Hiện nay ngành giáo dục đang thực hiện cuộc vận động trung thực trong thi cử. Theo anh (chị), việc thiếu trung thực trong thi cử có tác hại ra sao? Làm thế nào để khắc phục được thái độ đó?

I. DÀN BÀI

1. Mở bài

- Tầm quan trọng của thi cử.

- Trong thi cử có những hành vi sai trái, làm giảm hiệu quả của thi cử, gây hậu quả nghiêm trọng cho giáo dục.

2. Thân bài

- Thế nào là những hành vi sai trái trong thi cử? (cóp bài, gian lận, mua điểm, cấy điểm, chạy điểm,...).

- Thực trạng vấn đề:

+ Học sinh quay bài, cóp bài, làm phao,...

+ Phụ huynh chạy điểm, “đi thầy” cho con,...

+ Nhà trường: thầy cô tiếp tay cho sai trái của học trò.

- Hậu quả:

+ Các kì thi không phát huy hết vai trò. Nền giáo dục bị đe dọa vì chất lượng “ảo”.

+ Nhiều học sinh bị thiệt thòi, nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”.

+ Tạo ra thế hệ học sinh bị lệch lạc tư tưởng, hạn chế về năng lực.

+ Tốn kém cho cá nhân, gia đình, xã hội.

- Biện pháp khắc phục:

+ Các cấp các ngành cần quản lí sát sao, giám sát nghiêm túc hoạt động thi cử.

+ Giáo dục học sinh.

+ Xử lí nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

3. Kết bài

Chống lại thái độ sai trong thi cử là công việc của toàn xã hội.

II. BÀI LÀM

Mấy năm gần đây, chuyện gian lận trong thi cử luôn là vấn đề giành được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây không phải là vấn đề mới. Có chăng đó là vì Bộ Giáo dục và Đào tào đã kiên quyết hơn trong xử lí những mặt khuất bấy lâu bị giấu kín của ngành giáo dục. Điều đó chợt khiến ta phải suy ngẫm về các kì thi và những chuyện sai trái đã trở thành cần bệnh khó chữa trong những kì thi này.

Mọi vấn đề có lịch sử riêng. Những sai trái, gian lận trong thi cử cũng vậy. Cách đây mấy nghìn năm, những cuộc thi đầu tiên đã được tổ chức và chuyện gian lận cũng có bằng ấy thời gian lịch sử. Từ những cuộc thi Olympic người ta đã biết ám hại đối thủ, dùng những mánh lới, thủ thuật để làm hại đối phương. Rồi sau, những cuộc thi văn chương, người ta biết dùng “phao”, biết nhòm bài, móc nối với Ban Giám khảo,... Những thủ thuật trong thi cử nếu kể ra thì không biết bao giờ mới hết và những thế hệ sau luôn có những “phát kiến” hơn thế hệ trước, thúc đẩy gian lận ngày càng “tiến lên”.

Trong thực tế ngày nay, những chuyện gian lận trong thi cử khiến không ít người quan tâm, nhức nhối. Bởi thực tế, trong đời mỗi người phải trải qua vài kì thi (ngay một đứa trẻ vài ba tuổi đã thi “Bé khỏe, bé đẹp”!). Vì vậy, chúng ta có thể tận mắt chứng kiến những gian lận, sai trái; hoặc không cũng nghe đài báo, dư luận hàng ngày nhắc đến nó như một căn bệnh khó chữa của xã hội.

Có thể khẳng định rằng: hiếm có kì thi nào không có gian lận, không có sai trái. Những chuyện quay cóp, nhòm bài, trao đổi bài là chuyện thường thấy mà bất kì “sĩ tử” nào cũng biết. Những hành động như thế dễ dàng tháy từ những bài kiểm tra mười lăm phút cho đến cả thi đại học. Nhưng, đó là chuyện nhỏ, “con tép” trong những trò sai trái mà thôi. Báo chí, dư luận gần đây không ít lần xôn xao về những vụ thi hộ, thi thuê bao cả đường dây, rồi những vụ móc nối làm lộ đề thi, “đút” chỗ nọ, “lót” chỗ kia.. Những vụ làm ăn như thế có giá trị cả vài triệu, thậm chí vài chục, vài trăm triệu.

