự nhiên, đó là một lối sống đẹp, có chiều sâu văn hóa, có sự trải nghiệm, có nguyên tắc mà không cứng nhắc, biết dung hòa trong những hoàn cảnh cụ thể. Ngoài ra, bà còn có một tâm hồn, một nhân cách cao đẹp, biết nhìn xa trông rộng, hiểu mình, hiểu người.

BÀI CÙNG NHÓM