Cao dao là những khúc tâm tình thể hiện ước mong, tình cảm của con người lao động. Những khúc tâm tình này, giữa cuộc đời ngang trái, bất công, giữa những vất vả, nhọc nhằn vì quộc sống nghèo khó, làm không đủ ăn, đã biến thành những sáng tác trữ tình mà âm hưởng chủ yếu là những bài hát, câu hát than thân trách phận, buồn tủi. Khi chúng ta thừa nhận rằng cuộc sống rất cần có nụ cười và cũng rất cần những giọt nước mắt đích thực, những nỗi buồn lành mạnh, khoẻ khoắn thì ở đây, những câu hát than thân trách phận phải cần được khẳng định như một biểu hiện tích cực của thế giới tâm hồn người bình dân.
Đó chính là những giọt lệ cần thiết và đáng suy nghĩ giữa một cảnh đời còn lắm ngang trái, bất công. Không nghi ngờ gì nữa, chúng chính là tình đời, tình người mà trước hết là người phụ nữ.
Trong xã hội cũ, họ bị phụ thuộc, không tự mình quyết định được số phận đành kí thác cho may rủi, trong nhờ đục chịu. Điều đó khiến họ uất hận. Họ biến nỗi uất hận thành những tiếng khóc nỉ non khi đêm về, chiều xuống, than thân trách phận:
Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?
Quả là ai oán, xót xa biết bao trong hình ảnh ví von thân phận lụa đào giữa chợ đời của người phụ nữ. Trong những câu ca dao về thân phận phụ nữ mở đầu bằng từ ngữ thân em, ta còn bắt gặp hàng loạt những câu ca cùng đề tài. Không chỉ là tấm lụa đào giữa chợ, họ còn nghĩ họ là hạt mưa xa không biết rơi vào đâu:
Thân em như hạt mưa xa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày
Rồi thì:
Em như con hạc đẩu đình
Muốn bay không cất nổi mình mà bay
Đau xót hơn, giữa cảnh hạnh phúc bấp bênh, giữa một đời sống mà có khi hôn nhân đồng nghĩa với tù đày, cá chậu chim lồng... họ nghĩ và ví von họ bằng hình ảnh khác. Hình ảnh cá rô thìa:
Thân em như cá rô thìa
Ra sông mắc lưới, vào đìa mắc câu.
Hình ảnh quả xoài trên cây, là một thứ cơm nguội dự phòng, không hơn không kém:
Thân em như quả xoài trên cây
Gió đông, gió tây
Gió nam, gió bắc
Gió đánh lức la lức lắc trên cành...
Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
Quả thật là sẽ không bao giờ đếm được hình ảnh được dùng để ví von cho người phụ nữ trong ca dao than trách thân phận của họ. Với người phụ nữ, có quá nhiều nỗi buồn, những tâm sự hờn tủi trong sự bất bình đẳng của quan điểm xã hội. Những giọt nước mắt đó nhiều lắm, đa dạng như chính những nỗi đau thương mà họ nhận lấy. Hơn ai hết, ta hiểu sự đồng điệu đến nao lòng:
Anh buồn có chỗ thở than
Em buồn như ngọn đèn tàn thắp khuya.
Trong Tự tình, Hồ Xuân Hương viết:
Tiếng gà eo óc gáy trên hom
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Tâm sự ấy, cảm thức ấy biến hoá thành thật nhiều tiết tấu. Nói như nhà phê bình Hoàng Tiến Tựu: Trong ca dao cổ, hai yếu tố “sự” và “tình” thường đi đôi với nhau, nương tựa vào nhau. Sự do tình mà nảy sinh. Tình nhờ sự mà bộc lộ. Sự việc người chồng thất phu, phụ bạc khiến tình nảy sinh. Ta bắt gặp qua câu ca dao than trách, ngầm chứa phản kháng, chống đối:
Xưa kia ở với mẹ cha
Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành
Từ ngày tôi ở với anh
Anh đánh anh chửi, anh tình phụ tôi
Đất xấu nặn chả nên nồi
Anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng.
Tâm trạng oán trách bởi tình duyên bị ép uổng, lỡ dở, lại gặp cảnh mẹ chồng nàng dâu, tình phụ, ngang trời, lỡ làng:
Ai làm cho bướm lìa hoa
Con chim xanh nỡ bay qua vườn hồng
Trách cha trách mẹ trách chồng
Cầm vàng mà chẳng biết vàng hay thau.
Anh chẳng trách mẹ trách cha
Trách đời chềnh lệch hoá ra thế này.
Khi xưa anh bủng anh beo
Tay bưng đĩa muỗi lại đèo múi chanh
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh theo duyên mới anh đành phụ tôi.
Đặc biệt, trong những lời than thân trách phận đầy tính nhân văn, nhân đạo kia, chúng ta thấy toát lên sắc màu ai oán, bi thảm của những lời ca than nghèo, kể khổ. Những thảm tình ấy đầy nước mắt, chất chứa tinh thần phản kháng, về cái chênh lệch cay đắng giữa người giàu - kẻ nghèo. Nói đến cái nghèo hay như vậy, tha thiết như vậy chỉ thấy ở bộ phận ca dao dân gian. Hơn ai hết, với thảm tình này chính là những người trong cuộc. Họ đã dùng những viên gạch của chính cuộc đời nghèo khổ của họ để gõ vào cánh cửa ca dao, làm ở đó vang lên những lời ca đắng cay về cảnh nghèo khổ. Chẳng hạn:
Gánh cực mà đổ lên non
Còng lưng mà chạy cực còn chạy theo.
Ở chiều hướng này, bài ca có câu mở đầu: Tháng giêng tháng hai - tháng ba tháng bốn - tháng khốn tháng nạn sẽ được coi như tuyệt tác mà nghệ thuật kể, ý tình gửi gắm đã đạt tới mức hoàn thiện. Nghệ thuật tăng tiến với lối nói điệp, lặp lại gợi một tình cảm, một hoàn cảnh bi đát đến mức căng thẳng. Trong thế chân tường ấy, bài ca dao bỗng mở ra một chân trời chói loà ánh sáng. Sẽ không bao giờ có ánh sáng ấy nếu ở những người bình dân không có sự sáng rực rỡ đến bất tận của chủ nghĩa nhân văn tốt đẹp. Nói như p. Samana: Ca dao đã ru tâm hồn họ, tránh cho họ tuyệt vọng. Ở đây, xin nói thêm, ca dao tránh cho họ tuyệt vọng dẫu không né tránh việc than thân trách phận:
Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây.
Nói ca dao có những nỗi buồn nhưng đó là những nỗi buồn lành mạnh khoẻ khoắn. Nói ca dao có những giọt nước mắt, những lời than thân trách phận nhưng đó là giọt nước mắt trong sáng, những lời than thân rực rỡ tính nhân văn, là nói cái tinh thần đầy sức sống, vì sức sông trên. Ca dao nói:
Có quán tình phụ cây đa
Ba năm quán đổ, cây đa vẫn còn.
Vẫn mãi mãi, toả bóng như cây đa đầu làng, những câu ca dao than thân trách phận. Đó là một khúc tâm tình không thể thiếu của thế giới tình cảm người bình dân trên hành trình của họ.