Phân tích tình huống độc đáo của truyện Vợ nhặt của Kim Lân để từ đó làm nổi bật tâm lý và số phận các nhân vật, làm nổi bật giá trị nội dung của tác phẩm: hiện thực và nhân đạo

Sự sống nảy sinh trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy (Mùa lạc - Nguyễn Khải). Đó là dư âm vang sâu nhất trong tâm hồn độc giả chúng ta mỗi khi đọc tác phẩm Vợ nhặt, một thiên truyện ngắn đặc sắc với những tình huống độc đáo, hấp dẫn, mang đầy tinh thần nhân đạo cao cả, được rút từ tập truyện ngắn Con chó xấu xí (1962).

Trong nghệ thuật viết truyện ngắn, tìm ra được một tình huống truyện độc đáo là cực kỳ quan trọng. Tình huống thế nào đó nó sẽ làm bật nổi tất cả: từ không khí của truyện, đến số phận, tâm lý nhân vật, chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Vậy thế nào là tình huống?

Theo Nguyễn Minh Châu tình huống truyện như một khúc, một lát cắt của đời sống. Đó là một khoảnh khắc ngắn ngủi song lại giúp cho người đọc hình dung được diện mạo toàn thể của đời sống, ở truyện ngắn Vơ nhặt, cái khoảnh khắc vào truyện khá độc đáo. Nó bắt đầu thời điểm cái nạn đói tràn đến phản ánh nạn đói khủng khiếp năm 1945. ở đó nổi lên hai hình ảnh: con người năm đói và không gian năm đói. Con người thì hốc hác, u tối, xanh xám, dật dà như những bóng ma. Không gian thì ngổn ngang những xác chết, tiếng khóc, tiếng quạ kều gào lên từng hồi thê thiết, một bầu không khí tang tóc, thê lương bao trùm lên tất cả. Trong bối cảnh như vậy, một người như Tràng, một gã trai nghèo khổ, thô kệch, lại là dân ngụ cư, lâu nay ế vợ, ấy thế mà bỗng dưng nhặt được vợ chi nhờ có bốn bát bánh đúc, như người ta nhặt cái rơm cái rác bên đường. Cô dâu quần áo tả tơi, cái nón cũ nát đang cúi đầu theo Tràng về làm dâu và một đám cưới lạ lùng đầy xót thương đã diễn ra. Thật là một tình huống rất oái oăm éo le, rất nghịch cảnh mà có thật không biết đáng mừng hay đáng lo, đáng vui hay đáng buồn, đáng cười hay đáng khóc.

Tình huống ấy cũng đã tạo nên diễn biến, vận động tâm lý thật phức tạp, đa dạng và hấp dẫn: đi từ ngạc nhiên đến sự thật, từ xa lạ đến gần gũi, từ lo sợ đến hoà hợp, từ buồn tủi đến tươi vui, từ bóng tối đến ánh sáng.

Những người dân ngụ cư khi biết Tràng nhặt được vợ, những người dân ngụ cư cũng mừng cho anh mà cũng lo thay cho anh. Việc Tràng có vợ làm cho những khuôn mặt hốc hác vi đói cũng rạng rỡ hẳn lên. Xóm ngụ cư đói nghèo tăm tối đang bị đè nặng bởi nạn đói rùng rợn bỗng dưng có cái gì lạ lùng và tươi mát thổi vào. Sau niềm vui ấy là những tiếng thở dài ngao ngán lo thay cho Tràng không biết đôi vợ chồng trẻ ấy có nuôi nổi nhau qua nạn đói rùng rợn này không? Họ nhìn theo Tràng và bàn tán với nhau bằng những lời đầy ngạc nhiên.

Ngay đến Tràng, chú rể cũng lấy làm ngạc nhiên. Tràng thuộc tầng lớp của những người nghèo khổ, dưới đáy cùng của xã hội xóm ngụ cư, sống hiu quạnh cùng mẹ già trong cái xóm tồi tàn ở mé sông. Ngày xưa, kiếp ngụ cư tủi nhục trăm bề. Họ bị dân chính gốc khinh rẻ, không ai gả con gái cho, vì rằng như thế là vô phúc:

Trai làng ở goá còn đông

Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư?

