Trong văn học dân gian Việt Nam, đặc biệt là trong ca dao dân ca ta bắt gặp hình ảnh con cò rất nhiều. Con cò bay lả trên cánh đồng quê gợi cuộc sống yên ả, thanh bình, cánh cò bay chấp chới trong lời ru ầu ơ mỗi trưa hè. Hình tượng con cò qua nghệ thuật ẩn dụ còn được mượn để tái hiện thân phận con người, gửi gắm tâm tư. Một trong số đó là bài ca dao:
Con cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Ông ơi! Ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nuớc trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Đọc bài ca dao, ta thấy có thơ, có cả truyện. Hình tượng con cò được xây dựng giàu ý nghĩa, gợi cảm mà vẫn mang những triết lí sâu xa. Bắt đầu với giọng kể, bài ca dao cho ta biết về sự việc con cò gặp nạn:
Con cò mà đi ăn đêm Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ta dễ dàng hình dung về cái rủi ro của cò bởi sự cụ thể đến từng chi tiết: lâm nạn lúc đi kiếm ăn, thời gian: ban đêm, nguyên nhân: đậu phải cành mềm và hậu quả là: lộn cổ xuống ao. Chừng ấy thông tin, không một lời bình, tác giả dân gian đã tái hiện tai nạn của con cò cũng chính là nói đến những tai nạn, rủi ro của kiếp người, điều mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Xót xa đấy nhưng ta vẫn nhận ra sự thật đến nghiệt ngã của cuộc sống. Nó vẫn đến dù không ai đón chờ, mong đợi nó. Vậy thì cái gì đáng chú ý, đáng lưu tâm ở đây? Nếu đọc kĩ một chút, ta sẽ nhận ra dấu hiệu bất thường từ hai tiếng "ăn đêm". Câu chuyện thương tâm của kiếp cò, bắt đầu từ đây, bởi lẽ cái việc đi "ăn đêm" của con cò trái ngược với quy luật tự nhiên của loài cò. Chúng ta đều biết rằng vạc mới là loài vật đi ăn đêm. Vậy thì cớ gì, con cò kia, loài vật vốn không được sinh ra để đi ăn đêm ấy lại phải "đi ăn đêm"? Rõ là điều không bình thường. Và dù bình thường hay không bình thường thì việc con cò lâm nạn cũng khiến lòng ta người nào có thể dửng dưng. Đặc biệt là khi ta nghe tiếng con cò lâm nạn ấy kêu cứu:
"ông ơi ông vớt tôi nao"
Tiếng kêu mới thảm thiết làm sao. Lạc giọng, đứt đoạn, tiếng kêu của sự tuyệt vọng, của kẻ sắp chết chìm đang cố ngoi lên kiếm tìm bấu víu vào rủi may. Tiếng kêu của cò xoáy vào đêm sâu, xoáy vào lòng tác giả và người đọc. Cảm thông sâu sắc, tác giả đã tưởng tượng, tái hiện tiếng kêu cứu của cò với tất cả nỗi đớn đau. Và nỗi đau đớn của kiếp cò ấy gieo vào lòng ta sự ngậm ngùi khi liên tưởng đến kiếp người. Những người lao động trong xã hội xưa cũng bị nhấn chìm trong đói khổ, trong áp bức, trong nô lệ, trong màn đêm mịt mù của bế tắc không tìm nỗi ánh sáng, lối đi. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, khát vọng được sống, bản năng sinh tồn vẫn tha thiết gọi cò. Bởi thế, nó vẫn thèm được sống, được cứu vớt cho dù hi vọng đó thật mong manh. Và tận cùng trong nỗi sợ hãi, trong bế tắc, cò vẫn hiểu được tình thế oái oăm của mình. Đặt trước nhiều tình thế, cò vẫn nói ra điều mà nó hướng đến:
"Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng"
Bi kịch, bế tắc. Ta xót xa thương kiếp cò, kiếp người không lối thoát. Mối liên hệ, sự tương đồng sâu sắc giữa cảnh ngộ của cò và những người lương thiện trong xã hội cũ càng làm cho giá trị nhân văn, giá trị hiện thực và triết lí sâu xa của bài ca dao được nhân lên. Gặp hoạn nạn người ta không thể khống kêu cứu, không cậy nhờ người khác giúp mình, đỡ đần mình. Nhưng không phải sự giúp đỡ nào cũng vô tư, hào hiệp, không phải cánh tay nào đưa cho ta cũng là chỗ dựa an toàn khi mà xã hội còn vô số áp bức, bất công. Bời thế, rất có thể sự cứu giúp lại dẫn con người đến nỗi khổ và tai hoạ mới có thể còn lớn hơn. Vậy là câu thơ đã nói đúng chuyện thực của cò và cũng rất đúng chuyện thực của người nữa. Xót xa biết bao khi ta đối diện với sự thực ấy.
