Nếu Trăng sáng và Đời thừa được xem như là Tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao trước Cách mạng tháng Tám, thì Đôi mắt chính là Tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn sau Cách mạng. Hãy phân tích các truyện ngắn đó để nêu lên sự phát triển của tư tưởng nghệ thuật

Dễ thường trên đời này ít có nhà văn nào lại trăn trở, suy nghĩ về ngòi bút của mình như Nam Cao. Ông luôn luôn tự hỏi phải viết cái gì và viết như thế nào. Quan điểm sáng tác văn học đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhà văn, khi ông còn là nhà văn hiện thực phê phán trước Cách mạng cũng như khi ông đã là nhà văn của nhân dân sau Cách mạng. Có điều là, ông không phát biểu bằng chính luận, mà các quan điểm nghệ thuật đó đã được chính nhà văn nói lên bằng những hình tượng sinh động trong các tác phẩm nổi tiếng như Trăng sáng, Đời thừa trước Cách mạng tháng Tám và Đôi mắt sau Cách mạng tháng Tám. Và qua ba Tuyên ngôn nghệ thuật sống động này, ta có thể thấy rõ sự phát triển của tư tưởng nghệ thuật Nam Cao qua hai thời kì.

Trước Cách mạng, Nam Cao là nhà văn hiện thực phê phán. Trong bối cảnh lịch sử của thời kì 1930 - 1945, khi trên văn đàn công khai, chủ nghĩa lãng mạn thoát li còn chiếm ưu thế, thì vấn đề cốt tử của các nhà văn hiện thực phê phán là phải xác định nghệ thuật phục vụ cái gì và bắt nguồn từ đâu. Nam Cao đã mượn lời của nhân vật Điền trong Trăng sáng để phát biểu rõ quan điểm của mình: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than...". Ý kiến này xứng đáng là một Tuyên ngôn nghệ thuật của trường phái hiện thực, dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn thoát li để trở về với chủ nghĩa hiện thực chân chính.

Trước hết, Nam Cao muốn khẳng định nghệ thuật chân chính phải bắt rễ trong đời sống hiện thực, không được thoát li đời sống để trở thành lừa dối. Điều khẳng định này không chỉ qua câu nói của Điền, mà chính là từ cuộc đời gieo neo, vất vả của một văn sĩ nghèo như Điền (hình bóng của Nam Cao) mà Điền đã tự rút ra cái chân lí ấy. Chính cái sự thật nghiệt ngã ấy đã giết chết bao nhiêu giấc mơ lãng mạn từng gieo trong óc Điền. Nhiều khi Điền phải quên cái mộng văn chương để kiếm tiền, cơm áo đã ghì Điền sát đất. Nhìn cảnh vợ vì cùng quẫn, túng thiếu "mà đánh con lớn, chửi con nhỏ, quăng cái chổi, đá cái thúng, vừa dẫm chân bành bạch, vừa kêu trời", Điền thấy mình gần như tủi cực. Với tâm trạng ấy, nhìn lên trời "trăng nhởn nhơ như một cô gái non vừa có nhân tình. Gió nhẹ nhàng đặt lên lá những bước chân vũ nữ. Trăng tỏa mộng xuống trần gian... cho những tâm hồn khát khao ngụp lặn...", Điển mói nhận ra rằng "nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối". "Ánh trăng lừa dối" ở đây là hình ảnh tiêu biểu cho văn chương lãng mạn thoát li, lấy "mây gió trăng hoa" làm nguồn thi hứng chủ yếu. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, khi đất nước đang rên xiết dưới gót giày giặc ngoại xâm, nhân dân đang chịu cảnh lầm than đau khổ, thì thứ văn học chỉ đi tìm cái thi vị, cái đẹp trong thiên nhiên thuần túy chỉ là thứ văn chương thoát li, hưởng lạc, thi vị hóa cuộc sống. Thứ nghệ thuật đó giống như ánh trăng kia, nó thơ mộng lắm, huyền ảo lắm "nó làm đẹp những cái thực ra chỉ là tầm thường xấu xí. Trong những căn lều dột nát mà ánh trăng làm cho cái bề ngoài trông cũng đẹp, biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp mình". Trong tình hình ấy, thứ văn chương nghệ thuật như ánh trăng huyền ảo kia chỉ là thứ "nghệ thuật vị nghệ thuật", quay lưng lại với đời sống nhân dân.