Học trò là thế nhưng không chỉ có học trò mới liên quan đến gian lận. Những bài kiểm tra, những kì thi, cả thi tốt nghiệp, nhà trường, thầy cô không phải không biết những chuyện gian lận, những thái độ sai trái mười mươi của học trò. Nhưng họ vẫn bỏ qua hay làm ngơ! Những kì thi tốt nghiệp luôn tấp nập với mỗi ngôi trường, các thầy cô giáo chỉ bảo học trò làm thế nọ, làm thế kia cốt để “qua”. Thậm chí có trường đã dành cả chiếc máy phô-tô để sao bài giải sẵn, “ném” vào cho thí sinh. Còn phụ huynh, họ cũng chẳng “kém cạnh”. Họ chạy ngược, chạy xuôi đút lót chỗ nọ chỗ kia mong cho con em mình thi đỗ. Và tất cả những cái đó đã tạo ra những ki thi “phao” thả trắng trường thi, những vụ gian lận xôn xao dư luận.

Tại sao vậy? Tại sao cứ có thi là có gian lận, có sai trái? Vì một lẽ rất tự nhiên: ai cũng thích thành đạt, ai cũng thích danh tiếng (Rõ ràng điều này liên quan mật thiết đến căn bệnh thành tích của xã hội). Học sinh ai cũng muốn được khen thưởng “Con ngoan trò giỏi”, sau mỗi lần thi đỗ là một chân trời mới, một tương lai tươi sáng sẽ mở ra trước mắt. Nhưng đâu phải ai cũng chăm chỉ học hành, chưa kể có người lại vô cùng lười nhác. Vậy là khát vọng được điểm cao đã làm mờ tối những tâm hồn học trò vốn rất đỗi vô tư, trong sáng. Phụ huynh lại có niềm tự hào, sung sướng riêng khi có thể cất cao giọng: “Con tôi đỗ trường nọ, đồ trường kia, điểm thế nọ, điểm thế kia”. Điều đó trở thành áp lực đối với con cái, tiếp tay gián tiếp cho gian lận. Chưa yên tâm, các bậc phụ huynh còn thể hiện sự tận tâm với công việc học tập của con cái hơn băng cách “đi thầy”, “chạy điểm”,... Điều đó vô tình tạo thành những cuộc chạy đua gay cấn trước mỗi kì thi của con cái họ. Với nhiều nhà trường, tình hình cũng tương tự như vậy. Gian lận đi từ những chỉ tiêu, kế hoạch những mục đích giáo dục đề ra hàng năm, hàng quý, hàng tháng,... Song thay vì chuyên tâm vực dậy phong trào học tập của nhà trường, họ “cấy điểm”, “làm điểm” thậm chí tiếp tay cho những sai trái, gian lận của học sinh.

Thành công sau mỗi kì thi, đặc biệt là những kì thi quan trọng: thi tốt nghiệp, thi đại học,... có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó mở ra một trang mới tươi đẹp hơn cho mỗi người. Vinh quang ấy đáng ra phải được đền bù bởi những cố gắng, chăm chỉ học hành nhưng thật tiếc thay, chỉ cần một ít tài liệu, một số tiền bỏ ra cộng với một chút mánh lới là bằng thậm chí hơn cả những người chăm chỉ, nghiêm túc học hành? Vậy là không ít “sĩ tử” không chịu được cám dỗ, sẵn sàng đi vào con đường sai trái. Còn với nhà trường, hậu quả của lối “học giả” khiến những học trò hổng kiến thức và hơn ai hết, những thầy cô biết số học trò này mà “đem chuông đi đấm xứ người” thì chắc chắn sẽ bị “người” “đấm” lại. Nhưng như thế sẽ không đạt chỉ tiêu cấp trên giao cho, sẽ không được khen thưởng, quá tai hại! Vậy là những kinh nghiệm truyền đời được lan ra, những công cụ trợ giúp tận dụng hết mức... “Tất cả vì con em chúng ta!”.

