Với những trang viết sầu sắc đầy tính nhân văn, Nam Cao là nhà văn thành công rất lớn ở mảng đề tài người trí thức trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao tiêu biểu cho nhân vật trí thức trước Cách mạng của ông. Nhân vật này với tài năng, tâm huyết và cả bi kịch nỗi đau riêng đã gieo vào lòng người đọc niềm cảm thông, sự đồng cảm, khâm phục và niềm thương sâu sắc.
Nếu có thực trên đời, có lẽ Hộ sống cùng thời với những nhà văn như Nam Cao - thế hệ người trí thức Việt Nam đương thời đang phải đốì mặt với thời thế khắc nghiệt: Văn chương “mất giá”, người ta ít để ý tới cái cao siêu của nghệ thuật chỉ tủn mủn tới cái thực dụng của đời thường. Vậy là những người trí thức bị “áo cơm ghì sát đất” vỡ mộng văn chương, tan tành lý tưởng.
Như vậy, nhắc đến Hộ ta nhắc nhiều hơn đến nỗi đau. Song, trước hết ta phải nhắc đến tài năng, tâm huyết của con người này.
Không ai không yêu mến, cảm phục và đồng cảm sẻ chia với một tài năng văn chương như Hộ. Và nhất là khi tài năng ấy lại gắn với một bầu nhiệt huyết, một ước mơ cao đẹp về văn chương.
Hộ từng ôm “một hoài bão lớn” về sự nghiệp, vì nó anh sẵn sàng hiến dâng đời mình cho nghề văn “Đói rét không có nghĩa lý gì đối với một gã trẻ tuổi say mê lý tưởng. Lòng hắn đẹp. Đầu hắn đẫm vãn chương. Đối với hắn, lúc ấy nghệ thuật là tất cả, ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa”. “Hộ khao khát vinh quang”, vinh quang gắn với lý tưởng về cái Đẹp, cái Thiện, cái Nhân: “hắn băn khoăn nghĩ đến một tác phẩm, nó sẽ làm mờ hết các tác phẩm cùng thời”. Đó không phải thói ham danh phàm tục, ta phải hiểu đó là khao khát tự khẳng dịnh, không muốn sống mờ nhạt, đơn điệu. Hơn nữa, mơ ước của Hộ về tác phẩm ấy còn đẹp đến nhường nào: “Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phân khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn”. Với Hộ văn chương là niềm vui lớn, “một thứ lạc thú” không vật chất nào sánh được: “Tôi mê văn quá... thử có người giàu bạc vạn nào đổi lấy cái địa vị của tôi chưa chắc tôi đã đổì”.
Từ trong niềm đam mê và cái tài của Hộ đã hàm chứa bi kịch và nỗi đau. Điều đó không khỏi khiến ta đau xót.
Người xưa đã răn: Không nên quá “si” mê, yêu mến quá một cái gì. Điều đó đúng với Hộ. Trước hết, anh là người có ý thức về sự sống, muôn khẳng định mình bằng sự nghiệp văn chương cá nhân nhưng bị “áo cơm ghì sát đất” nên phải chịu một cuộc sống vô ích, một “đời thừa”.
Tài năng, lý tưởng, ước mơ như vậy nhưng “hoài bão lớn” Hộ quyết đạt đến bằng ý chí phi thường đã không thể nào đạt đựợc: “Những lo lắng liên miên... những bận rộn tẹp nhẹp vô nghĩa lý của đời sống hàng ngày mà Hộ phải có trách nhiệm gánh vác đối với gia đình”. Bởi vì từ ngày gặp Từ, ghép đời mình với Từ hắn có một gia đình phải lo: “Đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra mà đứa con nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rức, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc”. Vậy là Hộ không thể khinh thường tiền, khinh thường vật chất như trước đây. Anh phải ra sức kiếm tiền mà cách kiếm tiền duy nhất là viết văn. Văn chương chạy theo đồng tiền thì sao có thể thận trọng, nghiêm chỉnh, ý nghĩa như anh hằng mong ước? Hộ viết vội, viết nhanh, viết ẩu “đễ dãi cẩu thả” viết những bài “người ta đọc rồi quên ngay sau đó” chính hắn cũng “đỏ bừng” mặt xấu hổ, và ngay bài viết. Anh dằn vặt mình là kẻ “đê tiện”, không thể nào tự tha thứ được: “Chao ôi! Hắn đã viết những gì? Toàn những cái vô vị, nhạt nhẽo, gợi những tình cảm rất nhẹ rất nông, đem một vài ý rất thông thường quấy loãng trong một thứ văn bằng phẳng và quá ư dễ dãi. Hắn chẳng đem một chút mới lạ gì đến cho vãn chương. Thế nghĩa là hắn: một người thừa, “một kẻ vô ích”. Đó là nỗi đau tinh thần không nguôi ngoai và khó có gì xoa dịu được đôi với người trí thức đầy tài năng và tâm huyết ấy.