Khi đọc đến hai câu cuối cùng thì lòng ta lại dâng trào cảm xúc mới. Cạnh nỗi xót xa cho kiếp cò, kiếp người, ta thấy khâm phục vô cùng những con người lâm nạn ấy. Tha thiết sống nhưng vẫn bình tĩnh để nhận ra sự thật và bày tỏ lòng mình:
"Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con"
Dụng ý và giá trị tư tưởng của bài ca dao đã được thể hiện đầy đủ và sâu sắc ở câu cuối này. sống đục sao bằng thác trong. Sự băn khoăn day dứt nhiều nhất lúc này không phải sống hay chết mà là chết ra sao. Và rõ ràng, cò đã lựa chọn: "Có xáo thì xáo nước trong" - tức là lựa chọn cái chết và cách chết. Cao thượng và thành thực, đáng thương và đáng trọng, sự lựa chọn của cò đem đến cho ta niềm tự hào, niềm kiêu hãnh về phẩm chất của con người. Những người lao động bình thường, chân chất, những con người thô mộc chân quê lại vô cùng ngạo nghễ kiêu hãnh khi cần bảo vệ nhân phẩm của mình. Càng cảm động và khâm phục hơn khi biết cò không muốn chết đục và sợ "đau lòng cò con". Cò con ở đây có thể là chính con cò lâm nạn - một cách nói khiêm tốn. Cò con cũng có thể là con cò bé dại, chưa đủ khoẻ, đủ khôn nên mới kiếm ăn đêm và đậu phải cành mềm. Nhưng có lẽ ta hướng nhiều hơn đến cách hiểu "cò con" là con của cò đang gặp nạn. Theo các hiểu này, ý nghĩa nhân văn của bài ca dao càng thấm đẫm hơn. Quên nỗi đau của mình, cò đang nghĩ đến cháu con, nghĩ cho thế hệ tương lai. Nghĩa là khi lựa chọn cách chết nó đã lo cho sự đau lòng, cho sự hổ thẹn, nhục nhã của con cháu khi bản thân nó bị xáo "nước đục". Một lần nữa ta lại thấm thìa lời răn "Giấy rách phải giữ lấy lề". Cò đã sống thế và chết như thế. Bóng dáng người nông dân ẩn hiện, thắp thoáng phía sau bóng cò. sống là cho, chết cũng là cho. Bao thế hệ người Việt Nam đã sống với phương châm ấy. Hi sinh bản thân mình vì người khác, giữ gìn phẩm giá đến hơi thở cuối cùng, con cò xưa hay những người chiến sĩ cộng sản nay đã làm rực sáng phẩm chất truyền thống quý báu ấy.
Còn chúng ta ngày nay, ta nghĩ gì, làm gì để giữ gìn nhân phẩm của mình giữa bao cám dỗ của cuộc sống đời thường. Ta sống ra sao cho mình và cho mọi người quanh ta? Tôi - bạn hãy tự tìm cho mình câu trả lời để dù trong hoàn cảnh nào cũng không hổ thẹn với gia sản tinh thần vô giá mà cha ông để lại.