Không phải tác phẩm nào cũng thể hiện tất cả phong cách của nhà văn, nhưng những tác phẩm lớn, tác phẩm quan trọng bao giờ cũng phản ánh một số nét nổi bật của phong cách tác giả. Người lái đò Sông Đà là tác phẩm như vậy.
Nguyễn Tuân bao giờ cũng thường cảm hứng trước những cái phi thường, cái đặc biệt trong cuộc sống. Con sông Đà là một trong những đối tượng bất bình thường. Nguyên cái việc một mình nó chảy lên hướng bắc: Đà giang độc Bắc lưu cũng đã là một nét độc đáo khiến cho Nguyễn Tuân chú ý rồi. Bên cạnh đó, con người tài hoa, người dũng cảm như một vị tướng trên sông nước càng khiến nhà văn khâm phục. Nguyễn Tuân là người săn tìm cái đẹp, thì chính vẻ đẹp của sông Đà và người lái đò đã được Nguyễn Tuân khám phá, ca ngợi. Sự gặp gỡ này có thể coi như là một duyên may cho cả sông Đà và nhà nghệ sĩ Nguyễn Tuân.
Khi tiếp cận sông Đà, tiếp cận cái hung bạo của thác dữ, Nguyễn Tuân đã có cơ hội để thể hiện sự tinh tế trong quan sát, sự độc đáo trong liên tưởng và bất ngờ trong so sánh. Tiếp cận vẻ đẹp trữ tình của dòng sông, ngòi bút Nguyễn Tuân tung hoành với những hiểu biết về lịch sử, địa lí, văn hóa, khoa học quân sự, nghệ thuật hội họa, điêu khắc, điện ảnh. Tài hoa và uyên bác là một trong những đặc điểm của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân.
Một đặc điểm khác của Nguyễn Tuân là tùy bút pha thể kí rất phóng túng. Con sông Đà mà nhà văn đã qua lại, rồi lại có dịp ngồi trên máy bay quan sát, rồi có khi tiếp cận như một cố nhân đã làm cho ngòi bút Nguyễn Tuân uyển chuyển. Cái dữ dội và cái êm đềm, cái hung bạo và cái hiền hòa, cái hoang sơ tịch mịch và niềm ao ước một tiếng còi sương. Và trên hết là cái tình yêu Tây Bắc, yêu sông Đà đã làm cho Nguyễn Tuân thành công đặc biệt. Sông Đà trở thành tên cho tập tùy bút mười lăm bài và một bài thơ phác thảo của Nguyễn Tuân.