Hãy phát biểu cảm nghĩ của em về những bài ca dao ân tình, nghĩa tình mà em đã học

YÊU CẨU

1. Kiểu bài phát biểu cảm nghĩ.

2. Nội dung phát biểu cảm nghĩ là những bài ca dao ân tình, nghĩa tình đã được học. Kiểu bài này học trong chương trình tập làm văn 6, nhưng nội dung ca dao khi học ở chương trình văn học lớp 7, nên đề có sự kết hợp trên là cần thiết.

3. Để làm được cần thuộc nhớ những bài ca dao ân tình, nghĩa tình. Đó là những bài ca dao về tình cảm gia đình (tình cha mẹ, ông bà, anh em, vợ chồng) tình cảm bè bạn, tình yêu quê hương. Những cảm xúc, suy nghĩ của người viết nên tập trung theo những vấn đề, có kết hợp phân tích kĩ một vài câu ca dao tiêu biểu.

BÀI LÀM

Ca dao là những câu hát dân gian mang đậm chất trữ tình. Nó thường biểu lộ tâm tư tình cảm của người dân, người thợ trong xã hội.

Mà tình cảm của con người thì thật là phong phú, đa dạng nên ca dao ân tình, nghĩa tình cũng thật đa dạng và phong phú. Những bài ca dao ân tình, nghĩa tình thực sự gợi lên trong em bao cảm xúc suy tư về tình cảm quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa.

Nói đến tình cảm, trước hết phải nói đến tình cảm của gia đình, vì mỗi gia đình là tế bào của xã hội, nhiều gia đình hợp lại thành một xã hội, gia đình có tốt thì xã hội mới tốt đẹp. Vì vậy, cho ông ta rất chú trọng đến việc chăm lo xây dựng gia đình. Điều đó là rất đúng! Và cha ông ta đã mượn ca dao để biểu lộ tình cảm trong gia đình một cách khéo léo.

Trong gia đình, tình cảm và công lao của mẹ dành cho con cái thật lớn lao, sâu nặng:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Công lao của cha mẹ to lớn sâu nặng cũng như “núi Thái Sơn” và “nước trong nguồn” là vô tận không bao giờ vơi cạn hay mất đi. Cũng vì công lao và tình nghĩa mà cha mẹ dành cho ta lớn lao và sâu nặng như thế nên phận làm con như chúng ta phải làm gì?

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới đạo con.

Phải rồi! Phận làm con là phải làm tròn chữ hiếu, phải biết tôn thờ và kính trọng cha mẹ ta. Em sẽ cố gắng sao cho “tròn chữ hiếu” với cha mẹ của mình.

Trong gia đình không chỉ có tình cảm của cha mẹ mà còn cả tình cảm anh chị em, tình cảm vợ chồng.

Trong gia đình, tình cảm anh chị em thật cần thiết:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần.

Đã là anh em phải biết thương yêu nhau, đoàn kết gắn bó, cũng như “chân” với “tay” trên một cơ thể sống mà ta không thể tách rời được. Bài ca dao đã cho em thấy tình cảm khăn khít gắn bó với nhau của anh em trong gia đình. Điều đó làm cho em thực sự phải suy nghĩ vì em chưa bao giờ biết đoàn kết với anh chị em của mình cả. Em sẽ cố gắng để trở thành người chị, người em tốt trong gia đình.

Nói về tình cảm gia đình, ta cũng không thể nào quên được tình cảm vợ chồng:

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.

Bài ca dao là lời của một phụ nữ đã lấy chồng. Người ấy rất thương chồng mình mặc dù nghèo khó “áo rách”. Cũng chính là vì họ thương yêu nhau nên họ đã cùng chung lưng đâu cật, không ngại khó, ngại khổ.

Rủ nhau lên núi đốt than

Chồng mang đồng gánh vợ mang quang giành.

Củi than nhem nhuốc với tình

Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.

Và ta cũng thấy rõ hơn tình cảm vợ chồng sâu nặng. Trong gian khó, tình cảm đó lại càng thắt chặt hơn. Phải nói rằng ca dao về tình cảm vợ chồng rất hay, giàu tình nghĩa. Nó làm cho em thực sự phải xúc động đến nghẹn ngào không nói nên lời. Chao ôi cái tình cảm đó thật thiêng liêng cao quý biết bao.

Nói tóm lại, tình cảm của gia đình trong ca dao thật phong phú và đa dạng. Nó gợi lên trong em một sự xúc động lớn lao về tình người ở đó.

