“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Lời dạy của người xưa luôn nhắc nhở ta phải biết rèn luyện trong khó khăn, gian khổ. Thấy khó chớ lùi mà phải quyết tâm tiến tới. Mỗi chúng ta, nếu ai cũng hiểu được rằng: chịu đựng được gian khổ ta sẽ thành công thì mọi người sẽ hăng hái lao vào công việc không nề hà vất vả gian lao. Chính thấm nhuần được chân lí ấy mà Bác Hồ kính yêu của chúng ta lúc nào cũng thể hiện tinh thần lạc quan trước những gian lao khó nhọc trên bước đường cách mạng. Ngồi trong nhà lao, Người tự khuyên mình:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân
Nghĩ mình trong bước gian truân
Tai ương rèn luyện tinh thần thềm hăng
Lời khuyên của Bác cũng chính là bài học kinh nghiệm quý báu cho mỗi chúng ta.
Bằng cách nói giả định: “Ví... thì” Bác đưa lên vấn đề thuộc quy luật tự nhiên của trời đất: Nếu không có cảnh mùa đông “tàn” thì cảnh “huy hoàng” của mùa xuân cũng không có được. Đông tàn, xuân đến — đó là sự tuần hoàn của thiên nhiên, của tạo hóa. Thấu hiểu được quy luật tất yếu ấy, Bác liên hệ đến con người: trong khó khăn gian khổ, nếu chúng ta chịu đựng được, chẳng khác gì sống giữa mùa đông lạnh lẽo, rét buốt, thời tiết khắc nghiệt mà ta vượt qua được thì sẽ là “mùa xuân huy hoàng”. Nhũng “bước gian truân”, “tai ương” gặp phải như những thử thách rèn luyện làm cho tinh thần thêm hăng. Bài thơ đã thể hiện được tinh thần lạc quan của người chiến sĩ cách mạng.
Lời khuyên của người thật quý báu. Bởi trong cuộc sống có mấy ai không gặp khó khăn gian khổ. Trước những trở ngại đó, chúng ta không được bi quan, chán nản mà phải giữ vững niềm tin và lí tưởng, mục đích sống của mình. Ta nên hiểu rằng những vất vả, gian lao đang gặp phải giống như cơn gió lạnh mùa đông. Nếu chịu đựng và vượt qua được thì sẽ sống trong cảnh “huy hoàng mùa xuân”. Điều đó cũng có nghĩa: vượt qua gian khổ sẽ thành công. Niềm tin sẽ vững vàng hơn. Tai ương gặp trong cuộc đời chính là nơi luyện rèn để ta trưởng thành. Hiểu được như vậy, tinh thần ta sẽ thêm hăng hái. Nhìn lại cuộc đời của Bác, của những người chiến sĩ cách mạng, chúng ta càng thấy rõ điều đó. Bị bắt, bị xiềng xích, gông cùm trong nhà lao của bọn Tưởng Giới Thạch, Bác chẳng hề than van, luôn nêu cao nghĩa khí của mình. Bác đã sẵn sàng chịu đựng mọi bão táp, phong ba: “Nghênh diện thu phong trận trận hàn” và bao giờ Bác cũng thể hiện tinh thần lạc quan trong cuộc sống. Trên đường chuyển lao biết bao khổ nhục mà Bác vẫn tràn đầy cảm hứng làm thơ “Người đi thi hứng bỗng thêm nồng”. Phải là người có nghị lực phi thường, người có ý chí vững vàng, nắm được quy luật cuộc sống hết “đông tàn” hẳn “xuân sang”, Bác mới thể hiện được tinh thần lạc quan cách mạng như thế. Những người chiến sĩ cách mạng cũng vậy. Biết làm cách mạng sẽ gặp nhiều gian khổ, thậm chí phải hi sinh tính mạng mình, nhưng các anh vẫn dũng cảm chiến đấu. Vì ai cũng hi vọng rằng qua khỏi mùa đông lạnh lẽo là mùa xuân ấm áp. Lời tự khuyên của Bác rõ ràng không chỉ nhắc nhở Bác không thôi còn là bài học có giá trị muôn đời cho mỗi chúng ta.
Trong thời đại ngày nay, với yêu cầu bức xúc của xã hội, lớp thanh niên cần phải suy ngẫm những lời Bác tự khuyên để học tập và rèn luyện bản thân. Bởi chúng ta nên hiểu rằng: “Sự nghiệp càng lớn thì khó khăn càng nhiều”. Muốn đạt được mục đích của mình thì ta phải có quyết tâm “khó khăn càng nhiều, ý chí càng cao”. Bài thơ của Bác luôn là nguồn động viên tốt giúp ta đạt được ý nguyện của mình. Chúng ta sẽ mạnh dạn chấp nhận đương đầu với mọi gian lao thử thách, quyết đem hết khả năng mình góp phần vào sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.
Tóm lại, những lời thơ của Bác đã để lại trong ta bao điều suy nghĩ. Cảm phục trước chí khí của Bác, ta lại càng quyết tâm noi theo gương người. Một điều rất rõ là: hiểu được quy luật tất yếu của cuộc sống, ta sẽ không có tư tưởng bi quan, ngã lòng trước khó khăn và sẵn sàng đón nhận nó với tinh thần hăng hái. Thực hiện được lời dạy của Bác, ta sẽ yên tâm vững bước trên con đường đi tới tương lai đầy chông gai thử thách.