Như vậy, qua câu nói "nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối", Nam Cao kịch liệt phê phán tính chất thoát li, phi hiện thực của các xu hướng lãng mạn tiêu cực đương thời. Đó cũng là sự cự tuyệt của ông đối với khuynh hướng văn học thoát li khỏi đời sống. Mặt khác, Nam Cao đòi văn học phải bắt rễ từ hiện thực, nghĩa là phải trở về với cuộc sống của hàng triệu con người đau khổ, nghệ thuật phải vị nhân sinh, phải là "tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than...", phải "đứng trong lao khổ mà mở hồn ra đón lấy tất cả những vang vọng của cuộc đời". Nghệ thuật chân chính phải nhìn thẳng vào sự thực đó, nói lên nỗi khốn khổ của nhân dân và vì nhân dân mà lên tiếng. Vì lẽ ấy, Trăng sáng được coi là một Tuyên ngôn nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ của Nam Cao. Đó là lời tâm niệm chân thành của nhà văn tiểu tư sản nguyện từ bỏ con đường nghệ thuật thoát li, hưởng lạc, trở về với quần chúng nghèo khổ, vì họ mà sáng tác.

Với Trăng sáng, Nam Cao đã xác định được chỗ đứng của mình là ở quần chúng nghèo khổ, và khẳng định quan điểm nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa vị nhân sinh đối lập với quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật của chủ nghĩa lãng mạn thoát li. Đó là một bước nhận thức rất cơ bản và cũng rất tiến bộ về ngòi bút của mình. Nhưng Nam Cao không dừng ở đấy. Là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc, có lương tâm nghề nghiệp, ông còn muốn trau dồi ngòi bút của mình hơn nữa để nó trở thành vũ khí sắc bén phục vụ cho đời. Qua truyện ngắn Đời thừa, ông đã gởi gắm những suy tư và những quan niệm sâu sắc của mình về nghề văn và sứ mạng của người cầm bút chân chính trong nhân vật Hộ (cũng là hình bóng của Nam Cao). Ông viết: "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có".

Câu nói ngắn gọn nhưng đã thâu tóm những yêu cầu thật là gắt gao, nghiêm túc đối với người sáng tác văn chương. "Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho" là cách diễn tả hình ảnh, ám chỉ thứ văn chương đẽo gọt, khuôn sáo, hời hợt, một thứ văn chụp ảnh hoặc minh họa giản đơn. Nam Cao kịch liệt phê phán, phản đối thứ văn chương đó, bởi theo ông "cái nghề văn kị nhất là cái lối thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào", tức là nó tối kị sự sao chép, bắt chước. Với một yêu cầu thật nghiêm khắc về nghề, nhà văn quan niệm: "Văn chương chỉ dung nạp được những người biết dào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có". Nam Cao nhấn mạnh sự sáng tạo của nhà văn, nhưng thực chất, đây là một yêu cầu về tính chân thật trong sáng tạo nghệ thuật chứ không phải là sự đi tìm của lạ một cách màu mè, hình thức. Khám phá cho được sự thật, "đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi" đã là khó, nhưng quan điểm nghệ thuật của Nam Cao không chỉ dừng ở đó. Nghệ thuật còn đòi hỏi "sáng tạo những cải gỉ chưa có nữa". Đây cũng là một quan niệm rất đúng đắn về bản chất của sự sáng tạo nghệ thuật, nó là "sự sáng tạo theo quy luật của cái đẹp" như Mác đã từng nói. Và quan điểm nghệ thuật đúng đắn đó đã được thể hiện khá sinh động trong ước mơ cao cả của nhà văn Hộ, khi ông khao khát sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị "vượt lên trên tất cả các bờ cõi và giới hạn để trở thành tác phẩm chung cho cả loài người... làm cho người gần người hơn". Càng cảm động và có ý nghĩa hơn khi cái khát vọng cao cả muốn làm một người nghệ sĩ chân chính ấy lại diễn ra trong tấn bi kịch căng thẳng giằng xé nội tâm nhân vật dữ dội, cái bi kịch muôn đời của người nghệ sĩ trong chế độ cũ giữa lương tâm nghề nghiệp với cuộc sống cơm áo thường nhật. Hộ trong Đời thừa là thế, và Nam Cao trong cuộc đời cũng vậy. Vượt lên trên bao hoàn cảnh đau thương, nghiệt ngã của cuộc sống "cơm ÓO không đùa với khách thơ", ông đã để lại cho đời những tác phẩm đầy sáng tạo, xứng đáng là nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc trước Cách mạng tháng Tám.

Nhà văn hiện thực xuất sắc ấy đã nhanh chóng đến với nhân dân và trở thành nhà văn cách mạng từ sau 1945, và dĩ nhiên, quan điểm nghệ thuật của ông cũng tiếp tục phát triển và vươn lên theo cách mạng. Điều này đã được thể hiện rõ rệt và sâu sắc trong Đôi mắt, tác phẩm được xem là Tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn cách mạng Nam Cao trong thời kì mới.

