DÀN BÀI
A. MỞ ĐỂ:
+ Giới thiệu cuộc hành trình sau buổi tổng kết năm học.
B. THÂN BÀI:
+ Diễn biến của chuyến tham quan:
+ Mọi người đi bằng thuyền xuyên qua các kênh rạch chằng chịt.
+ Sự ngạc nhiên của mọi người trước vườn cây trái nhà ông Mười.
+ Chúng tôi được thưởng thức, được nhấm nháp vị ngọt của các loại cây trái trong khu vườn.
+ Tôi mơ ước mình cũng sẽ có một vườn cây như vậy.
C. KẾT LUẬN:
Trong mơ, tôi đã thấy mình có cả vườn cây trái. Trong cả hiện thực, tôi cũng muốn sẽ có một vườn cây như vậy.
BÀI LÀM
Buổi tổng kết cuối năm học vừa kết thúc, mấy đứa chúng tôi rủ nhau về nhà bạn lớp trưởng để làm một cuộc hành trình mà chúng tôi từng ao ước: đi thăm cây trái miệt vườn ở vùng cù lao trù phú và xanh tươi phía trên con sông lớn của xã.
Chiếc thuyền nhỏ đầy ắp tám chín đứa chồng chềnh rời bến. Cũng may là con nước đang ròng, thúyền chúng tôi cũng xuôi theo dòng. Mai và Trúc là hai thủy thủ đã quen với sông nước và kênh rạch nên được giao nhiệm vụ chèo xuồng. Chúng tôi được lệnh ngồi yên không nhúc nhích. Thuyền qua lại, luồn lách trên những con mương nhỏ ngang dọc. Chằng chịt hai bên bờ toàn là cây trái. Sau mười lăm phút, chúng tôi cập bến. Người nhà ông Mười đã được báo trước, ra đón chúng tôi. Ông dẹp đám gai chanh phủ xung quanh vườn cho chúng tôi bước lên. Trước mắt tôi là một thiên nhiên đẹp tuyệt vời với muôn vàn những màu sắc mới mẻ, tinh khôi. Chúng gây ấn tượng thật mát mẻ, ngọt ngào. Bao nhiêu là thứ trái cây chín ẩn mình trong những tán lá xanh rì. Những trái chôm chôm đỏ ối trĩu cành. Nhìn từ xa, những trái chôm chôm kết bạn với nhau thành từng chùm và những cái gai mềm mại chuyển sang dần màu đen cứ tỏa ra như một bông pháo chưa kịp nổ hết mình. Cành cao, cành thấp đều oằn những trái. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghĩ rằng tại sao cây nhỏ và mảnh như vậy lại có thể bồng bế lũ con đông đúc và sai nặng mà cây không gãy. Ông Mười nói rằng, ông cũng rất chú ý đến cành sai, nêu nhìn kỹ sẽ thấy những sợi dây gân buộc chằng chịt, những cành to, cành nhỏ vân vít nương tựa nhau. Những chùm lớn ở gần đất đã được ông Mười chống bằng cái nạng ba rất vững. Ông Mười xoa đầu Mai đang ngồi thừ trước một chùm trái lớn, bạn ấy cứ mải mê như bị thôi miên. Bạn ngước đầu lên nói một câu thật hồn nhiên: Ôi! Kỳ diệu quá. Ông Mười cho phép chúng tôi ăn. Chúng tôi vây quanh gốc cây, Mai chuẩn bị mở tiệc. Nhưng ông Mười lại cười và ra hiệu cho chúng tôi ngừng tay. Ông nói, chỉ cho phép mỗi đứa ăn một trái thôi, và phải nhấm nháp thật kỹ mùi vị của nó, sau đó ông sẽ cho thưởng thức loại chôm chôm khác. Tôi ngạc nhiên nhìn ông Mười, nghi ngờ:
- Ửa, chôm chôm sao mà lại có nhiều loại thế hả ông? Cháu cứ tưởng là...
