“Sổ đỏ” là tác phẩm tiêu biểu nhất của Vũ Trọng Phụng và được đánh giá vào loại xuất sắc nhất của văn xuôi Việt Nam, kể từ khi có chữ quốc ngữ. Thông qua tác phẩm, “nhà văn đả kích sâu cay cái xã hội tư sản thành thị đang chạy theo lối sống nhố nhăng, đồi bại đương thời” (Nguyễn Hoành Khung). Dùng tiếng cười để làm vũ khí, “Số đỏ” vạch trần thực chất thối nát của các phong trào “Âu hoá”, “Thể thao”, “Vui vẻ trẻ trung”... được bọn thống trị khuyến khích và lợi dụng, từng lên cơn sốt vào những năm 30 của thế kỉ XX. Trong tác phẩm, thành công nổi trội nhất phải kể đến việc ông đã xây dựng được một loạt chân dung biếm hoạ xuất sắc mà “Xuân tóc đỏ” là một điển hình; Nghệ thuật xây dựng tình huống bất ngờ, bút pháp hết sức biến hoá linh hoạt. Không chỉ vậy, nhà văn còn rất thành công trong việc xây dựng những tình tiết, chi tiết đối lập nhau gay gắt nhưng lại cùng tồn tại trong một đối tượng và sử dụng rộng rãi kiểu nói ngược của dân gian, vạch trần bản chất xấu xa của nhân vật, tạo nên tiếng cười sảng khoái. Tiêu đề một đoạn trích trong tác phẩm mang tên “Hạnh phúc của một tang gia” là một ví dụ tiêu biểu.
Theo “Từ điển thuật ngữ”, “trào phúng” là dùng lời lẽ bóng bẩy, kín đáo để cười nhạo, mỉa mai kẻ khác. Tiếng cười thường được tạo ra khi người ta phát hiện ra “mâu thuẫn trào phúng”. Muốn tiếng cười xuất hiện .thông thường cần ba yếu tố: Bản chất mang tính hài của đối tượng; Sự cường điệu giữa đường nét, kích thước và những liên hệ giữa đường nét, kích thước với việc miêu tả đối tượng; Sự sắc bén, hóm hỉnh của người thể hiện để tăng cường hiệu quả cho tiếng cười. Theo Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, phẩm chất của một tác phẩm trào phúng trước hết thể hiện ở việc tác giả của nó đã xây dựng được những tình huống trào phúng và xây dựng được những nhân vật trào phúng thành công đến mức nào. Sự thành công của đoạn trích này thể hiện từ ngay trong tên đề của nó. Nhan đề chương truyện là “Hạnh phúc của một tang gia”. Tang gia mà lại hạnh phúc. Nhà có tang mà lại vui vẻ. Thật là một sự ngược đời, oái oăm, trái khoáy! Ngay từ đầu nhan đề đã là một cái “tít” rất lạ, rất “giật gân” thu hút sự chú ý của người đọc. Hạnh phúc là niềm vui sướng của con người khi đạt được những ước nguyện trong cuộc sống.
Còn tang gia thì là lúc nguời ta đau buồn khôn xiết khi người thân mãi mãi ra đi. Một đằng là sự sinh sôi, nảy nở viên mãn, tròn đầy còn phía kia là sinh li tử biệt, mất mát không thể bù đắp. Thế mà chúng lại song hành, gắn kết với nhau, đúng là chuyện đáng thương, bi hài, đáng cười. Người ta thường nói: “tang gia bối rối”. Vũ Trọng Phụng đã dựng lên đúng cái cảnh bôi rối của gia đình cụ cố Hồng khi cụ cô Tổ nằm xuống. Chẳng những bối rối mà còn lo lắng nữa, thậm chí là hết sức bận rộn. Nhưng lo lắng, bận rộn là để tổ chức cho thật chu đáo, cho thật linh đình một ngày vui, một đám hội, để vênh mặt, hãnh diện với hàng phố, để trưng bày môt quần áo, để trổ tài chụp ảnh... chứ không phải là chuẩn bị cho một đám ma. Đó là thứ hạnh phúc của một gia đình vô phúc, niềm vui của mẹt lũ con cháu đại bất hiếu. Tên đề là cả một khối mâu thuẫn nhưng lại phản ánh đúng một sự thật mỉa mai, hài hước: Con cháu gia đình này vui sướng thực sự khi cụ cố Tổ chết. Đó cũng là tình huống trào phúng xuyên suốt trong toàn bộ đoạn trích.
Như vậy, có thể thấy chất trào phúng của tiêu đề hiện ra từ sự mâu thuẫn trên bề mặt câu chữ đến cái mâu thuẫn trong chính bản thân mỗi sự việc. Nó gợi cho người ta sự tò mò và khi đi vào khám phá thì sự mâu thuẫn ban đầu ấy lại trở nên hoàn toàn phù hợp và hoàn toàn không khó lí giải. Nhan đề ngay từ đầu đã dự báo một màn bi kịch sắp diễn ra với nhiều cảnh nghịch lí, nhiều pha cười ra nước mắt.
“Số đỏ” gây ấn tượng cho người ta từ trong từng tình tiết nhỏ, ngay từ trong mỗi tên gọi hay cái tiêu đề của mỗi chương. Tiếng cười bật ra sảng khoái sau từng câu chữ nhưng cười xong, người ta suy ngẫm, mà xót xa cho những dấu hiệu chứng tỏ sự suy đồi, băng hoại ngày càng tồi tệ của xã hội. Đó là cái tài và cũng là cái tâm của Vũ Trọng Phụng.