Song, như quy luật đã được định trước, sai là phải trả giá. Những mơ ước về tương lai sung sướng, đầy đủ bằng đánh đổi gian lận sẽ biến con người ta trở nên tội lỗi, ma mãnh hơn. Những học trò lười nhác, gian lận vô tình đã đánh mất tuổi thơ trong sáng bởi đã phải quá sớm lo nghĩ làm thế nào để qua được mỗi kì thi thôi. Đồng thời, những thái độ sai trái, những hành vi tội lỗi sẽ bị pháp luật trừng trị. Đã từng có biết bao học sinh bị cấm thi, đuổi khỏi trường thi vì gian lận. Những câu chuyện đau lòng về một số sinh viên tài năng bị đuổi vì thi hộ, thi thuê. Tương lai tươi sáng chẳng thấy đâu mà chỉ thấy cuộc đời sụp đổ trước mắt, thậm chí có người còn rơi vào vòng tù tội, kiện cáo. Và những phụ huynh hám danh thì có được cái danh tiếng lẫy lừng về con người gian lận; những thầy cô hám lợi phải hối hận, bị mọi người trách móc, phạt vì những hành vi sai trái. Những thầy cô, đáng lẽ phải là tấm gương tốt cho học trò noi theo, dạy cho họ những gì tốt đẹp thì... Hơn tất cả, đó chính là nguy cơ tiềm ẩn nơi ung nhọt nằm trong cái vỏ hào nhoáng của các cấp giáo dục mà bấy lâu ta vẫn yên tâm. Trong ấy, những học sinh học mà chẳng có kiến thức (dù vẫn “giỏi” như thường) nên mới có câu chuyện “cười ra nước mắt”. Học trò lớp Bảy mà vẫn chưa biết đánh vần và những kì thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông với bảng điểm không môn Sử. Đau đớn thay, học hành mười mấy năm trời mà có em không biết ai là vị vua đầu tiên của nước ta! Những sai trái, gian lận trong thi cử chẳng qua là hệ quả tất yếu của lối học hình thức rỗng tuếch, làm hỏng đi bao con người, kẻ gian thi đỗ thì chẳng biết, kẻ biết thì trượt, chẳng ai sung sướng cả.

Tiếc thay, đó vẫn là sự thật, suốt mấy nghìn năm. Muốn không có sai trái, không có gian lận trong thi cử thì chẳng khác nào mò trăng đáy  nước vì ở đâu cũng có những kẻ lười biếng, hám danh. Nhưng không thể vì thế mà không ngăn chặn. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra những biện pháp, chủ trương mới rất được mọi người đồng tình. Muốn có nền giáo dục tốt phải có thế hệ giáo viên tốt, làm gương cho học sinh noi theo; kiên quyết xử lí những hành vi gian lận; sẵn sàng cho học sinh học lại để cung cấp đầy đủ kiến thức cho học sinh... Có như vậy mới mong sẽ ít đi những hành vi sai trái. Sự thật, kì thi tốt nghiệp THPT mới đây, xấp xỉ 67% thí sinh thi đỗ. Thấp, rất thấp so với những con số 100%, 99%,... trước đây, song đó là dấu hiệu thể hiện lòng quyết tâm chống gian lận. Thấp nhưng khiến nhiều người vui mừng vì điều đó báo hiệu một sự “bắt đầu lại” có thể sẽ cho một kết quả tốt hơn!

Sai trái trong mọi việc đều bị lên án và sai trái trong thi cử lại cần đáng lên án hơn nữa. Vậy thì, nếu như giáo dục là sự nghiệp, là trách nhiệm của toàn xã hội thì công cuộc chống lại sai trái, gian lận trong thi cử cũng cần được thúc đẩy nhanh trở thành xã hội hóa. Cả xã hội chung tay, chắc chắn vấn đề sẽ nhanh chóng được giải quyết.

BÀI CÙNG NHÓM