Bình giảng bài thơ Chiều tối (Mộ) trong Nhật kí trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm rõ chất thép, vẻ đẹp cổ điển, vẻ đẹp hiện đại, tấm lòng nhân đạo bao la của Người

p>A. DÀN BÀI

1. Mở bài

Hồ Chí Minh (1890-1990) là “vị anh hùng giải phóng dân tộc của Việt Nam và là một nhà văn hóa lớn”. Chỉ xét riêng về sự nghiệp văn chương, Người xứng đáng là nhà văn, nhà thơ lớn của nước ta. Trong những chuỗi ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943), Người đã sáng tác tập thơ Nhật kí trong tù gồm 133 bài. Trong tập thơ vô giá ấy có bài Chiều tối (Mộ) rất đặc sắc.

2. Thân bài

a. Bức tranh thiên nhiên chiều tối

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

- Thời gian là chiều tối (Bác chỉ nói ở tựa đề, không nói lại trong bài thơ).

- Không gian rất vắng vẻ, bao la. Đặc biệt chỉ nhìn một cánh chim đang bay, Bác lại thấu hiểu được uchim mỏi” (quyện điểu). Hơn thế nữa, Bác còn khẳng định chim sẽ uvề rừng tìm chốn ngủ” (quy lâm tầm túc phụ). Phải là con người vô cùng thương yêu loài vật, hiểu nhiều về loài vật mới có được sự cảm nhận tinh tế như vậy. Rõ ràng Hồ Chí Minh có một tấm lòng nhân đạo bao la.

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

- Câu thơ lại mở rộng một không gian khoáng đãng, bát ngát.

- Chỉ vài nét chấm phá đơn sơ: một cánh chim, một chùm mây, núi rừng và bầu trời, Hồ Chí Minh đã vẽ được một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mang màu sắc cổ điển phương Đông. Bác dùng hình ảnh ước lệ uchim mỏi về rừng” để nói đến hoàng hôn. Bác lấy điểm để tả diện - tả uchòm mây lẻ” để gợi cái vô cùng của bầu trời. Bác lấy chuyển động để nói sự ngừng nghỉ. Bác lấy không gian để tả thời gian.

- Trong chiều sâu của ý thơ còn uhé mở” cho ta nhìn thấy một thoáng ước mơ thầm kín về một mái nhà ấm, một chỗ dừng chân trên con đường dài muôn dặm của Hồ Chí Minh.

c. Bức tranh thiên nhiên của con người

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đă rực hồng.

- Nghệ thuật điệp ngữ liên hoàn; lối đảo ngược khéo léo ‘ ma bao túc, bao túc ma hoàn” và câu thơ “xay hết lò than đã rực hồng”.

- Vẻ đẹp hiện đại của bài thơ: sự chuyển đổi bất ngờ của mạch thơ đã xua đi cái lạnh lẽo, cái lẻ loi, cái tĩnh mịch, cái buồn bã của chiều tối vùng sơn cước.

- Chất thép: dù trong nghịch cảnh nhưng Bác vẫn lạc quan, yêu cảnh, yêu người, thi hứng nồng nàn (vì thi hứng bốc cao nên bài thơ Chiều tối mới ra đời).

- Tấm lòng nhân đạo bao la, nhân đạo đến quên mình:

+ Mọi vui buồn của Hồ Chí Minh đều gắn bó với vui buồn của dân tộc và nhân loại chứ không phụ thuộc cảnh ngộ của riêng mình.

+ Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng về con người để cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ với cuộc sống vất vả của con người, cụ thể là người lao động (cô gái xay ngô) trong bức tranh thơ này.

3. Kết bài

Bài thơ Chiều tối đã thể hiện một bước tổng hợp mới của thi ca Việt Nam hiện đại. Bài thơ có sự kết hợp một cách nhuần nhị vẻ đẹp cổ điển và hiện đại, chất thép và chất trữ tình, lãng mạn và hiện thực, trữ tình và tự sự cũng như sự hòa hợp giữa con người chiến sĩ và thi sĩ.

