“Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp" (W.Gơt). Anh chị suy nghĩ gì về ý kiến trên?

Đã có khi nào bạn tự hỏi, cùng với thời gian, chúng ta đang trưởng thành như thế nào, theo chiều hướng nào? Nếu chưa một lần tự hỏi hoặc chưa tìm ra được cho mình câu trả lời, hãy cùng tôi đến với một câu nói của W.Gơt: “Trí tuệ con người trưởng thành trong tĩnh lặng, còn tính cách trưởng thành trong bão táp”.

M.Gorki đã từng nói: “Mỗi cuốn sách là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên tôi bước ra khỏi con thú để tiến gần hơn đến con người”. Câu nói nhằm khẳng định tác dụng của sách và việc đọc sách nhưng nó cũng cho chúng ta hiểu thêm một điều để hoàn thiện bản thân: đó không phải là công việc của ngày một ngày hai mà chính là một quá trình tích luỹ lâu đài giống như bước đi trên từng bậc thang nhỏ. Trong mỗi con người, trí tuệ và tính cách có thể coi như hai điểm mấu chốt. Nó giúp cho ta nhìn nhận một người như thế này mà không phải là thế khác. Cũng giống như việc hình thành và hoàn thiện một nhân cách, trí tuệ và tính cách là sự trưởng thành qua thời gian, thử thách khác nhau. Theo W.Gơt, trong đó, trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng còn tính cách thì trưởng thành trong bão táp. Tất nhiên nói như thế là hoàn toàn có những căn cứ thực tế của nó. Trí tuệ là khả năng nhận thức lí tính đạt đến một trình độ nhất định. Nó gắn với việc một người có khả năng nhận thức đến đâu và tầm hiểu biết, vốn tri thức mà họ có được. Con người có được trí tuệ nhờ quá trình tích luỹ tri thức của nhân loại, chuyển hoá thành tri thức của bản thân, phục vụ cho cuộc sống. Tri thức không thể chạy theo hình thức hào nhoáng, đao to búa lớn mà đòi hỏi phải thực chất. Không đơn giản chỉ là việc tiếp nhận tri thức, con người còn phải có quá trình nghiền ngẫm, suy xét để có thể hiểu và vận dụng nó một cách phù hợp. Nói trí tuệ trưởng thành trong tĩnh lặng cũng vì lẽ đó cần phải hiểu, sự tĩnh lặng ở đây không phải là con người đạt đến độ trưởng thành về mặt trí tuệ có phần nhẹ nhàng, “tĩnh lặng” mà là bởi suy ngẫm và chiêm nghiệm là bản chất của tri thức. Đọc một cuốn sách hay, những giá trị thẩm mĩ của nó thâm sâu vào trong mỗi con người, một cách tự nhiên tới mức nhiều khi người ta không hề ngờ tới. Đến một ngày, người ta chợt nhận ra rằng mình đang tinh tế, nhạy cảm hơn trong cách nhìn nhận cuộc sống, mình đang hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống với những kiến thức thuộc về tự nhiên và xã hội của nó. Sự trưởng thành về trí tuệ đã diễn ra “tĩnh lặng” là như vậy đó. Không ai có thể “nhồi nhét” vào trong đầu cùng một lúc tất cả vốn tri thức của nhân loại. Sự tiếp thu diễn ra dần dần, tích luỹ từng chút một nhưng cũng sẽ không bao giờ là đủ. Một người có trí tuệ trưởng thành là người luôn biết bổ sung kiến thức cho mình để theo kịp với sự phát triển của thời đại.