Có thể nói, qua bi kịch thứ nhất này của Hộ, Nam Cao đã vạch ra và di sầu vào tâm hồn người trí thức đương thời. Qua đó, ông lên án hiện thực tàn bạo vùi dập ước mơ, hoài bão của con người, cướp đi ý nghĩa cao đẹp thực sự xứng đáng với con người.
Nhưng đau đớn hơn phải nhắc đến bi kịch vi phạm lẽ sống tình thương người nghệ sĩ của Hộ.
Phải nói trước rằng, ở Hộ, tâm hồn nghệ sĩ chân chính hoàn toàn thống nhất với hành động. Anh coi tình thương là nguyên tắc cao nhất, đã hy sinh tất cả vì tình thương. Biểu hiện rất rõ ràng cụ thể: anh đã “cúi xuống” cứu vớt mảnh đời dang dở của Từ, nuôi mẹ Từ, nhận con Từ là con mình và cưới Từ làm vợ. Hành động ấy, một kẻ sĩ diện hão, một kẻ vô lương tâm, một gã trí thức nông cạn, không thể nào có được.
Hơn thế, đáng lẽ anh có thể rảnh rang sáng tác tránh được bí kịch thứ nhất nếu thoát khỏi vợ con. Đã có một triết lý cao siêu “Phải biết ác, biết tàn nhẫn để sống cho mạnh mẽ” là gì? Nhưng vì tình thương anh không thể tàn nhẫn: “Hắn không thể bỏ tình thương, có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường nhưng hắn vẫn còn được là người. Không có tình thương, con người chỉ là một thứ quái vật”. Và anh đã đưa ra quan niệm sống cao đẹp: “Kẻ mạnh không phải là kẻ dẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỷ, kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của chính mình”. Vì vậy anh đã tạm hy sinh - dù sự hy sinh ấy quá lớn với anh.
Đứng trước con người đầy tình thương của Hộ, có người đọc nào không xúc động, thậm chí thoáng nhìn lại mình? Con người Việt Nam vẫn tự hào vì lòng nhân ái nhưng nhân ái đến quên mình thì ít ai có được. Hộ đã có một tuyên ngôn sâu sắc, đẹp đẽ nhất về tình thương. Từ đây, ý niệm ấy là mục tiêu để những nghệ sĩ chân chính hướng đến.
Tuy nhiên, tuy Hộ không băn khoăn dao động trong việc lựa chọn tình thương hay nghệ thuật nhưng anh vẫn ngâm ngầm đau khổ, dằn vặt dai dẳng vì ước mơ nghệ thuật không thành. Rồi theo thói thường anh lao vào rượu. Và cũng theo thói thường của người uổng rượu anh say. Say không làm anh được giải thoát, anh chỉ thấm thìa hơn nỗi đau khổ cay đắng đời mình. Say đẩy anh xuống vực thẳm lương tâm để hơn một lần đốì xử với vợ con như một kẻ vũ phu.
Những thô bạo ây của Hộ có đáng trách không? Hãy khoan trả lời câu ấy. Ta chỉ thấy anh đáng thương và tội nghiệp. Nhà văn đi sâu vào bản chất những thô bạo trong hành động của Hộ để ta thấy rằng vì áo cơm anh phải hủy hoại tình thương, hủy hoại con người, hủy hoại những mối quan hệ tốt đẹp.
Khi tỉnh rượu, nhớ lại hành vi của mình, Hộ hết sức hối hận. Nhìn Từ mong manh yếu ớt “khổ cả một đời” tình thương trong anh lại trào về. Thế là “nước mắt hắn bật ra như nước một quả chanh mà người ta bóp mạnh và hắn khóc... ôi chao! Hắn khóc! Hắn khóc nức nở, khóc như thể không ra tiếng khóc”. Và trong cơn sa ngã, Hộ vẫn trung thực với chính mình, vẫn giữ lấy lẽ sôìig tình thương, hắn nghẹn ngào trong nước mắt: “Anh... anh... chỉ là... một thằng... khốn nạn”.
Nhưng nước mắt vẫn chỉ là nước mắt. Hộ vẫn bế tắc trong bi kịch không cách nào thoát ra được. Có điều, trong cơn quằn quại, sát miệng vực thẳm sa ngã nhân vật của Nam Cao vẫn cố vươn lên trong lẽ sống nhân đạo. Chúng ta không mất niềm tin ở Hộ. Đúng như lời Từ “anh chỉ là một người khổ sở”, Hộ đáng thương hơn đáng trách.
Là nhân vật tư tưởng của tác phẩm song nhân vật Hộ không hề khô cứng, khuôn mẫu ngược lại sự sống động chân thực đã gieo vào lòng người đọc nhiều suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, về lẽ sống, về thời đại. Nhân vật Hộ thể hiện sâu sắc giả trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.