Văn nghị luận: Bình luận về sự nôn nóng

Sự nôn nóng, tính nôn nóng là điểm yếu của không ít người. Thường thì sau khi sự việc đã xảy ra không mang lại kết quả như mong muốn, hoặc thất bại, người ta mới nhận ra sự nôn nóng là nguyên nhân gây ra sự đổ vỡ.

Nôn nóng nghĩa là sót ruốt, muốn được làm ngay việc chưa thể làm, muốn có ngay cái chưa thể có (Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê).

Muốn làm bất cứ công việc gì, từ việc nhỏ đến việc lớn, ta cũng cần có sự chuẩn bị, tính toán, phải cân nhắc thận trọng, không thể, không nên nông nổi, nồng cạn, hời hợt, thiếu cân nhắc suy nghĩ trước khi hành động.

Trước khi nói phải suy nghĩ, phải “Lựa lời mà nói mà nói cho vừa lòng nhau “. Mắc phải “vạ miệng ” vì nôn nóng, bộp chộp, vội vã, vội vàng.

Khi điều kiện chủ quan chưa đủ, điều kiện khách quan chưa có, nếu không biết bình tĩnh chờ đợi mà nôn nóng hành động, tất sẽ thất bại. Người xưa có nhắc: “Dục tốc tất bất đạt”, hoặc “Dục tốc bất thành đại sự“. Đó là bài học sâu sắc nhắc mỗi chúng ta không nên, không được nôn nóng.

Lúa mới cấy đã nôn nóng “kéo lúa lên “ như anh thợ cày trong truyện ngụ ngôn thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Người mẹ sinh con cũng phải mang thai “chín tháng mười ngày“. Sĩ tử ngồi trong phòng thi, phải cẩn trọng suy nghĩ, đọc đi đọc lại đề bài, rồi mới hạ bút; nếu nôn nóng, nông nổi, vội vã thì làm văn dễ lạc đề, làm toán dễ sai; cái hậu quả đáng buồn sẽ xảy ra: “Thi không ăn ớt thế mà cay!“ (Tú Xương). Vì nôn nóng hoàn thành công trình “để chào mừng...!“, mà có không ít chuyện đau lòng đã xảy ra, làm chết người, làm tốn của quốc gia như nhà đổ, cầu sập, đường sá mới làm xong đã hư hỏng.

Đọc hồi kí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về chiến dịch Điện Biên Phủ chúng ta mới biết, từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh ”, bộ chỉ huy mặt trận đã thay đổi thành phương châm “đánh chắc, tiến chắc“. Quân ta đã “kéo pháo vào“ rồi lại “kéo pháo ra”, chuẩn bị vũ khí, đạn dược, lương thực, sĩ khí “quyết chiến, quyết thắng“ được nâng cao, khi đó, ta mới giáng đòn sấm sét xuống đầu quân xâm lược, sau năm mươi sáu ngày đêm chiến đấu dũng mãnh và quả cảm, đã lập nên chiến công “chấn động địa cầu

Có bình tĩnh, tự chủ, có sáng suốt mới khắc phục được sự nôn nóng. Từ việc nhỏ đến việc lớn, từ chuyện học, chuyện thi cử, chuyện sản xuất, kinh doanh, làm ăn đến chuyện đánh giặc,... đều phải sáng suốt, bình tĩnh, không thể nôn nóng, vội vàng.

Chẳng hạn, quốc hội quyết định xếp lại, dừng lại các dự án “đường sắt cao tốc Bắc - Nam“, “di chuyển trung tâm Thủ đô lên vùng núi Ba Vì“ tốn hàng trăm tỉ đô-la (đi vay nước ngoài) là một quyết định vô cùng sáng suốt, hợp lòng dân. Bởi vì chuvện quốc gia đại sự không nên nôn nóng.

Trong hành động, không nên nôn nóng, nhưng cũng không nên do dự, rụt rè, thiếu quyết tâm, quyết đoán. Việc đáng làm, đã đến lúc cần làm, đủ điều kiện làm mà cứ rụt rè, do dự, thiếu quyết tâm, để thời cơ trôi qua, vượt qua khỏi tầm tay, cũng sẽ hỏng việc, thậm chí chẳng làm nên trò trống gì!

Trong cuộc sống, khi bắt tay làm bất cứ công việc gì, ta nên có “một trái tim lạnh và một cái đầu nóng". Bình tĩnh, thận trọng, quyết tâm mà không nôn nóng, vội vã.

Ngày 22-3-2010, bà Hillary, ngoại trưởng Mỹ, phu nhân của vị Tổng thống Bill Clinton đã đến thăm nước Nga. Trong cuộc phỏng vấn, Vladimir Pozner MC Nga đã hỏi bà Ngoại trưởng: “Cái gì mà bà cho là điểm yếu chính của mình ". Thật thú vị, khi mọi người nghe bà trả lời: "Sự nôn nóng".

Một tấm lòng cởi mở, thành thật làm chúng ta ngạc nhiên. Một bài học để hoàn thiện nhân cách mà mỗi chúng ta cần ghi nhớ.

Với tuổi trẻ phải biết tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao tinh thần tự chủ, tự làm chủ bản thân, khắc phục sự nôn nóng (nếu có) để thành đạt.

BÀI CÙNG NHÓM