DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
A. MỞ BÀI:
(Phát biểu cảm nghĩ chung)
+ Truyện cổ tích Nga Ông lão đánh cá và con cá vàng có sự gặp gỡ ở phần mở đầu và phần kết thúc: Bà vợ lão đánh cá ngồi trước túp lều tranh với cái máng lợn ăn sứt mẻ.
+ Làm cho em suy nghĩ đến sự thành bại trong đời.
B. THÂN BÀI:
(Phát biểu cảm xúc)
1. Khác với mọi người trong truyện cổ tích, em rất băn khoăn vì không biết ai thiện và ai ác? Ở đây ông bà lão nghèo đều là phe thiện nhưng sao họ không được hạnh phúc?
2. Ông lão đánh cá làm ơn nhưng không cần trả ơn. Bà lão vợ ông lại tham lam và ông lão phải nghe lời vợ.
Em cảm thông và quí ông lão nhưng không khỏi trách lão nhu nhược yếu đuối.
3. Phát biểu cảm nghĩ về mỗi lần lòng tham của mụ vợ ông lão được tăng cấp là mỗi lần em càng ghét mụ hơn. Sóng biển cũng như con người tỏ thái độ với mụ rất rõ. Đánh giá ân nghĩa của cá vàng: nhẫn nhục chấp nhận vì thấy ơn cứu mạng ông lão đối với nó rất lớn.
4. Mụ vợ tham lam cho nên đã trở thành phe ác và mụ phải bị trừng trị. Riêng ông lão cần phải cảnh cáo ông vì ông đã nhu nhược đến nỗi thành nô lệ, cùng làm điều ác.
C. KẾT LUẬN:
- Câu chuyện giải quyết như vậy là thỏa đáng.
+ Em căm ghét mụ vợ ông lão.
+ Em cũng không đồng tình với ông lão vì đã để mụ vợ điều khiển và để cho lòng tham lợi dụng.
BÀI LÀM
Câu chuyện cổ tích Nga Ông lão đánh cá và con cá vàng được Puskin viết lại, có phần đầu và phần kết thúc rất giống nhau. Hình ảnh của bà vợ ông lão ngồi trước cái máng lợn ăn sứt mẻ, cứ làm cho em suy nghĩ rất nhiều đến sự thành bại trong cuộc đời.
Mới nhìn qua, ai cũng nghĩ rằng câu chuyện không có sự phát triển. Số phận nhân vật cũng không có gì thay đổi. Nhưng có lẽ cái độc đáo lại nằm ngay trong chỗ đó. Thông thường mọi chuyện cổ tích đều kết thúc với hạnh phúc, cái tốt đẹp dành cho người lương thiện và cái ác, cái nhiễu nhương bao giờ cũng bị trừng phạt đích đáng. Ở đây, ai là đại diện cho cái thiện? Ai là đại diện cho cái ác? Người nghèo khổ có gặp may và có hạnh phúc không?
Em rất bối rối khi phải trả lời những câu hỏi đó. Phải rồi, trong truyện cổ, những kẻ nghèo hèn thấp cổ bé họng thường là đại diện cho phe thiện. Ở đây, vợ chồng ông lão đánh cá sống rất khổ bởi tài sản của họ chỉ là một túp lều tranh rách nát, và một cái máng lợn ăn cũng chẳng được nguyên lành.
Chuyện bắt đầu bằng việc ông lão đánh cá bắt được chú cá vàng biết nói giọng người. Theo lời cầu xin của cá, ông lão không ngần ngại và rất vô tư khi thả cá về biển cả. Ông lão thật tốt khi từ chối một sự đền ơn đáp nghĩa. Cá vàng nói rằng nó sẽ đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi mà nó có thể làm được để cho ông lão được hạnh phúc, còn ông lão thì từ chối, cho việc mình làm là bình thường nên chẳng quan tâm gì nữa.
Đọc câu chuyện, em rất thương ông lão, nhưng phần nào cũng thấy tức bực bởi cái tính nhu nhược, yếu đuối của ông trước mụ vợ tham lam. Lòng tham của mụ vợ ông lão quả là không đáy. Từ những ham muốn tầm thường mụ đã nâng cấp dần lên thành những ham muốn ghê gớm, làm cho biển cả, trời đất cũng nổi giận lôi đình...
