Về một phương diện nghệ thuật mà anh (chị) cho là đặc sắc trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên

Thơ Chế Lan Viên có tính khái quát rất cao. Hiện thực trong thơ ông được đúc rút ở những chân lí cao cả. Chế Lan Viên tìm cách lí giải, cắt nghĩa hiện thực bằng một góc nhìn riêng biệt, sáng tạo qua những hình ảnh độc đáo, đặc sắc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái tôi người nghệ sĩ và cái ta chung của cuộc đời và sức liên tưởng, khái quát mạnh mẽ, đã giúp Chế Lan Viên sáng tạo ra những hình ảnh có giá trị thẩm mĩ sâu sắc. Khấc với các nghệ sĩ khác thường nhân danh cộng đồng, nhân danh cái ta chung để nói về đất nước, dân tộc, Chế Lan Viên trong Tiếng hát con tàu đã nhân danh chính cái tôi để nói về cái ta, đứng trên lập trường cá nhân để cắt nghĩa, lí giải mọi hiện thực đời sống. Thơ Chế Lan Viên bởi vậy vừa co yếu tố khách quan, vừa có yếu tố chủ quan của người nghệ sĩ. Những suy tưởng triết lí tưởng chừng khô khan, cứng nhắc đã được người nghệ sĩ lí giải một cách thông minh và tài hoa qua những sáng tạo hình ảnh của mình. Đọc thơ Chế Lan Viên, bên cạnh nội dung tư tưởng chính trị vãn thấy ngời sáng chất nghệ sĩ tinh tế, tài hoa.

Hình ảnh con tàu là một sáng tạo độc đáo của Chế Lan Viên, đó là biểu tượng cho khát vọng, niềm tin, mơ ước của người nghệ sĩ hướng tới cuộc đời mới của dân tộc với tình yêu sâu sắc, với sự hòa nhập nhiệt thành. Bao nhiêu câu thơ là bấy nhiêu khát vọng được thắp sáng.

Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội

Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga

Hình ảnh mái ngói đỏ chính là biểu trưng ẩn dụ cho sức vẫy gọi, sự ấm nóng của cuộc đời mới, của mảnh đất Tây Bắc - mảnh đất hứa trao gửi những vần thơ da diết cháy bỏng của nhà thơ. Cuộc sống cách mạng đầy giục giã, gọi mời, cuốn hút, đã thúc giục con người cống hiến, dấn thân, nhập cuộc.

Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng

Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào

“Mùa nhân dân” là một hình ảnh ẩn dụ gợi nhiều suy tư sâu xa. Sức sống của dân tộc đang được lớn lên trong hình ảnh đồng lúa chín rì rào. Cả đất trời như khoác thêm áo mới, sắc màu mới, hương vị mới. Nhân dân chính là ngọn nguồn của sáng tạo, trở về với Tây Bắc là trở về với cội nguồn thơ ca, nơi tỏa sức sống cho các tác phẩm.

Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa

Nay trở về, ta lấy lại vàng ta

Hình ảnh “ta lấy lại vàng ta” là hình ảnh tâm hồn người nghệ sĩ được tôi luyện với phẩm chất đẹp đẽ. Quá trình kháng chiến, đến với mảnh đất mới là quá trình tìm lại chất vàng mười trong tâm hồn mình, là quá trình ta đi tìm lại chính ta.

Lấy cả những cơn mơ!

Ai bảo con tàu không mộng tưởng

Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng

Lòng ta cũng như tàu ta cũng uống

Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân

Khổ thơ kết tràn ngập hình ảnh biểu trưng, lãng mạn, thể hiện ưởc mờ, khát vọng không ngừng cháy sáng của người nghệ sĩ. Câu thơ tràn đầy cảm hứng lãng mạn, chan chứa âm hưởng hào sảng, tin yêu. Hành trình trở về với nhân dân là hành trình tiếp nối không ngừng, lòng ta giống như con tàu luôn bừng cháy khát vọng, lí tưởng cao đẹp, kết tinh cao độ xúc cảm của người nghệ sĩ. Hình ảnh con người hòa nhập trong dòng chảy chung của cuộc đời, giữa cá nhân và cộng đồng cọ một sự giao thoa, đồng điệu. Đất nước trong mỗi con người và con người làm nên đất nước. Bài thơ kết lại trong niềm vui tưng bừng, trong nỗi hạnh phúc, hối hả, xốn xang, được thể hiện sinh động qua những sáng tạo hình ảnh độc đáo, thú vị, khẳng định tài năng sáng tạo, sức liên tưởng đầy trí tuệ, mạnh mẽ của người nghệ sĩ.

BÀI CÙNG NHÓM