Niềm tự hào về truyền thống của dân tộc và tư tưởng nhân văn của Trương Hán Siêu thể hiện trong Phú sông Bạch Đằng

Trường Hán Siêu vốn là một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng của triều đại nhà Trần.Tuy nhiên, chúng ta vẫn biết đến ông nhiều hơn với tư cách là một nhà văn. Mặc dù sáng tác còn lại không nhiều nhưng với văn bản Phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu cũng đã để lại trong người đọc nhiều ấn tượng sâu sắc. Trước khi là một đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam, Phú sông Bạch Đằng là một dòng hoài niệm về quá khứ thể hiện đậm nét niềm tự hào về truyền thông của dân tộc và tư tưởng nhân vấn của Trương Hán Siêu.

Tự hào dân tộc và tư tưởng nhân văn là hai truyền thống quí báu của dân tộc Việt Nam. Văn thơ thời đại Lí - Trần có rất nhiều các sáng tác thể hiện sâu sắc hai truyền thống này: Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải)... Đến Trương Hán Siêu, một lần nữa, niềm tự hào dân tộc và tư tưởng nhân văn lại được thể hiện đậm nét.

Bài phú mở đầu bằng hình ảnh của vui thú tiêu dao của nhân vật khách. Qua lời thuật kể, người đọc có thể thấy rằng khách đã rong ruổi rết nhiều nơi:

Sớm gõ thuyền chừ Nguyền, Tương

Chiều lần thăm chừ Vũ Huyệt.

Cửu Giang, Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt,

Nơi có người đi, đâu mà chẳng biết.

Và điểm khách đang dừng chân là sông Bạch Đằng. Đi nhiều, biết nhiều nhưng không ngờ nơi đây lại khiến nguồn thi hứng của khách dạt dào đến thế (Nhân vật khách là sự phân thân của chính tác giả). Phải chăng đây là nơi cảnh đẹp:

Bát ngát sóng kình muôn dặm,

Thướt tha đuôi trĩ một màu.

Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu

Hay còn bởi đây là nơi ghi dấu những chiến tích của quân đội ta năm xưa. Với Trương Hán Siêu, tự hào dân tộc là tự hào về truyền thống yêu nước và tự hào về truyền thống đạo lí nhân nghĩa. Phân thân thành nhân vật khách và các bô lão, tác giả đã để dòng hoài niệm về cuộc chiến đấu vẻ vang của dân tộc đang dâng trào cất thành những lời ngợi ca chiến công trên sông Bạch Đằng:

- Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng nhị thánh bắt Ô Mã,

Cũng là bãi đất xưa, thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Thao.

Năm 938, Ngô Quyền đánh tan quân Nam Háh trên sông Bạch Đằng. Và tròn ba trăm năm mươi năm sau (năm 1288), cũng trên dòng sông đó, Trùng Hưng nhị thánh bắt Sống tướng giặc ô Mã Nhi. Sở dĩ các bô lão nhắc tới chiến thắng thời Trần trước là bởi sự kiện này mới diễn ra, gần gũi với họ. Chính chiến thắng này đã gợi nhớ lại chiến thắng khi xưa. Nhắc lại những chiến công oai hùng đó, trong lòng các bô lão và nhân vật khách chắc chắn đang dấy lên niềm tự hào khôn xiết. Bằng hai câu văn dài, mỗi câu mười hai âm tiết, tác giả đã tạo được không khí trang nghiêm, đĩnh đạc, làm nền cho việc hồi tưởng lại chiến trận (giữa quân đội nhà Trần và quân Nguyên - Mông) ở phần tiếp:

Thuyền bè muôn đội, tinh kì phấp phới,

Hùng hổ sáu quân, giáo gươm sáng chói.