Cũng là sự trưởng thành được vun đắp qua thời gian và chiêm nghiệm nhưng tính cách lại đòi hỏi cho nó một môi trường khác. Tính cách là tổng thể nói chung những tâm lí ổn định trong cách xử sự của một người, biểu hiện thái độ điển hình của người đó trong những hoàn cảnh điển hình. Cũng giống như sự trưởng thành về trí tuệ, khái niệm trưởng thành ở đây chính là sự phát triển vươn tới hoàn thiện và sự hoàn thiện, ổn định về tính cách của một con người. Mỗi người có một tính cách riêng. Tính cách ấy được hình thành trong những hoàn cảnh khác nhau nên có sự khác nhau. Thực tế cho thấy, những người được sống trong một môi trường khó khăn, thử thách thường là người có tính cách mạnh mẽ, dám chấp nhận thử thách, dám vượt lên tất cả để có thể đạt được mục đích. Còn người sớm được sống trong nhung gấm lụa là, trong một môi trường sống giản đơn, thường vì không được rèn luyện nên sẽ khó chông chọi lại với gian khổ: “Lửa thử vàng gian nan thử sức”. Không gì có thể giúp con người ta trưởng thành hơn trường đời bởi “Cuộc sống chính là trường đại học chân chính của nhân tài”. Cuộc sống không bao giờ đơn giản và chính cái không đơn giản ấy khiến cho con người luôn phải vận động không ngừng để thích nghi, và chinh phục nó. Bão táp là những khó khăn của cuộc sống. Tính cách con người luôn vận động, đồng thời sự trưởng thành của tính cách không dựa phần nhiều vào tích luỹ “tĩnh lặng” giống như tri thức. Môi trường sống càng khắc nghiệt càng đòi hỏi những phẩm chật đáng quí của tính cách, để chiến thắng hoàn cảnh. Hoàn cảnh nghèo khó đòi hỏi ở con người nghị lực, sự sáng tạo trong tư duy, làm ăn; khổ đau khiến người ta trở nên mạnh mẽ, cứng rắn;... Tất nhiên không phải không có những trường hợp vì lâm vào cảnh khó khăn mà tha hoá, biên chất. Nhưng đó là trường hợp của những kẻ buông xuôi trước số phận hay trước sự dẫn dắt của bản năng tầm thường mà không phải là một sự trưởng thành theo nghĩa tích cực, theo chiều hướng đi lên như những gì chúng ta đang nói đây. Hoàn cảnh không chỉ khiến con người biết thay đổi và hoàn thiện mình, có khả năng thích nghi cao mà nó còn là một minh chứng cho các phẩm chất và tính cách của con người. Chỉ có nhừng người có phẩm chất và tính cách tốt đẹp, biết vượt lên hoàn cảnh, chống lại hoàn cảnh, coi hoàn cảnh như một nơi cho mình rèn luyện thì mới có thể trở thành người chiến thắng. Điều này cũng giống như những gì Điđơrô từng nói: “Chỉ có những khát vọng và những khát vọng lớn lao mới có thể nâng tâm hồn lên vĩ đại”. Sự trưởng thành của trí tuệ và tính cách cũng không nằm ngoài quan niệm đó.

Câu nói của Gớt mang đến cho ta một thái độ đúng đắn trong cuộc sống, tinh thần kiên trì, nhẫn nại, lạc quan đối mặt với gian lao. Ta hiểu rằng sự hoàn thiện của một con người là cả một quá trình. Tri thức không phải tự dưng có mà phải trải qua quá trình tích luỹ dần dần cũng như một tính cách tốt đẹp chính là kết quả của quá trình rèn luyện qua bão táp trong cuộc sống. Những khó khăn và thách thức trước mắt nếu vượt qua sẽ mang lại thành quả. Vườn cây trái trải qua nắng mưa cuối cùng cũng sẽ cho trái ngọt. Vấn đề là ở chỗ không bao giờ được vì khó khăn, trở ngại trước mắt mà chùn bước. Để mình trở thành một người có tri thức, bắt kịp thời đại, hãy luôn sống như một ai đó đã từng quan niệm: “Ngày nào mà bạn không bổ sung cho vốn hiểu biết của bạn dù chỉ một mẩu kiến thức nhỏ nhưng mới mẻ với bạn... thì hãy coi đó là một ngày mất đi vô ích, không thể lấy lại được”. Sự thiếu hiểu biết không đáng thẹn bằng việc thiếu ý chí học hỏi. Để mình có được một nhân cách hoàn thiện, hãy biết làm bông hoa sen giữa bùn lầy tanh hôi mà vẫn nở ra trắng ngần, thơm ngát. Tính cách được hình thành trong một hoàn cảnh sống khắc nghiệt không có nghĩa là nó sẽ thực sự trưởng thành. Điều đó còn phụ thuộc vào việc con người làm gì và làm được những gì trong hoàn cảnh ấy. Và tất nhiên, đó là điều không hề đơn giản...

Bạn là một người trẻ tuổi? Bạn ý thức được rằng mình đang trong quá trình hoàn thiện về nhân cách? Hãy nhớ những gì W. Gớt đã nói với chúng ta để thực sự trở thành một người trưởng thành về mọi mặt...

BÀI CÙNG NHÓM