Anh có một ngoại hình rất dễ gây ấn tượng cho người đọc. Hắn bước ngật ngưỡng trên con đường khẳng khiu, Hắn vừa đi, vừa tủm tỉm cười, hai con mắt nhỏ tí, quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ vừa lý thú, vừa dữ tợn... Trẻ con trêu đùa, Tràng ngửa mặt lên cười hềnh hệch cái áo nâu Tràng vắt sang một bến cánh tay, cái đầu trọc nhẵn chúi về phía trước. Là người lao động, nên đằng sau cái ngoại hình thô kệch ấy, vẫn tiềm ẩn những phẩm chất đáng quý. Tràng có một trái tim nhân hậu dễ đồng cảm với những người đang rơi vào cảnh khốn cùng. Khi gặp người đàn bà sắp chết đói, Tràng đã vỗ vào túi, khoe Rích bố cu - giàu tiền. Đằng sau câu nói bốc đồng ấy hình như ẩn chứa một niềm tự hào của con người giàu chữ tâm, sự chân tình và Tràng đã chiêu đãi một cách hào phóng, bằng một bữa tiệc bánh đúc. Thấy thị ăn một cách tội nghiệp, Tràng động lòng thương, bảo thị: Này, nói đùa chứ có về với tớ thì ra khiêng hàng lên xe rồi cùng về. Tràng nói đùa, mà thị theo về thật. Đùa mà hoá thật, khiến anh chợn nghĩ: Thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Nghĩ rồi bâng khuâng lo sợ. Nhưng Tràng tặc lưỡi: Chậc kệ. Thế là... Tràng dẫn người đàn bà lạ về làm vợ, để xây dựng gia đình, tiếp nối sự sống. Trên bờ vực thẳm của cái chết, họ tìm đến sự sống. Tràng vui sướng vì sự kiện to lớn, bất ngờ của đời anh. Anh đã có vợ, anh đang dẫn vợ về nhà. Đói, chết tràn lan, mình cũng đói, mẹ già cũng đói. Thế mà lại lấy vợ vào lúc này! Thật lạ lùng và thú vị. Có lúc anh cảm thấy ngượng ngập, lúng túng: Hắn định nói với thị một vài câu rõ tình tứ mà chẳng biết nói thế nào. Hắn cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa vào tay kia. Có lúc trong lòng hắn lại trào lên một tình cảm mới lạ, anh cảm thấy: một cái gì mới mẻ, lạ lắm... nó âm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng. Người phụ nữ đang theo anh về nhà từ một ngưòi xa lạ giờ đây trở nên gần gũi hơn. Anh như quên đi cảnh ngộ éo le của mình: Trong một lúc Tràng hình như quèn hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hàng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe dọa, quên cả những tháng ngày trước mắt. Trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên.

Còn khi về đến nhà thì anh lại cảm thấy ngượng ngập bởi hoàn cảnh chua xót của mình: Cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Đây là lúc anh phải đối diện với thực tại, với hoàn cảnh, với cuộc đời khắc nghiệt. Nhìn người phụ nữ đang ngồi trên chiếc giường của mình mà Tràng cứ ngờ ngợ như không phải thế: Ra hắn đã có vợ rồi ư? Câu hỏi này đã thể hiện tâm trạng ngạc nhiên đến ngỡ ngàng của người trong cuộc. Tràng không dám tin vào sự thật bởi tình huống diễn ra nhanh chóng quá, như là một giấc mơ.

Mãi đến khi bà cụ Tứ về nhà, Tràng mới tìm được một chỗ dựa tinh thần, anh hồi hộp theo dõi thái độ của mẹ, đến khi thấy mẹ bằng lòng thi Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Như vậy là từ tâm trạng ngạc nhiên đến sự thật, từ lạ lẫm đến gần gũi, từ lo sợ đến hoà hợp, từ buồn tủi đến tươi vui, từ xa lạ cấn thân mật rồi thành vợ chồng. Niềm hạnh phúc bình dị của người lao động nghèo khổ đã tìm đến với Tràng. Sáng hôm sau, Tràng thức dậy muộn, anh cảm thấy trong người êm ái, lửng lơ như người từ trong giấc mơ đi ra. Anh chợt nhận ra xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng. Tất cả đang thay đổi cùng với cuộc đời anh. Chỉ mới hôm qua thôi, hạnh phúc vẫn như trong mơ mà giờ đây đã trở thành hiện thực. Người vợ mà anh nhặt được cũng trở nên hiền lành, đúng mực. Một tình cảm yêu thương dâng lên bên trong lòng Tràng: Bỗng nhiên, hắn cảm thấy hắn thương yêu gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình, hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy.... một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Trước đây anh không hề để ý tới lá cờ đỏ sao vàng và đoàn người đi phá kho thóc Nhật, giờ đây hình ảnh ấy bám riết lấy tâm trí anh trong óc Tràng vẫn thấy đám người đối và lá cờ đỏ bay phấp phới và tự dưng hắn thấy ân hận, tiếc rẻ, vẩn vơ khó hiểu. Đây có thể nói là sự nhận thức tất yếu từ bóng tối đến ánh sáng, bước đầu giác ngộ lý tưởng cách mạng, lý tưởng tự do của Đảng trong anh.

