Đất nước chẳng thể hùng mạnh nếu không có người đứng đầu sáng suốt, quân đội hùng mạnh, nhân dân đoàn kết,... Và chắc chắn đất nước cũng sẽ lâm nguy khi không có hiền tài. Bởi thế mà Thân Nhân Trung từng nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”.
Đất nước Việt Nam tươi đẹp, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm với những trang sử hào hùng, chói lọi cùng những chiến công chống ngoại xâm oanh liệt. Những chiến thắng ấy là nhờ sự đồng lòng, chung sức của toàn dân. Nhưng không thể không nhắc tới tầm quan trọng và những đóng góp lớn lao của những vĩ nhân có tài thao lược và những kế sách khôn ngoan, hợp lí. Binh sẽ chẳng hùng nếu không có tướng mạnh, vua sẽ chẳng thể sáng nếu thiếu tôi hiền, dân sẽ rơi vào cảnh khốn đốn nếu thiếu những vị quan thanh liêm,... Vua sáng, tôi hiền, dân giàu,... kết hợp tất cả những yếu tố đó mới làm nên một quốc gia vững mạnh và phát triển phồn thịnh. Thử hỏi đất nước sẽ ra sao nếu thiếu vắng những bậc hiền tài? Coi hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Thân Nhân Trung cũng đã khẳng định: “Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp”.
“Nguyên khí” theo quan niệm của người xưa là chất làm nên sự sống, là phần hồn của sự sống. “Hiền tài” là những người vừa có tài, vừa có đức, sẵn sàng đem sức mình ra để phục vụ đất nước. Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã miêu tả nỗi trăn trở của Lê Lợi trong những ngày đầu nghĩa quân Lam Sơn dựng cờ khởi nghĩa như sau:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
Việc bôn tẩu thiếu kể đã đần
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc
Trong Phú sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu khẳng định:
Từ có vũ trụ, đã có giang san
Quả là: Trời đất cho nơi hiểm trở
Cũng nhờ: Nhân tài giữ cuộc điện an.
[...] Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.
Những bậc hiền tài đã làm rạng danh cho đất nước, viết tiếp những trang sử hào hùng trong lịch sử dân tộc:
Giặc tan muôn thuở thăng bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.
Nếu bên vua chỉ có những kẻ nịnh thần thì khác nào mối mọt ăn dần vào gỗ, rồi sẽ có ngày sụp đổ. Nếu bên vua không có tôi hiền thì vua sao có thể anh minh mà trừ bạo ngược, giúp dân yên ổn làm ăn. Hiền tài đối vói quốc gia cũng giông như dòng máu trong cơ thể, nếu càng ngày càng cạn kiệt thì cơ thể sẽ suy ngược và dẫn đến tử vong. Nếu hiền tài được trọng dụng, họ sẽ giúp an dân trị quốc, chăm lo việc quốc gia. Có nhiều hiền tài trong đất nước thì chẳng khác nào rồng thêm vuốt, hổ thêm nanh.
Trong Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đã từng tuyên bố đầy tự hào:
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam củng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có.
Trong những yếu tố khiến Nguyễn Trãi tự hào về dân tộc mình có yếu tố quan trọng là nền văn hiến và nhân tài. Quả vậy, từ xưa đến nay, đất nước ta không lúc nào thiếu hiền tài. Thái úy Lí Thường Kiệt chỉ huy quân dân ta đánh tan quân Tông trên sông Như Nguyệt: thái phó Tô Hiến Thành dù đang lâm trọng bệnh vẫn tận tâm với việc triều chính; thái sư Trần Thủ Độ công tư phân minh, có những đóng góp quan trọng trong việc gây dựng cơ nghiệp triều Trần, đặt cơ sở cho một trong những triều đại hưng thịnh nhất trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến; “Đức Thánh Thần” Trần Hưng Đạo lãnh đạo nhân dân thời Trần đánh tan quân xâm lược Mông - Nguyên; Lê Lợi, Nguyễn Trãi dựng cờ khởi nghĩa đánh tan quân Minh xâm lược gây dựng nhà Hậu Lê; hoàng đế Quang Trung dẹp yên các tập đoàn phong kiến phản động, lãnh đạo nhân dân quét sạch mười vạn quân xâm lược nhà Thanh ra khỏi bờ cõi;... Chính những con người như vậy đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Ngày nay, đất nước đang cần rất nhiều nhân tài để phát triển, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Đất nước vững mạnh hay không, phát triển hay không một phần quan trọng phải cậy nhờ vào những bậc hiền tài. Vừa rồi, Giáo sư Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh đất nước khi mang về Giải thưởng Fields danh giá về Toán học. Tự hào thay, hạnh phúc thay!
Để phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng trí tuệ, tài năng của các bậc hiền tài, nhà nước phải có những chính sách bồi dưỡng, khuyến khích những người có tiềm năng, phải tạo môi trường, điều kiện cho họ phát triển và công hiến. Học sinh chúng ta phải học tập, rèn luyện tốt để mai sau xây dựng đất nước. Vì tương lai của đất nước, hãy cố gắng hết sức để trở thành người có ích, đóng góp một phần nhỏ bé của mình giúp đâ't nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh.
Quan điểm của Thân Nhân Trung về vai trò của hiền tài đốì với đất nước rất đúng đắn và sâu sắc. Trong mỗi người chúng ta ít nhiều đều có tố chất của bậc hiền tài và chúng ta hoàn toàn có thể trở thành hiền tài nếu biết trau dồi kiến thức, hết mình học tập rèn luyện. Hãy tin rằng, tôi có thể và bạn cũng có thể. Nguyên khí quốc gia chẳng ở đâu xa mà nằm trong chính mỗi con người. Vì thế tương lai của đất nước phụ thuộc rất nhiều vào sự gắng sức của mỗi chúng ta.