B. BÀI LÀM

Năm 1990, nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Ch Minh (1890-1990) Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã ghi nhận và suy tôn Người là “vị anh hùng giải phóng dân tộc và là một nhà văn hóa lớn”. Chỉ xét riêng về sự nghiệp văn chương, Người xứng đáng là nhà văn, nhà thơ lớn của nước ta. Trong những ngày bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam (từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943), Người đã sáng tác tập thơ Nhật kí trong tù gồm 133 bài. Trong tập thơ ấy có bài Chiều tối (Mộ) rất đặc sắc:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không,

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Chỉ vài nét chấm phá, Hồ Chí Minh đã vẽ được một bức tranh tả cảnh chiều tối mênh mông mà đầm ấm.

Câu khai và câu thừa là bức tranh thiên nhiên chiều tối:

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ.

Ở đây, thời gian là chiều tối (Bác chỉ nói ở tựa đề, không nói lại trong bài thơ). Còn không gian thì rất vắng vẻ, bao la. Hình ảnh cánh chim mỏi xuất hiện trong thơ Bác tuy quen thuộc, tuy có chút buồn nhưng không bơ vơ, lạc lõng mà ấm áp vì chim uvề rừng tìm cây ngủ” - chim bay về tổ. Đặc biệt, chỉ nhìn một cách chim đang bay, Bác lại thấu hiểu được “chim mỏi” (quyện điểu). Hơn nữa, Bác còn khẳng định chim sẽ “về rừng tìm cây ngủ” (quy lâm tầm túc phụ). Phải là con người vô cùng thương yêu loài vật, hiểu nhiều về loài vật mới có sự cảm nhận tinh tế như vậy. Rõ ràng Hồ Chí Minh có một tấm lòng nhân đạo bao la.

Ở câu sau, cảnh lại buồn hơn:

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

“Cô vân” là chòm mây lẻ, chòm mây đơn độc. Cụm từ này gợi cảm giác buồn bã, cô liêu. Nhưng liền sau đó, Bác viết “mạn mạn” (lững lờ) và “độ thiên không” (trên tầng không) thì câu thơ lại mở rộng một không gian thoáng đãng, bát ngát.

Như vậy, ở hai câu đầu, chỉ vài nét chấm phá đơn sơ: một cánh chim, một chòm mây, núi rừng và bầu trời Hồ Chí Minh đã vẽ được một bức tranh tuyệt đẹp mang màu sắc cổ điển phương Đông. Bác dùng hình ảnh ước lệ “chim mỏi về rừng” để nói đến hoàng hôn. Bác lấy điểm để tả diện - tả “chòm mây lẻ” để gợi cái vô cùng của bầu trời. Bác lấy chuyển động để nói sự ngừng nghỉ. Bác lấy không gian để tả thời gian. Thật điêu luyện làm sao! Thật tài hoa làm sao! Bên cạnh đó, cảnh chiều tối trên bức tranh thơ như đượm một nỗi buồn hắt hiu, gợi đến cho chúng ta cảnh tù nhân bị giải đi giải lại, bóng chiều đã buông xuống nhưng chưa được dừng chân. Dường như, trong chiều sâu của ý thơ còn “hé mở cho ta nhìn thấy một thoáng ước mơ thầm kín về một mái nhà ấm, một chỗ dừng chân trên con đường dài muôn dặm” của Hồ Chí Minh.

Nếu như câu khai, câu thừa là bức tranh thiên nhiên chiều tối, thì câu chuyển và câu hợp là bức tranh sinh hoạt của con người. Cảnh chiều tối bất ngờ rực sáng, ấm áp bởi những hình ảnh của cuộc sống đời thường:

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Trên bức tranh thơ hiện lên hình ảnh cô thiếu nữ thôn quê đang lao động hăng say, cần mẫn. Nghệ thuật điệp ngữ liên hoàn và lối đảo ngược khéo léo “ma bao túc, bao túc ma hoàn” ở cuối câu ba và bốn đã thể hiện được vòng quay đều đặn của một chiếc cối xay, gợi nên nhịp điệu cuộc sông êm đềm, mộc mạc nơi rừng núi âm u, tĩnh mịch. Chính vì thế mà chất thơ trở nên độc đáo - chất thơ của nhựa sống vần vật, khỏe khoắn, trẻ trung. Đặc biệt, ulò than rực hồng” là hình ảnh thi vị, yên vui, ấm cúng, tươi sáng, lan tỏa. Do đó câu thơ uxay hết lò than đã rực hồng” vừa xinh xắn, vừa gợi cảm. Đồng thời câu thơ này đã miêu tả được cảnh trời đã tối hẳn. Như vậy, Hồ Chí Minh đã lấy ánh sáng để nói tới (Nguyên tác không nói tối mà diễn tả được cảnh trời tối). Nghệ thuật tả cảnh của Bác thật tinh tế.

Mặt khác, sự chuyển đổi bất ngờ của mạch thơ: từ tĩnh sang động, từ tối sang sáng, từ thiên nhiên sang con người, từ buồn vắng sang ấm áp, nhất là màu sắc và ánh sáng của lò than rực hồng kết thúc bài thơ đã xua đi cái lạnh lẽo, cái lẻ loi, cái tĩnh mịch, cái buồn bã của chiều tối vùng sơn cước. Đây là cái mô típ thường gặp trong thơ của Hồ Chí Minh, bởi lẽ tư tưởng và hình tượng luôn vận động để hướng đến sự sống và đón lấy ánh sáng, chớp lấy tương lai. Vẻ đẹp hiện đại của bài thơ cũng là ở đó.

Hơn nữa, bức tranh thơ trên đây còn giúp chúng ta hiểu nhiều thêm về tấm lòng, tình cảm, nghị lực của Hồ Chí Minh. Mặc dù utay bị trói giật cánh khuỷu, cổ mang vòng xích”, biết trước rằng phút chốc nữa đây sẽ bị giam vào trong xà lim bẩn thỉu, lúc ngủ chẳng được cởi trói nhưng Bác vẫn lạc quan, yêu cảnh, yêu người, thi hứng nồng nàn (vì thi hứng bốc cao nên bài thơ Chiều tối mới được ra đời). Đó chính là nghị lực phi thường của người chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh - “một tấm gương tuyệt vời về người cộng sản”. Đó chính là chất thép trong bài Chiếu tối nói riêng cũng như thơ của Hồ Chí Minh nói chung: “Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép, mới có tinh thần thép”. Bên cạnh đó chúng ta còn thấy Hồ Chí Minh có một tấm lòng nhân đạo bao la, nhân đạo đến quên mình. Mọi vui buồn của Người đều gắn bó với vui buồn của dân tộc và nhân loại chứ không phụ thuộc cảnh ngộ của riêng mình. Vả lại, bậc đại nhân ấy bao giờ cũng hướng về con người để cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ với cuộc sống vất vả của con người, cụ thể là người lao động (cô gái xay ngô) trong bức tranh thơ này. Sự giản dị đời thường ấy không làm đi vẻ đẹp kì vĩ của Hồ Chí Minh, mà trái lại cho ta hiểu rõ hơn sự đa dạng trong phong cách và tâm hồn của Bác kính yêu. Và nó chứng tỏ “trái tim của nhà cách mạng vẫn đập theo những nhịp của con người bình thường, gần gũi với mọi người”.

Tóm lại, Chiều tối của Hồ Chí Minh là một bài thơ vượt thời gian. Cùng với Đêm lạnh, Hoàng hôn, nếu đặt Chiều tối lẫn vào trong những tập thơ của những thi nhân đời Đường, đời Tống thì cũng khó mà phân biệt được. Bài thơ Chiều tối đâ thể hiện một bước tổng hợp mới của thi ca Việt Nam hiện đại. Bài thơ có sự kết hợp một cách nhuần nhị vẻ đẹp cổ điển và hiện dại, chất thép và chất trữ tình, lãng mạn và hiện thực, trữ tình và tự sự cũng như sự hòa hợp giữa con người chiến sĩ và thi sĩ.

BÀI CÙNG NHÓM