Viết "Đôi mắt" trong những ngày "lên đường" và "nhận đường" của lớp văn nghệ sĩ trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao muốn đặt ra trong tác phẩm của mình một vấn đề cốt tử của sáng tác nghệ thuật, đó là cách nhìn của nhà văn đối với hiện thực cuộc sống, con người để viết ra những tác phẩm có ích cho đời. Thực chất đó chính là vấn đề "thế giới quan quyết định sáng tác văn học" — một vấn đề then chốt trong sáng tác văn chương. Nam Cao đã đặt ra vấn đề cốt tử này, không phải bằng lí luận khô khan trừu tượng, mà bằng một hình tượng nghệ thuật sóng đôi hấp dẫn, sinh động với hai nhân vật đối lập: văn sĩ Hoàng và văn sĩ Độ. Văn sĩ Hoàng là tiêu biểu cho loại ngữời có each nhìn sai lệch, phiến diện với thái độ hằn học, khinh miệt quần chúng và không tin tưởng vào cuộc kháng chiến của nhân dân, ông ta chỉ chăm chăm nhìn vào hiện tượng bên ngoài mà không chú ý đến bản chất tốt đẹp bên trong của người nông dân. Ngược lại là Độ, nhà văn có cách nhìn đúng đắn, toàn diện, độ lượng và thông cảm với người lao động. Đó là cách nhìn đúng bản chất của con người, cách nhìn đầy thiện ý và tin tưởng. Chỉ cần nêu lên một chi tiết là đủ rõ hai cách nhìn khác nhau: anh nông dân đi vác tre vào làng kháng chiến. Với Hoàng, thì đó là một con người "ngố và nhặng xị", một con vẹt đọc thuộc lòng ba giai đoạn kháng chiến, nhưng với Độ, thì anh lại nhìn thấy bên trong cái ngoại hình ấy, một tấm lòng yêu nước thật hồn nhiên và vô tư của người nông dân kháng chiến. Không phải Độ không nhìn thấy được những nhược điểm của người nông dân, nó là cái tồn tại do chế độ cũ để lại, nhưng điều quan trọng là anh đã nhìn thấy cái bản chất tốt đẹp bên trong của họ, và đó mới là điều chủ yếu để nhìn nhận, đánh giá con người. Cách nhìn khác nhau của Hoàng và Độ không phải ngẫu nhiên mà có, đó là do cách sống và phẩm chất của họ qui định. Một nhà văn tư sản, lại là tay chạy chợ đen, sẵn sàng "đá" bạn bất cứ lúc nào, sống một cuộc sống cá nhân, ích kỉ, hưởng lạc, xa rời nhân dân, tách biệt hẳn cuộc sống kháng chiến, thì không thể có cách nhìn giống như một nhà văn của nhân dân, sống hòa mình giữa quần chúng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với những người thợ nhà in. Nam Cao dường như không ca ngợi, phê phán ai, nhưng ý đồ của nhà văn, cảm hứng của tác phẩm như thế nào, người đọc đều rõ. Từ cuộc gặp gỡ và "đụng độ" nhau giữa hai nhà văn, vấn đề "cách nhìn" đã được bộc lộ rõ ràng và sâu sắc. Chính vì thế, tác phẩm đã có tác dụng cảm hóa mạnh mẽ đến các nhà văn trước Cách mạng tháng Tám trong việc "tìm đường" và "nhận đường" lúc bấy giờ, để họ có thể tự lựa chọn một chỗ đứng và xác định cho mình một cách nhìn hiện thực đúng đắn. Nó xứng đáng là Tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn cách mạng Nam Cao trong thời kì mới.

Qua ba tác phẩm mang ý nghĩa Tuyên ngôn nghệ thuật trên đây, ta thấy rõ bước đường phát triển của tư tưởng nghệ thuật Nam Cao. Từ chỗ khẳng định chủ nghĩa hiện thực, dứt khoát đứng về phía "nghệ thuật vị nhân sinh" trong Trăng sáng, đến việc nhấn mạnh tính sáng tạo trong ngòi bút để làm tròn sứ mạng cao quí của nghề văn trong Đời thừa, đến việc đặt ra vấn đề cách nhìn của nhà văn trong sáng tác nghệ thuật ở Đôi mắt - rõ ràng Nam Cao đã đề xuất những quan điểm cơ bản, then chốt, có giá trị như những Tuyên ngôn nghệ thuật, Đó là những cống hiến to lớn của nhà văn, để cùng với những tác phẩm xuất sắc khác, làm nên tên tuổi và vị trí xứng đáng của Nam Cao trong nền văn học hiện đại Việt Nam.

BÀI CÙNG NHÓM