Việc đòi hỏi đầu tiên của mụ là mong mỏi cái máng lợn ăn được mới mẻ. Ta có thể thông cảm vì sự đòi hỏi ấy thật hợp lý. Biển phẳng lặng hiền hòa và chấp nhận điều đó.
Mụ vợ không dừng lại, mụ không chỉ mắng chồng mà quát to lên với ông lão tội nghiệp. Mụ đòi một cái nhà rộng. Biển xanh đã nổi sóng lên rồi.
Được nhà cao, cửa rộng mụ không muốn làm thứ dân nữa mà muốn làm nhất phẩm phu nhân! Cá vàng cũng nhẫn nhục chấp nhận điều đó. Thế mới biết cái ơn nghĩa cứu mạng nó to lớn biết chừng nào!
Ước mơ lên tột đỉnh và mụ cũng được thỏa mãn, mụ được làm Nữ hoàng. Biển xanh đã nổi sóng mù mịt như nói lên sự thịnh nộ của đất trời. Cùng với chức vị, mụ trở nên vô cùng tàn nhẫn. Không chỉ quát tháo mà mụ đã xua đuổi chồng mình làm đầy tớ quét dọn chuồng ngựa. Thật vô ơn bạc nghĩa đến mức ấy là cùng! Có thể nói, chính nhờ ông lão mà mụ vợ mới có được địa vị cao sang ấy. Mụ không hề có chút ơn nghĩa với người đã giúp mình leo lên danh vọng mà nạn nhân đầu tiên mụ trừng phạt lại chính là người đưa mụ lện cao. Chúng ta cực kỳ phẫn nộ với mụ còn một lí do khác nữa: Ông lão đánh cá là người đã sống với mụ trong một túp lều tranh, đã mặn nhạt chua cay với nhau từ ngày kết tóc xe tơ. Đuổi một người đem hạnh phúc cho mình đã là tàn nhẫn. Đuổi người chồng của mình đi, điều đó tàn nhẫn biết chừng nào?
Cuồng vọng cuối cùng của mụ vợ bị sụp đổ. Mụ muốn được làm Long Vương để cai quản cá vàng. Thật là một ý nghĩ ngông cuồng và ngu xuẩn. Mụ bị trừng phạt thật là xứng đáng. Trở lại lúc ban đầu cuộc đời nghèo đói xưa kia, mụ lại ngồi trước túp lều tranh rách nát và cái máng lợn sứt mẻ.
Tại sao cá vàng không trừng trị mụ bằng cái chết? Tại sao không cho ông lão được sống hạnh phúc?
Theo em, dù sao thì mụ vợ ông lão đánh cá chỉ mới bộc lộ lòng tham lam. Mụ xuất thân từ phe thiện để chuyển dần sang phe ác, nhưng mụ chưa kịp làm điều ác. Việc đuổi chồng mình xuống quét chuồng ngựa chỉ là bước khởi đầu mụ có thể nhúng tay vào máu. Nhưng cá vàng đã kịp thời cho mụ thấm thía và cho mụ trả giá những ước vọng tham lam của mình. Ôi, nếu cá vàng chiều chuộng mụ thêm một vài lần nữa, chắc có lẽ mụ chẳng ngần ngại sai quân hầu bóp cổ ông chồng mình. Và cá vàng cũng chẳng bao giờ yên thân với mụ. Quả thật, người ta chỉ có thể trở nên hạnh phúc khi không từ bỏ bản chất lương thiện của chính mình.
Còn ông lão? Chúng em đã tranh cãi rất nhiều về nhân vật này. Chúng em đã nhất trí với nhau về cách giải quyết trong câu chuyện: Ông lão chỉ đáng thương và có cảm tình bởi không tham lam, bởi rất hiền từ. Nhưng hiền từ đến mức nhu nhược, hiền từ đến mức mù quáng để biến thành nô lệ cho cái ác quỉ bảo thì đó là điều cần phải phê phán.
Như vậy câu chuyện lại muốn nói với chúng ta một điều nữa là: Có đức tính hiền lành chưa đủ. Con người cần phải biết dùng nó để đối xử thân ái với nhau, nhưng không thể dùng nó để phục vụ cho những ý đồ ngông cuồng của kẻ khác.
Lòng tốt của ông lão chỉ nên xử sự với cá vàng thôi chứ không thể dùng cho bà vợ quá quắt, tham lam. Cho nên phần nào cảm thông với ông lão, em vẫn thấy số phận của ông như vậy, cuộc đời của ông như vậy là đúng với cuộc đời này.