Phòng tranh Nam Phương không rộng lắm, nhưng chứa ngập cả tranh. Bức thì long lanh sương sớm trên cành hoa, bức thì mang vẻ u tịch trong đêm vắng. Có cảnh chiều mưa trên phố nhỏ, bác xích lô đang vất vả đạp gò lưng. Lại có cảnh Hà Nội xưa có cô gái mặc áo tứ thân đỏ thắm sắc màu, tay cầm quạt gấm trước chùa Một Cột...
Tôi mê mải ngắm bức tranh giữa phòng. Cả một cánh đồng vàng óng của quê hương trải dài tới chân trời. Xa xa, thấp thoáng bóng người đang gánh những gánh lúa trĩu vai. Một cánh cò bay về phía nào xa thẳm. Trên đồi vắng, những lũy tre xanh chắc đang rì rào. Chú bé ngồi lưng trâu, đang thổi vút lên một điệu sáo yêu đời, thanh bình. Dòng sông đang reo gợn lên những làn sóng nhẹ. Chiếc cầu vồng ngũ sắc nhạt dần phía cuối trời. Một cơn mưa vừa dạo lướt quanh đây để lại những giọt nước long lanh trên cành hoa. Những cây dừa xanh phe phẩy chiếc lược, chải lại mái tóc thiên nhiên trên quê hương.
Họa sĩ Trương Văn Ý đã dùng các màu sắc hài hòa để vẽ một cảnh đồng quê đang mùa gặt hái rất sinh động. Nhìn tranh, tôi hình dung ra quê hương mình hiện giờ cũng đang mùa gặt hái, lúa vàng màu nắng chất những đống cao ngất.
Cám ơn người họa sĩ tài ba đã giúp tôi như được về lại quê hương mình từ thuở ấu thơ, với đồng ruộng ngọt ngào hương lúa, với lũy tre và chú bé ngồi thổi sáo. Từ giã phòng tranh, tôi vẫn không thể nào quên được khung cảnh làng quê, tôi vừa đi vừa thầm hát:
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày...
Qua tranh “Tiếng sáo trên đồi”, họa sĩ đã gửi về quê hương cả một niềm thương nhớ. Ôi! Đẹp quá quê hương! Xin cài lên đó những đóa hoa trà mi trắng muốt nói hộ cảm xúc cho tôi!