Vùng đồi quê ấy, dành cho cọ. Tôi được ru trong mái nhà mát rượi, nhỏ bé, mái cọ lợp đầy, hàng rào bằng cẳng cọ, máng nước dẫn vào bị chiếc vại sành bằng thân một cây cọ đang thì... Lời mẹ hát:
Quạt xanh, ngọn gió cũng xanh
Cha con lên thác xuống ghềnh lầm than
Ngủ đi con ngủ cho ngoan
Cọ xanh làm lọng làm tàn chở che...
Giấc ngủ của tôi trong màu xanh đồi cọ với những lọng tàn mơ ước. Khi dậy, bóng cọ vào tận thềm nhà, mang theo đủ, tiếng chim hót ban mai. Tiếng con khướu ríu ran ở dưới tầng cọ thấp, tiếng sáo lang hồ bởi ở những lùm cọ lít trên cao...
Cọ quê đẹp đủ các tầng... Đồi cọ thường uốn lượn theo các thung lũng trung du. Lũng lúa, hoặc ao sâu, hoặc một lạch nước giữ cho độ phì nhiêu của một vùng đệm của rừng núi, bên cạnh một bờ sông... Khi làm trẻ mục đồng thì tán cọ đã nhập hồn vào đám trẻ làng... Chúng tôi chọn những thân cọ già, chẻ ra, làm gậy, làm gươm, làm tay thước. Và chiến trận đủ kiểu xảy ra trong những rừng cọ. Trận mưa đá nện cho cái đám trẻ chăn trâu hống hách làng bên một bữa nhớ đời. Trận bắt sống tên trùm sò làng Hạ nửa người nửa ngợm, hay rình rập để chòng ghẹo các cô gái làng tôi. Cả những trận máu "Yêng hùng" nổi lên, không có đối thủ, thì chia đôi ra để mà đánh nhau, thử tài cao thấp... Những năm ấy, ai làm tướng thì được che lọng (tất nhiên cũng bằng lá cọ) khi chiến thắng trở về... ai có công thì đi sau tướng. Bắt được một tù binh được che một lọng, bắt được hai, được che hai lọng... Thời trẻ chúng tôi, vinh quy đỗ trạng đã tắt ngóm tự bao giờ... Những tán lọng uy vũ trong tôi và các bạn bè vẫn thiêng liêng và không làm sao quên nổi...
Có một cậu bé mê được che lọng một lần, cũng không sao có được, bởi bé quá... thấy bạn bè được che lọng, lập được chiến công, còn mình xung trận thì chẳng bắt được ai, cậu ta khóc hu hu... Cậu bé bạn tôi ấy, tôi đã nhường lọng của tôi che cho cậu một lần, sau này làm trung tá trong cuộc kháng chiến chống Pháp, làm thiếu tướng trong chiến tranh chống Mĩ, khi tôi đến "cậu" coi tôi là thượng khách và cười ầm lên khi thấy tôi lại theo nghề văn mà không theo nghề võ...
Tôi yêu cọ như làng chài yêu thuyền... Những năm xa quê, về thành phố, hoặc đi chiến đấu thật xa, nỗi nhớ quê đầu tiên là những tán cọ rì rào ở đầu thềm. Những trận mưa trên cọ râm ran, ầm ào... Những trận gió những cơn bão từ đâu thổi đến, khiến cho rừng cọ nghiêng ngả vật lộn, gió rú rít gào thét trong những tán cọ... sấm chớp rạch ngang, bổ dọc, gió vặn hết lớp cọ già, cọ đang xoan, rồi chà xuống uy hiếp cả đám con non mới; xoè ra được một vài tán lá... Nhưng rừng cọ sau cơn mưa vẫn đẹp lạ thường vẫn che chở được cho làng, cho hoa màu, lúa má. Bài học của rừng cọ chính là bài học của những cuộc chiến tranh giữ nước. Khi đi chôn cất bè bạn của tôi, đứng lặng trước mộ, trước khi vào cuộc chiến đấu mới, tôi nghĩ đến những thân cọ bị gẫy sau cơn bão, đến những tán cọ bị sơ tướp, nhưng chỉ vài ba tuần lễ, rừng cọ vẫn rì rào ca hát, đầy sức sống hát cho cả những cây gục trong bão, những tán lá bị tướp táp trong mùa đông...
Thành phố gọi tôi về. Tôi vẫn không bao giờ quên rừng cọ... Đêm tôi bay về với rừng cọ của tôi... Tôi treo một tranh cọ ở trong nhà ở một hoạ sĩ một thời từng sống gắn bó với trung du.
Cho đến những năm sau này, đất đai trở nên cấp bách, làng tôi đã phá những đồi cọ để làm nhà, làm ruộng, trồng chè, trồng dứa. Những rừng cọ tuổi thơ hầu như đã vắng bóng... Những đứa trẻ mới sinh ở trong những ngôi nhà ngói... Đồi quê chang chang nắng... Rừng cọ cuối cùng đang cháy nghi ngút. Một nỗi đau vô cớ ùa ngập trong lòng tôi... Nhưng làm sao được; cuộc vận chuyển luân hồi, để có những làng quê văn minh, ắt hẳn phải đụng chạm đến những thứ dù đẹp mà chẳng làm ra được mấy tiền. Lớp trẻ mới vui với hon đa, với dàn cát sét, những rừng cọ đã biến dần trong các làng trung du... Những cơn giông, cơn bão, không còn bị cản lại bởi những bìa cọ trùng trùng điệp| điệp. Nhưng những ngôi nhà mới vẫn bền vững. Những chủ nhân mới của làng vui theo kiểu khác...
Nhưng với tôi, thì tôi vẫn sẽ là hiệp sĩ của rừng cọ tuổi thơ mà trên đầu mình, trong buổi thắng trận được che tới hai chiếc lọng xanh...