Xưa nay hôn nhân là một việc đại sự như dân gian vẫn thường nói:

Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà

Cả ba việc ấy thực là khó thay.

Con gái lấy chồng giàu nghèo cũng phải có cưới xin tử tế. Nhưng không, tủi nhục thay cho thân phận người đàn bà vợ nhặt, vợ theo không, chẳng cưới hỏi gì. Đó là vợ Tràng, bởi ngay cả cái tên thị cũng không có. Thị trở thành vợ Tràng như một trò đùa. Lần đầu thị làm quen Tràng bởi câu hò chơi cho đỡ nhọc của Tràng và những lời trêu ghẹo của bạn bè thì thị ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng rồi liếc mắt cười tít. Thị đang mong chờ một cái gì đó dù chỉ là mong manh cho tương lai tăm tối của mình. Lần thứ hai gặp lại, ngay đến chính Tràng cùng không nhận ra thị nữa vì thị rách quá, quần áo tả tơi... gầy sọp hẳn đi. Thị sà xuống cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc chẳng chuyện trò gì, cái đói đã đẩy lùi sĩ diện, nhân cách. Và thị đã không băn khoăn theo Tràng về làm vợ chỉ với một ý nghĩ cho khỏi đói, để sống cái đã. Xưa nay, trong truyền thống đạo lý Việt Nam, chuyện tỏ tình vốn mang màu sác tình tứ, duyên dáng, e lệ. Ấy thế mà giờ cũng chỉ trần trụi là câu chuyện lăn xả vào miếng ăn, để sau đó làm người vợ nhặt của gã đàn ông xa lạ kia. Thế mới biết đói ghê gớm đến mức nào! về nhà Tràng, Thị cứ ngồi ở mép giường, hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần. Sao vậy? Mẹ Tràng chưa về có ai đâu mà giữ lễ? Kỳ thực cái thế ngồi chông chênh ấy cũng là cái thế của lòng thị, đời thị. Thị đã phải nén một tiếng thở dài thất vọng khi trông thấy gia cảnh của Tràng, khi nghĩ đến quá khứ tăm tối và tương lai chông chênh, xa vời của mình. Thị bỗng dưng buồn, buồn lắm, tủi lắm, nỗi đau không trào nước mắt mà lặn vào trong, càng đau càng tủi. ấy thế, nhưng chỉ sau một đêm làm vợ Tràng, thị đã khác hẳn. Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu, đúng mực, không có vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài tỉnh. Nếu hôm qua, cái đói đã làm mất đi những gì tốt đẹp ở thị, thì hôm nay, chỉ sau bữa ăn no, một đêm ngủ ấm, cái tốt đẹp lại trở về với thị. Thị bắt dầu vun vén cho tổ ấm của mình thị quét dọn sân nhà sạch sẽ, gánh nước đổ đầy ang. Cho đến lúc này thị mới cảm thấy chuyện làm vợ của mình là chuyện thật. Thị đã có một người chồng tốt, một người mẹ đôn hậu, một mái nhà yên. Tuy cuộc sống còn khó khăn thúc bách nhưng một ngày mai tươi sáng, yên ấm đang thực sự đến rất gần khi một ngày mới, một lá cờ đỏ thắm, một tương lai tươi sáng, một chân trời mới đang dần hiện hữu.

Bà cụ Tứ, mẹ Tràng càng gây được nhiều thiện cảm với người đọc. Có thể nói bà cụ Tứ là nhân vật được xây dựng thành công nhất trong truyện ngắn Vợ nhặt. Người đọc có thể dễ dàng tìm thấy từ hình tượng nhân vật này hình ảnh bao bà mẹ Việt Nam cần cù, chịu thương, chịu khó, rất mực thương con và lúc nào cùng hướng về cái thiện, hướng tới tương lai.

