Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài. Ở lĩnh vực nào của nghệ thuật văn, thơ, nhạc, kịch, ông cũng đều có những tác phẩm vang dội. Trong thi ca, bài “Đất nước” rất được bạn đọc mến mộ, đã từng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường ngót nửa thế kỉ nay.
Phần đầu là tâm trạng của thi nhân khi đứng giữa chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ một buổi “sáng mát trong” tác giả nhớ “những ngày thu đã xa” ở Thủ đô:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
Hà Nội hiện lẻn rất đẹp và cũng phảng phất buồn. Một thoáng “hơi may” lan toả mà đã thấm vào tận từng mái nhà, góc phố, từng hàng cây bờ hồ và cả trong hồn người. Nhạc điệu trầm lắng, lơ lửng làm cho thi phẩm càng thêm gợi cảm.
Ở đây có câu thơ xuất thần:
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Có hai cách ngắt nhịp khác hẳn nhau:
Sau lưng thềm/nắng lá/rơi đầy
Sau lưng/thềm nắng/lá rơi đầy
Ngắt theo cách thứ nhất thì tạo nên một vẻ đẹp kì lạ (nắng và lá cùng rơi); ngắt theo cách thứ hai thì tạo nên một vẻ đẹp giản dị (chỉ có lá rơi đầy trên thềm nắng).
Tùy thị hiếu nghệ thuật mà thích cách này hay cách kia. Những áng thơ hay thường gợi ra nhừng cách hiểu khác nhau mà vẫn có lí như thế.
Cảnh thu ở đây là những ngày trước cách mạng tháng Tám. “Người ra đi” là những chiến sĩ đang rời Hà Nội yêu dấu để lên chiến khu cách mạng.
Mùa thu nay ở Việt Bắc thì khác hẳn:
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha
Nhạc điệu thơ thay đổi: những câu thơ ngắn tạo nên một sự rộn ràng. Hình ảnh thơ trong trẻo, tươi sáng lạ thường. Có cảm tưởng như trời xanh hơn, cao hơn, âm thanh như cũng vang xa hơn.
Từ mùa thu mới, nhà thơ nghĩ về đất nước:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Điệp ngữ “của chúng ta” nói lên niềm tự hào của con người khi được làm chủ đất nước. Ai đã sống những năm dài dưới thời nô lệ mới hiểu hết nỗi đau xót, nhục nhã của người dân mất nước:
Giặc cướp hết non cao, biển rộng
Cướp cả tên nòi giống, tổ tiên
(Tố Hữu)
Mở rộng tầm mắt nhìn về tám hướng phương trời, nhà thơ sung sướng reo lên:
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Điệp ngữ “những”như muốn khẳng định rằng nói bao nhiêu, kể bao nhiêu cũng không hết cái đẹp, cái giàu của đất nước thân yêu, giang sơn gấm vóc nghìn đời do tổ tiên ông cha để lại.
Nhà thơ còn lắng nghe cả tiếng dội của lịch sử:
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
“Đất nước”tượng trưng cho sự bền vững. “Rì rầm” là âm thanh không vang dội nhưng kéo dài không dứt. Đó chỉ có thể là tiếng của cha ông từ ngàn xưa nhắc nhở con cháu hãy sống anh hùng, bất khuất.
Sang đoạn thơ thứ hai, tác giả cảm nhận về đất nước từ trong đau thương đứng lên chiến đấu và chiến thắng.
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Cánh đồng quê là hoán dụ để chỉ Tổ quốc. Cơ thể Tổ quốc đang chảy máu vì bom đạn quân thù. Câu thơ nói về nỗi đau vật chất. Câu tiếp theo nói về nỗi đau tinh thần. Bầu trời chiểu êm ả gợi lên một cuộc sống thanh bình. Vậy mà giặc đến, dây thép gai tua tủa nơi đồn bốt chúng đâm nát tất cả. Sự man rợ của kẻ thù đã đến tột đỉnh. Đọc câu thơ tưởng như được xem một đoạn phim quay chậm làm nổi rõ những đường nét và màu sắc tương phản, gây ấn tượng nhức nhối trong lòng độc giả.
Hai câu tiếp theo là tâm trạng người chiến sĩ:
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Hình ảnh đôi mắt người yêu như ngôi sao sáng trong trời đêm soi tỏ con đường cho anh đi tới. Tình cảm riêng chung đã hòa làm một trong anh. Trước đây, trong bài “Nhớ”, Nguyễn Đình Thi cũng đã gợi lên điều đó:
Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần.
Những khổ thơ tiếp theo ca ngợi đất nước đã đứng lên kháng chiến. Đoạn thơ có những yếu tố chính luận làm cho ngôn ngữ trở nên rắn chắc:
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà
Kẻ thù đang thất bại vì bị bao vây trong biển cả chiến tranh nhân dân. Và điều quan trọng nhất là chúng ta có những người anh hùng kiểu mới, “ người áo vải” đang gánh cả cuộc kháng chiến trên vai. Họ có ba phẩm chất cao cả: Một là bất khuất (Đã đứng lên thành những anh hùng), hai là có nhiều suy nghĩ sâu sắc (Trán cháy rực nghĩ trời đất mới) và ba là lạc quan cách mạng (Lòng ta bát ngát bình minh).
Mấy câu kết rất xuất sắc:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.
Theo lời tác giả thì đoạn này được viết dựa vào một cảnh thực mà anh đã thấy ở chiến dịch Điện Biện Phủ năm 1954: Trong tiếng đại bác dồn dập vang rền, chiến sĩ ta từ các chiến hào đầy bùn đỏ ào ạt xông lên như thác lũ đánh chiếm những cứ điểm cuối cùng của giặc.
Nhịp điệu thơ ngắn, dồn dập như bước chân của người anh hùng xung kích. Câu thơ cuối cùng đã phác hoạ ba tư thế tuyệt đẹp của chiến sĩ và cũng là tượng trưng cho dân tộc Việt Nam:
Rũ bùn: Vất bỏ quá khứ đau thương,
Đứmg dậy: Kiên quyết tiêu diệt kẻ thù,
Sáng loà: Chiến thắng huy hoàng.
Bài thơ đã tạo tác thành công một tượng đài hùng vĩ về đất nước ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thơ Nguyên Đình Thi mang một phong cách hiện đại: Kết hợp cảm xúc và chính luận, vận dụng cả những thủ pháp của điện ảnh để gây ấn tượng, nhịp thơ phóng khoáng, hình ảnh thơ gợi cảm.
“Đất nước” là thi phẩm mang dáng dấp của một bản hùng ca có sức lay động mạnh mẽ tâm hồn bạn đọc. Nó là bài thơ tuyệt tác của thi ca Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp viết về đề tài đất nước quê hương.