Trong ca dao ân tình, nghĩa tình, tình bạn tình người, tình cảm gắn bó với công việc làm ăn cũng không phải ít. Đó cũng là tình cảm thật cao đẹp.

Trong cuộc sống tình bạn thật cần thiết:

Ra đi vừa gặp bạn hiền

Cũng bằng ăn quả đào tiên trên trời.

Tình bạn thật cao quý, thật đẹp biết bao. Nó quý nó đẹp như quả đào tiên ở trên vậy! Và hơn thế nó còn có giá trị lớn lao “bằng ăn quả đào tiên trên trời”... Đến đây em càng thấy rõ hơn giá trị của tình bạn trong cuộc sống và ta cần phải có bạn, tình bạn là cao đẹp là quý giá.

Tình người trong cuộc sống rất quan trọng và ca dao ân tình nghĩa tình biểu hiện nó cũng thật hay, thật đậm nét.

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Bài ca dao khuyên chúng ta trong cuộc sống đã là con người thì phải biết thương yêu, đoàn kết với nhau. Đó là tình đồng loại sâu nặng. Qua đây ta thấy rõ tình người trong cuộc sống, nó cao đẹp và đáng trân trọng biết bao.

Trong cuộc sống không chỉ có tình cảm giữa con người với nhau mà còn tình cảm gắn bó với công việc làm ăn và những vật thân thuộc với con người lao động. Trong lao động, họ luôn gắn bó, yêu thích những công cụ lao động:

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đẩy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Người nông dân ở đây coi trâu như người bạn thân thiết vậy! Và họ còn có thể rủ nhau đi làm việc “cày cây” nữa. Điều đó chứng tỏ tình cảm gắn bó, yêu công cụ lao động của người nông dân. Em cảm thấy vô cùng trân trọng tình cảm đó và qua đây, em thấy mình như yêu những loài vật, những dụng cụ học tập của mình hơn. Cảm ơn! Cảm ơn tác giả dân gian đã cho em thấy điều đó.

Ca dao ân tình nghĩa tình còn thể hiện tình yêu quê hương đất nước của con người:

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương

Nhớ ai tát nước bên đường hôn nao!

Bài ca dao diễn tả nỗi nhớ của một người khi xa quê hương. Người ấy nhớ về quê hương mình bằng những nỗi nhớ thật giản dị, chỉ là “canh rau muống” với “cà dầm tương” và “ai”... Điều đó chứng tỏ người đi xa có một tấm lòng yêu quê hương rất mực. Vì có yêu thì mới nhớ và nhớ đến da diết như vậy. Phải nói rằng người ra đi có yêu lắm nên mới cất lên những nỗi nhớ giản dị mộc mạc, không có gì là cao sang như vậy. Em thực sự cảm động trước nỗi nhớ đó. Và cũng thấy mình như yêu quê hơn, muốn không bao giờ phải xa quê mình cả.

Và không chỉ khi đi xa quê người ta mới thể hiện tình yêu quê mà còn thể hiện ngay trong khi họ đang ở quê mình:

Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.

Mịt mù khói tỏa cành sương

Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ.

Bài ca dao miêu tả cảnh Tây Hồ thật sinh động. Có lẽ phải yêu Hồ Tây lắm người nghệ sĩ mới vẽ lên được bức tranh sinh động về Tây Hồ như vậy. Không chỉ yêu nữa mà ở đây người nghệ sĩ còn ngầm tự hào về cảnh đẹp của Hồ Tây. Và cũng vì tự hào nên họ yêu... Em cũng thấy mình yêu Hồ Tây hơn, yêu quê hương đất nước và tự hào hơn về tất cả những gì có trên quê hương đất nước của Việt Nam.

Em sẽ cố gắng xây dựng và bảo vệ những gì tươi đẹp của quê hương đất nước.

Nói tóm lại, những bài ca dao ân tình, nghĩa tình đã diễn tả những tình cảm, sâu nặng của con người trong cuộc sống. Tất cả những tình cảm đó đều lắng sâu trong em. Và nó làm cho em thực sự xúc động. Em thấy cuộc sống này tươi đẹp, và đầy tình người. Vì thế, em thấy mình phải suy nghĩ, mình phải làm gì đấy để biểu lộ tình cảm thực sự cũng như nỗi niềm trong lòng? Có lẽ ta nên bộc lộ tình cảm đó bằng những việc làm và hành động cụ thể của một con người sống thẳng thắn, chân thành.

Nói tóm lại, ca dao ân tình nghĩa tình hay, thật ý nghĩa. Nó đã để lại trong em bao cảm xúc chân thành, sâu nặng.

BÀI CÙNG NHÓM