Có câu: Im lặng là vàng. Nhưng nhà thơ Tố Hữu lại viết: Khóc là nhục. Rên, hèn, Van, yếu đuối - Và dại khờ là những lũ người câm - Trên đường đi như những bóng thầm - Nhận đau khổ mà gởi vào im lặng. Theo em, mỗi nhận xét trên đúng trong trường hợp nào?

Vàng là một thứ quý trên thế gian, người ta vẫn nói: "quý như vàng". Câu nói "Im lặng là vàng" mang hàm ý khuyên mỗi người trong giao tiếp nên biết giữ im lặng, không nên tự bộc lộ mình hoặc can thiệp vào công việc của người khác, đó mới là khôn ngoan, chín chắn. Sự đúng đắn của quan điểm ấy chúng ta đã từng phân tích, thừa nhận, ca ngợi rất nhiều. Song điều đó có hoàn toàn chính xác? Liệu có phải khi nào im lặng cũng là đúng đắn, tốt đẹp?

Trong cuộc sống, bên cạnh những cái hay cái đúng còn có những quan điểm, lời nói, hành động... sai trái cần lên án, tố cáo. Trong cơ quan, công sở có những kẻ tham ô, hối lộ. Ngoài đường ngoài chợ, có những tên buôn lậu, cướp giật. Trong lớp học, có những hành động tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá... Lúc ấy, nếu im lặng tức là đã tiếp tay cho cái ác, cái sai trái hoành hành. Lúc ấy im lặng là vô trách nhiệm, hèn nhát.

Cũng có khi, trên đường có một cụ già đang run rẩy trước dòng người xuôi ngược, trong khi bạn đang lưỡng lự thì đã có một bạn khác nhanh chân hơn giúp cụ qua đường. Vậy là chỉ vì im lặng bạn đã lỡ mất cơ hội làm một việc tốt. Trong lớp học, thầy giáo đưa ra câu hỏi, bạn im lặng tức là đã đánh mất cơ hội để cất lên "tiếng nói của mình”, cơ hội để thể hiện, cơ hội để thử sức. Những cơ hội, thời cơ nếu ta để lỡ thì sẽ mất đi vĩnh viễn. Khi ấy, im lặng là dại dột, ấu trĩ.

Im lặng trong một cuộc thảo luận, tranh luận của tập thể để đi đến thống nhất một vấn đề chung còn nói lên con người bạn nó thiếu quan điểm biết nhường nào. Khi ấy, bạn rất dễ trở thành ba phải trong vô vàn những quan điểm, xu hướng.

Như vậy là trong cuộc sống, cần phải biết xác định hoàn cảnh để im lặng hoặc phá vỡ im lặng đúng thời điểm.

BÀI CÙNG NHÓM