Cảm nhận về một nét đẹp của xứ Huế thân thương qua bài Ca Huế trên sông Hương của tác giả Hà Ánh Minh

Trải dài theo dải đất hình chữ s thân yêu, đến nơi nào ta cũng bắt gặp những nét đẹp riêng, làm ngơ ngẩn lòng người. Đồng Đăng với Nàng Tô Thị và phố Kì Lừa làm chàng trai quên cả lời "em" dặn. Xứ Kinh Bắc với những làn điệu quan họ mượt mà tha thiết. Hà Nội ba sáu phố phường xưa với hương cốm vòng dịu dàng lan toả mỗi độ thu về. Sài Gòn với nắng gió và những bông điệp vàng. Nghệ Tĩnh thân thương với câu hò ví dặm, Nam Bộ với những bài cải lương phóng khoáng như hồn người, về với Huế trầm mặc ta có dịp tha thẩn giữa đền đài lăng tẩm của cố đô, ngắm những tà áo dài thướt tha và bóng dáng mềm mại khiến lòng ta "tím" nỗi nhớ thương và nghe những làn điệu dân ca xứ Huế do chính người Huế biểu diễn như một thứ "bùa mê" kéo người ta về với Huế bất cứ khi nào có thể. Bút kí Ca Huế trên sông Hương của tác giả Hà Ánh Minh cho ta cảm nhận rõ hơn những giá trị cao quý và vẻ đẹp của ca Huế.

Đọc bài viết của Hà Ánh Minh cho ta cảm giác như đang trôi theo dòng cảm xúc của tác giả, trôi theo những làn điệu du dương, thả hồn cùng các ca công để hiểu tận cùng vẻ đẹp của ca Huế, và tắm hồn mình trong ca Huế, trong ánh trăng trên dòng Hương Giang thơ mộng.

Giúp người đọc có những hiểu biết về ca Huế, tác giả đã giới thiệu với người đọc các điệu hò xứ Huế bằng cách khẳng định: "Xứ Huế nổi tiếng với các điệu hò". Để làm sáng tỏ điều mình vừa giới thiệu, tác giả dẫn ra một loạt các điệu hò trong cuộc sống của con người xứ Huế: Hò khi đánh cá, hò lúc cấy cày, gặt hái, hò giã gạo, ru con... cả khi con người về nơi an nghỉ cuối cùng người ta cũng gửi theo điệu hò đưa linh hồn da diết. Những điệu hò ấy được gọi chung là hò Huế. Có giai điệu náo nức nồng hậu tình người, cũng có những giai điệu buồn thương khắc khoải, có giai điệu gần với dân ca Nghệ Tĩnh. Nhưng tất cả những điệu hò ấy đều gặp nhau ở một điểm “thể hiện lòng khao khát, nỗi hoài vọng, chờ mong tha thiết của tấm hồn Huế" và “gửi gắm một ý tình trọn vẹn”.

Bên cạnh các điệu hò, tác giả còn giới thiệu với chúng ta các điệu lí: Lí con sáo, lí hoài xuân, lí hoài nam.Và nếu các điệu hò mang âm điệu mênh mang, gợi nhớ da diết trong lòng người và lan xa trên dòng Hương Giang khói sương bảng lảng về chiều thì các điệu lí mang âm điệu vui nhộn, thể hiện tình yêu và sự hòa mình của người Huế với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. Bởi thế ta cảm nhận được nét phong phú, đa dạng của ca Huế và thấp thỏm chờ dịp đưọc thưởng thức.

Không dừng lại ở việc giới thiệu các làn điệu dân ca và hò xứ Huế, tác giả còn mời gọi ta cùng đến thuyền rồng trên sông Hương lúc thành phố lên đèn, cả không gian mờ đi trong một màu trắng đục, để thưởng thức ca Huế theo đúng cách mà thuở xưa vua chúa thường tận hưởng. Chiếc thuyền rồng đẹp, được trang trí lộng lẫy và sang trọng. Không gian trong thuyền không rộng nhưng cũng vừa cho một sân khấu ca Huế với đủ cả nhạc công, ca công. Điều đặc biệt nhất trong cái sân khấu ấy là người biểu diễn và người nghe không có khoảng cách về không gian, cận kề nhau, thân mật, gần gũi. Bởi thế hồn người, lòng người như cùng hòa vào nhau và hòa vào lời ca Huế “du dương, trầm bổng”, “lúc khoan, lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người”. Trong khi thưởng thức ca Huế, tác giả cũng giúp ta kín đáo ngắm nhìn các ca công trẻ, ăn mặc theo đúng nghi lễ. Nam áo the quần thụng, khăn xếp. Nữ áo dài, khăn đóng, trẻ trung, duyên dáng. Nhạc cụ trong khoang thuyền gồm đàn tranh, đàn nguyệt, tì bà, đàn bầu, sáo, cặp sanh, các ngón đàn của nhạc công: ngón nhấn, ngón bấm, ngón chớp... và khi trăng lên, gió dìu dịu mơn man con thuyền bồng bềnh trên dòng sông thấm đẫm ánh trăng ấy hồn ta, lòng ta sẽ thổn thức mà đợi chờ, mà khát khao được nghe ca Huế, mà chẳng thể nào thờ ơ, dửng dưng trước ca Huế được nữa.

Hấp dẫn và phong phú, nhiều điệu dân ca làm ngơ ngẩn lòng người ấy được tác giả giới thiệu là “hình thành từ dòng ca nhạc dân gian và ca nhạc cung đình, nhã nhạc, trang trọng, uy nghi nên có thần thái của ca nhạc thính phòng, thể hiện theo hai dòng lớn điệu Bắc và điệu Nam, với trên sáu mươi tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc”. Bởi vậy, ca Huế là sự giao hòa không còn giới hạn giữa chất dân gian mộc mạc và chất bác học chau truốt tới độ hoàn mĩ. Và cũng bởi thế, thưởng thức ca Huế trong khung cảnh mộng mơ trên dòng Hương Giang trăng sáng ngời là một thú vui “tao nhã, đầy sức quyến rũ. Cuối cùng, tác giả dẫn ta đi đến lúc “tiếng gà gáy bên làng Thọ Xương, tiếng chuông chùa Thiên Mụ” gọi năm canh. Lúc mà ngọn tháp Phước Duyên và chùa Thiên Mụ dát ánh trăng vàng cũng là lúc “điệu Nam buồn man mác, thương cảm, bi ai, vấn vương” được các ca nhi cất lên gợi tình người, tình đất và gợi trong lòng người cái cảm giác da diết nhớ lúc đã xa để kết thúc đêm ca Huế. Rồi tất cả tình yêu với xứ Huế đến trở về điểm hội tụ cuối cùng, vẻ đẹp của con người xứ Huế được biểu hiện trọn vẹn trong người con gái Huế, thâm trầm, kín đáo mà sâu thẳm đã làm không ít du khách lòng ngẩn ngơ, và cả các thi sĩ trên những trang văn của họ bóng áo tím cứ đi về thấp thoáng.

Bài kí đã khép lại, đêm ca Huế đã tàn mà lòng người chưa thôi vấn vương. Cảm ơn tác giả Hà Ánh Minh đã đưa ta về Huế và dòng Hương Giang để được thưởng thức ca Huế, để được nghe lòng mình rạo rực tình yêu quê hương đất nước và để tự hào hơn về Huế, về đất nước thân yêu và những di sản vô giá mà cha ông trao lại.

BÀI CÙNG NHÓM