- Thôi mà, cháu cứ ăn phần của cháu đi rồi hồi sau sẽ phân giải... Nhận trái cây từ tay ông, tôi cố nhấm nháp thật kỹ. Chao ôi, vị ngọt và hương thơm của nó làm cho tôi thấy chưa bao giờ nếm được những trái chôm chôm như vậy. Chúng tôi đi sang góc vườn phía xa. Ở đây không phải chỉ họ hàng chôm chôm chiếm ưu thế nữa mà đã có những loài cây mới. Những cây boòng boong in mình xuống mặt kênh. Xanh um và mát cả một vùng trời là những cây măng cụt. Đây rồi, những cây chôm chôm của ông Mười đang phô màu đỏ au đón chúng tôi. Chúng tôi thi nhau nhận xét về nó.
Ông Mười khen: Các cháu thông minh quá. Nhưng các cháu đã biết câu tục ngữ: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn chưa nào?, cháu nào giải thích được câu nói đó, ông sẽ cho nếm thử trái đầu.
Chúng tôi đồng loạt giơ tay và tranh nhau xin ông Mười cho phát biếu. Cô bé Mai ít mồm nhất được ông chỉ định. Mai nói: “Thưa ông Mười... như vậy thì... trái chôm chôm này sẽ ngon hơn lúc nãy bởi nó tốt, nó ngon tự bên trong, mặc dầu “nước sơn” bên ngoài nó không đẹp...”.
Ông Mười đã bóc vỏ sẵn cho Mai ăn. Nhìn bạn nhai chậm chạp và từ tốn, chúng tôi ai cũng ứa nước miếng. Sau khi ăn, Mai, thốt lên cái câu quen thuộc của bạn: Ôi! tuyệt diệu!. Sau đó, chúng tôi được ăn những trái chôm chôm gọi là chôm chôm Long Khánh ấy. Thật đúng như Mai nói, nó ngọt dịu hơn, thơm bùi hơn và mọng nước hơn.
Chúng tôi lại theo ông Mười rảo bước trên những lớp lá khô của khu vườn dường như không dấu chân người này. Ôi nhìn những thảm lá khô cứ gợi lên phong cảnh thu tàn trong văn học mà chúng tôi đã được học, mặc dầu cô giáo đã nói rằng ở đất phương Nam này không có mùa thu...
Sừng sững giữa vườn là những cây sầu riêng lủng lẳng bu quanh những cành cây rắn rỏi và cao vời ấy là những trái to đầy gai góc, một mùi thơm ngào ngạt tỏa ra khắp vườn.
Chúng tôi như lạc vào xứ thần tiên. Mùi sầu riêng, mùi nhãn chín... thật ngào ngạt. Chúng tôi lóa mắt bởi muôn vàn màu sắc từ tầng cao đến tầng thấp của cây trái. Màu vàng của boòng boong, của cóc, màu trăng trắng của nhãn chín và màu nâu sậm của măng cụt...
Cây nào cũng đầy trái là trái, cành lá xum xuê, rậm rịt, đan vào nhau, tạo thành một chiếc dù tuyệt vời giữa trời trưa nắng gắt.
Chúng tôi đi, rảo khắp khu vườn và tìm được ba trái sầu riêng chín. Ông Mười khui cho chúng tôi ăn. Vừa khui sầu riêng, ông Mười vừa kể cách trồng cây trái và nói về mùi vị từng loại. Ông kể say sưa và chứng tôi cũng theo dõi một cách say sưa. Tự nhiên tôi cảm thấy ghen tị với ông Mười và ước mơ có được một vườn cây như vậy. Cứ thế, chúng tôi dùng thuyền đi hết từ bờ này đến bờ kia và được chén trái cây no nê. Khi trời đã xế chiều, chúng tôi cáo từ ông Mười và lại lên xuồng ra về.
Đến nhà rồi mà mùi trái cây cứ còn vương mãi theo tôi. Tôi thật thích thú khi nghĩ rằng: mai đây khi lớn lên, mình sẽ trồng một khu vườn cây ăn trái như thế để đem lại nguồn kinh tế lớn cho gia đình và để nuôi cha mẹ già một cách chú đáo hơn. Và tôi hôm đó, tôi đã mơ, tôi thấy khu vườn của tôi sao giống khu vườn của ông Mười quá.