Nỗi niềm tâm sự của bà cụ Tứ được nhà văn Kim Lân khắc hoạ sinh động trong tình huống câu chuyện với những yếu tố tương phản độc đáo. Người trong cuộc cũng như người ngoài đều có tâm trạng ngạc nhiên trước những điều kỳ lạ đó. Khi bà lão trở về ngôi nhà dột nát của mình, bà bỗng thấy một người đàn bà lạ mặt xuất hiện trong nhà mình: Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình băng U? Thế này là thế nào? Lúc đó bà lão không tin ở tai, mắt mình nữa: Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoen vì tự dưngg bà lão thấy mắt mình nhoen ra thì phải. Sau những giây phút ngạc nhiên đến sững sờ như thế, bà cụ Tứ đã hiểu ra sự việc: Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi, lòng người mẹ nghèo khổ ấy, còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Tâm trạng của bà diễn biến với nhiều sắc thái khác nhau: niềm vui xen lẫn nỗi buồn, nỗi lo xen lẫn với tâm trạng mừng vui, cảm động... Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lào nghĩ đến cuộc đời khổ cực dài dằng dặc của mình.... Bà là người đã trải qua cuộc đời đầy vất vả, khổ đau với bao nỗi éo le trong cuộc sống. Vì vậy trước sự kiện con trai nên vợ, nên chồng, bà xốn xang bao suy nghĩ và bao sắc thái tâm trạng khó có thể diễn tả hết được. Bà vui mừng vì con trai của mình đã lấy được vợ. Niềm vui có con dâu, vì hạnh phúc của con làm cho gương mặt u ám vì già nua và đói ngheo của bà cùng rạng rỡ hẳn lên. Nhưng đằng sau niềm vui là nỗi buồn tủi, bà buồn tủi cho con mình; bởi người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy con mình. Mà con mình mới có được vợ. Nỗi lo âu là tâm trạng day đứt bà nhiều nhất, bà băn khoăn: biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không... May ra mà qua khỏi được cái giai đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó. Càng nghĩ, bà thêm buồn tủi cho thân phận mình, tủi vì làm mẹ mà không lấy nổi vợ cho con. Nay con có vợ rồi, lại phải cưới vợ theo cách ấy, không dạm hỏi, cưới cheo. Chao ôi, người ta dựng vợ, gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm ra, những mong sinh con, để cái mở mặt sau này. Còn. mình thì... Trong kẽ mét kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Đó vừa là giọt nước mắt buồn tủi, vừa là giọt nước mắt mừng vui, cảm động. Tình thương con hơn lúc nào hết dâng lên mãnh liệt trong lòng bà, bà thương con mình đã đành, bà còn rất thông cảm và thương người con dâu mới bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là con dâu trong nhà rồi. Bà cũng hiểu thấu đạo lý, cũng nghĩ đến một tiệc cưới nho nhỏ để báo với gia tiên và với mọi người: kể có ra làm được dăm ba mâm cơm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả có chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hoà thuận là u mừng rồi! Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá.

Nhà văn Kim Lân rất hiểu nỗi niềm của người nghèo. Nhà văn đã phân tích quá trình diễn biến tâm lý nhân vật, sự đan xen của nhiều sắc thái tâm trạng rất chân thực và cảm động. Dù niềm vui hay nỗi buồn, dù nỗi lo toan hay tủi phận thì người mẹ Việt Nam vẫn thể hiện một tấm lòng yêu thương, độ lượng. Chính vì tình thương con mà bà cụ Tứ đã kìm nén nỗi buồn, nỗi lo để động viên, an ủi các con. Bữa cơm ngày đói thật thảm hại giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với cháo, nhưng cả nhà đều ăn rất ngon lành. Trong bữa ăn, bà cụ Tứ toàn nói chuyên tốt đẹp mai sau: Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính... ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy chốc mà có ngay đàn gà cho mà xem. Bà nhìn cuộc sống bằng đôi mắt rất lạc quan, bà tin rằng cuộc sống của những đứa cháu mình sẽ khá giả hơn, bởi không ai giàu ba họ, không ai khổ ba đời. Cái triết lý lạc quan ấy là triết lý dân gian, là cách nghĩ của những người lao động, dù họ có rơi vào hoàn cảnh éo le, đau khổ như thế nào, họ cũng không đánh mất niềm tin vào cuộc sống những người đói họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống - Kim Lân.

Bằng những chi tiết chân thực, gợi cảm, ngôn ngữ chính xác, nhân chuyện Tràng nhặt được vợ giữa cảnh chết đói, Kim Lân đã diễn tả thật đặc sắc, sinh động, tinh tế, chân thực tâm trạng bà cụ Tứ, một bà mẹ nông dân tội nghiệp đáng thương mà cũng đáng trọng biết bao. Bà có một tấm lòng nhân ái bao la, đầy tinh thần vị tha cao cả ẩn giấu đằng sau tấm thân còm cõi vì già nua tuổi tác và đói nghèo, ở bà, bản chất tốt đẹp của người lao động Việt Nam vừa được thể hiện qua suy nghĩ, vừa được thể hiện qua hành động. Qua đây, tác giả cũng đã làm nổi rõ ý thức của người lao động về truyền thống, đạo lý cao cả của dân tộc.

BÀI CÙNG NHÓM