Phân tích giá trị của những từ Hán Việt.trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan: "Tạo hoá gây chi cuộc hí trường... Cảnh đấy người đây luống đoạn trường."

Đề bài:

Phân tích giá trị của những từ Hán Việt.trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan:

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt vơi tang thương.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bài làm:

Nếu lâu đài ngôn ngữ thơ Bà chúa thơ Nôm, Hồ Xuân Hương được xây dựng bởi những động từ chỉ hành động, tính từ chỉ phẩm chất và trạng từ chỉ cách thức hết sức hôm na thì tháp ngà thơ Bà Huyện Thanh Quan lại chỉ được kiến tạo bằng những danh từ mà phần lớn là danh từ Hán Việt. Cách sử dụng những từ Hán Việt như vậy đã mang đến cho các sáng tác của bà màu sắc cổ điển, trang trọng đặc biệt mà bài thơ Thăng Long thành hoài cổ là một ví dụ.

Tạo hoá gây chi cuộc hí trường,

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt vơi tang thương.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Làm thơ bằng những danh từ, nghĩa là Bà Huyện nhìn sự vật ở những bản chất của nó mà bỏ qua tất cả những gì là cụ thể, sống động. Khoảng cách đó một lần nữa được nhân lên bởi việc sử dụng các danh từ đó là từ Hán Việt. Câu thơ vì vậy mà trở nên cổ điển, trang trọng và mang tính bác học hơn. Trong Thăng Long hoài cổ, số lương các từ Hán Việt được sử dụng một cách dày đặc đã làm nên những hiệu quả nghệ thuật nhất định mà lối diễn đạt khác không thể có được. Hình như con người ấy đã xa Thăng Long nhiều năm bây giờ trở lại; hoặc giả bà đã từng sống ở đất này từ lâu nay không còn thấy nó như xưa nữa; hoặc giả những gì thuộc về ngày xưa ấy chỉ là trong hoài niệm, không giống như hiện tại. Chỉ biết rằng tất cả là do thời thế xoay vần, đổi thay, do thời gian cũng là do tạo hoá. Hí trường (rạp hát) là lịch sử, tinh sương (sương sao) là thước đo thời gian. Dù tươi đẹp hay suy tàn, lịch sử và thời gian cũng là cho cảnh vật biến đổi nhiều khi rất nhanh chóng. Câu'thơ chất chứa tâm trạng băn khoăn, nuối tiếc một cách kín đáo. Và từ đó, nỗi niềm hoài niệm lại trở về trong Lối xe ngựa cũ hồn thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Cùng chỉ một loài thực vật nhưng “cỏ” (thuần Việt) và “thảo” (Hán Việt) gieo vào trong tâm trí người đọc những cảm xúc và tưởng tượng khác nhau, cỏ thường gợi nhắc đến những cái cụ thể. Còn thảo thì chỉ là một âm vang xa xôi, trang trọng và nhoè nghĩa. Quá khứ động hiện với hiện tại trong hai câu thơ buồn đến tuyệt diệu mà thần tứ thể hiện tập trung trong ba từ hồn thu thảo. Bóng tịch dương lại dẫn con người ta với những hoàng hôn xưa nay vẫn thường gợi buồn cho lòng thi nhân trung đại. Còn gì buồn hơn khi mặt trời tà chiếu xuống mảnh nền cũ hoang vắng, ở đó từng dựng lên những lâu đài tráng lệ ngày xưa, và trên lôi đi ngày xưa rộn ràng ngựa xe, giờ chỉ là cỏ vàng mùa thu phất phơ trước gió Chỉ một chữ “hồn” mà diễn tả được cả cái hồn của cảnh vật và cái hồn của lòng người. Thu xưa nay trong thơ văn trung đại vẫn buồn. Và khi thu nhuốm màu trên hồn thu thảo, bóng tịch dương thì dường như nó càng trở nên buồn hơn gấp bội.

Mạch thơ vẫn tiếp tục mạch suy tư về thời gian và lẽ chảy trôi của tạo hoá. Sự vận dụng tài tình các danh từ Hán Việt không chỉ phù hợp mà còn tiếp tục phát huy tác dụng trong việc diễn tả tâm trạng suy tư trầm lắng của nhà thơ:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Biện pháp nhân cách hoá thật hoàn hảo: đá trơ gan, nước cau mặt, khiến cho câu thơ trở nên cựa quậy, sống động, tinh hoa như vượt ra khỏi bề mặt câu chữ. vẫn tiếp tục sử dụng từ Hán Việt (tuế nguyệttang thương), câu thơ vừa tả cái hữu hình của cảnh vật lại vừa nói lên được cái vô hình của thời gian. Thời gian vừa vô hình mà cũng vừa vô tình nên hai từ tuế nguyệt, tang thương đột nhiên nghe nó cũng thật dửng dưng, xa lạ.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đấy, người đây luống đoạn trường.

Kim cổ là chuyện xưa nay, nó phù hợp với khoảng cách nhìn lạị từ nghìn năm xa xôi. Từ kim cổ chất chứa trong nó ý niệm về tất cả những gì thuộc về quá khứ và hiện tại. Nó tả cuộc hí trường,hồn thu thảo, bóng tịch dượngtuế nguyệt,tang thương,đoạn trường mà đang được chiêm nghiệm bởi thời gian. Nỗi đoạn trường không chỉ đơn giản là khổ đau mà nó còn là cái ám ảnh, day dứt mãi khôn nguôi. Nỗi buồn của một người cụ thể giờ đây có ý nghĩa nhân văn phổ biến rộng rãi: Đây là nỗi buồn mà ai cũng có, cũng có thể có, nỗi buồn trước sự trôi chảy của thời gian, sự biến thiên của cảnh vật, sự mong manh của kiếp người, sự vô tình, vô tận của thời gian, của lịch sử...

Có thể nói, cái làm nên giá trị của Thăng Long thành hoài cổ chính là ở màu sắc cổ điển trang trọng của nó được tạo nên từ việc vận dụng các từ Hán Việt một cách linh hoạt. Chính điều này đã làm nên màu sắc, đóng dấu phong cách riêng của nữ sĩ thành Thăng Long so với các nhà thơ trung đại khác cùng thời.

BÀI CÙNG NHÓM