Cách ngắt nhịp nhanh, lối đối ngẫu chặt chẽ và một loạt hình ảnh hùng dũng trong hai câu văn tái hiện sinh động không khí trận mạc quyết liệt trên sông. Các nhân vật như đang sống trong cuộc giao tranh ác liệt. Họ nhìn nhận rất chính xác về lực lượng giữa ta và địch chứ hoàn toàn không quá đề cao hay hạ thấp bên nào. Quân địch rất hùng mạnh và lại gian xảo (Tất Liệt thế cường - Lưu Cung chước dối), còn quân ta chiến đấu vì chính nghĩa nên cũng thuận với lẽ trời (Trời cũng chiều người), lại có người tổ chức lãnh đạo kiệt xuất với đường lối chiến thuật, chiến lược đúng đắn (Cũng nhờ: nhân tài giữ cuộc điện an). Chính cái nhìn công bằng của khách và các bô lão về lực lượng ta - địch đã góp phần thể hiện sâu sắc hơn niềm tự hào trong họ. Chiến thắng đội quân kiêu ngạo đã từng tung vó ngựa thôn tính nhiều quốc giạ từ Á sang Âu, quân đội ta quả đã thực thi một việc phi thường. Niềm tự hào ấy hẳn lớn lao vô cùng nên các bô lão và khách đã phải cất lời đối sánh:

Khác nào như khi xưa:

Trận Xích Bích quân Tào Tháo tan tác tro bay,

Trận Hợp Phì giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi.

Điển tích, điển cố tự ngàn xưa được nhắc lại trong nỗi niềm hoài vọng của các nhân vật. So sánh trận chiến của quân đội ta với trận chiến nổi tiếng thời Tam Quốc khi xưa, chắc chắn trong lòng khách và các bô lão đang dấy lên một cách mãnh liệt lồng tự hào về truyền thống yêu nước của dân tộc.

Khách và các bô lão không chỉ tự hào về các chiến công mà còn tự hào về đức lớn lao của nhân tài, của vua Trần và cũng là đức lớn của dân tộc:

Anh minh hai vị thánh quân,

Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.

Công đức lớn lao của các bậc đế vương nhà Trần đã mang lại chiến thắng vẻ vang cho dân tộc. Khách và các bô lão đã ghi nhận công lao đó bằng sự tôn kính và mến phục vô tận. Chỉ cần đọc câu văn dịch trên đây thôi, chúng ta cũng đủ cảm nhận được điều đó.

Không chỉ thể hiện niềm tự hào về truyền thống dân tộc, Phú sông Bạch Đằng còn chứa đựng tư tưởng nhân văn sâu sắc. Nhân nghĩa, yêu thương con người là truyền thống đạo đức quí báu của dân tộc Việt Nam. Trong sáng tác của Trương Hán Siêu, truyền thống đó trước hết được thể hiện ở nỗi niềm cảm khái của tác giả khi đứng trước không gian gợi lên những mất mát hi sinh trong các cuộc chiến và nỗi niềm tiếc nuối, xót thương cho bao anh hùng đã khuất:

- Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu.

Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô,

Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.

Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,

Tiếc thay dấu vết luống còn lưu!

Đến bên sông chủ hổ mặt,

Nhớ người xưa chừ lệ chan.

Sau này, Nguyễn Trãi khi thăm Bạch Đằng cũng có nỗi buồn tương tự:

Dòng trôi tìm. bóng dạ bâng khuâng

Tuy nhiên, chiều sâu của tư tưởng nhân văn trong Phú sông Bạch Đằng nằm ở sự khẳng định, đề cao con người, đạo lí chính nghĩa, qua nỗi niềm cảm khái trước cảnh sông Bạch Đằng trong hiện tại. Trời cho ta thế hiểm, nhưng điều quyết định là ta có nhân tài giữ cuộc điện an:

Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,

Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.

Thông qua lời văn, Trương Hán Siêu muốn khẳng định vai trò, vị trí của con người, gợi lại hình ảnh Trần Hưng Đạo với câu nói đã lưu danh sử sách: “Kim niên, tặc nhàn” (Năm nay, giặc đến dễ đánh). Theo binh pháp cổ, muốn thắng trong chiến trận, cần ba yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Bài phú có nói đến ba yếu tố: thiên thời (trời củng chiều lòng người), địa lợi (đất hiểm), nhân hoà (nhân tài). Tuy nhiên, thắng giặc không cốt ở đất hiểm mà chủ yếu là ở đức lớn, ở sức mạnh của con người:

Giặc tan muôn thủo thăng bình.

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

Khẳng định sức mạnh, vị trí của con người đó là cảm hứng mang giá trị nhân văn và có tầm triết lí sâu sắc.

Như vậy, với niềm tự hào về truyền thống dân tộc và tư tưởng nhân văn sâu sắc, Phú sông Bạch Đằng đã trở thành áng văn bất hủ về một thời đại anh hùng của dân tộc Việt Nam - thời đại Đông A.

BÀI CÙNG NHÓM