Văn biểu cảm về sự vật, con người - Bờ rào thuốc

Những bờ rào chằng chịt những cây thuốc không hàng không lối khiến lũ trẻ chúng tôi luôn háo hức khôn tả mỗi khi tết Đoan Ngọ gần kề.

Đó là hình ảnh thân thương nhất của một thời tuỗi thơ trong tôi, khi mà tối hôm trước ngày tết Đoan Ngọ, cả đám trẻ trong khu tập thể đều đố nhau xem sáng sớm ngày hôm sau, ai sẽ hái được nhiều lá thuốc nhất đem về cho mẹ đun nước tắm. Tục lệ ấy không biết có từ bao giờ, nhưng với người dân miền Bắc ngày ấy, có lẽ chẳng mấy ai xa lạ với lá ích mẫu, lá cối xay, lá vối, lá ngải cứu, lá sả, lá tía tô, lá kinh giới, lá tre, lá bười, lá chanh, lá gừng, lá chè tươi (xanh), lá trầu không, lá sài đất, lá bồ công anh, lá vông, lá nhọ nồi, lá húng chanh, lá vòi voi. Cái đám lá mà khi mùil thơm của chúng quyện vào với nhau, lũ trẻ không khỏi phấn khích reo hò dội từng gáo nước thuốc thơm nồng, cho xả sạch những sâu bọ, bệnh tật, tà ma. Và rồi chỉ cần tưởng tượng lại mùi thơm của nồi nước lá nấu trên bếp than hồng, tôi lại dịu lòng nhớ về một thời bé bỏng vô tư.

Cái Trang, cái Ngọc trong khu tập thể luôn cạnh tranh với tôi xem ai hái được nhiều lá nhất. Và để làm được điều đó, chúng tôi phải chăm dậy thật sớm, súc miệng rồi ăn hoa quả mẹ đã bày sẵn trên bàn. Mùi thơm ngọt mát của đào tơ, dưa hấu, một chút chua ngọt của mận đỏ, muỗm chín, quả dứa thơm lừng, hay vị ngọt ngào của những quả chuối tây khiến chúng tôi rất thích thú. Chưa bao giờ lũ trẻ trong khu lại được ăn nhiều hoa quả như thế, bởi thời ấy, mua cho được ba hay năm loại hoa quả đã là tốt lắm rồi, phần vì chưa đến mùa của loại quả khác, phần vì còn nhiều món quà bánh mà mẹ phải dành tiền để mua.

Ấy thế mà chúng tôi lại phải để dành những hương vị ngọt ngào đó tới tận buổi chiều, chỉ dám ăn chút xíu rồi chạy xuống đám hàng rào cây găng, cây vông được quấn nhằng nhịt bởi lá ích mẫu, cối xay, bồ công anh, lạc tiên, trầu không xung quanh khu tập thể. Mấy thứ lá tre thì ra rìa đường, đứa nọ cõng đứa kia thi nhau bứt lá. Rồi cùng rồng rắn kéo vào mấy nhà ở tầng một, xin ít lá ngải cứu, kinh giớỉ, tía tô, húng chanh. Mấy loại lá nhọ nồi, lá sài đất thì mọc quấn quýt với bụi cỏ dại trong góc sân khu tập thể, dưới chân tường, lan vùng ra cả ngoài đường, tha hồ mà bứt.

Bấy nhiêu vất vả rồi được mẹ tôi đền cho bằng một chậu nước lá thơm lừng, chỉ ngửi thôi đã cười toe toét mà dội ào ào vào người. Cái mùi nước của hơn chục loại lá cứ thi nhau làm tôi sảng khoái, vừa cảm thấy mát mẻ trong tiết trời tháng Năm nóng nổi rôm, vừa chuẩn bị háo hức uống thứ nước này được mẹ cố đặc hơn, để lọc độc khí trong người như dân gian truyền tụng.

Với chiến lợi phẩm có phần dư thừa nếu chỉ dùng nấu nồi nước tắm, mẹ sẽ bớt lại, phơi cho hơi rầu rồi sao lên để đun uống dần trong những ngày sau. Chính mùi hương của cốc nước ấy làm tồi như giữ lại được không khí vui tươi của ngày tết Đoan Ngọ khi nó đã qua rồi. Dù rằng sẽ không có bánh gio, bánh nếp, bánh đúc, bánh đa kê và rượu nếp sau những li nước đó, nhưng có lẽ mùi hương của đám lá thuốc mới làm tôi nghĩ tới một thời ấu thơ tuyệt vời đong đủ tiếng cười giòn tan, những câu nói hờn trách của đám bạn trong khu tập thể so kè thiệt hơn, hay cả cái chau mày của mẹ vừa mắng vừa xót nếu lỡ tôi có vì chạy nhanh mà ngã xước tay. Những cảm giác và âm thanh đó, cùng hình ảnh của đám hàng rào chằng chịt những cây thuốc leo có lẽ đi theo tôi mãi mỗi khi không khí của tết Đoan Ngọ tràn về.

...Cái mùi nước của hơn chục loại lá cứ thi nhau làm tôi sảng khoái, vừa cảm thấy mát mẻ trong tiết trời tháng Năm nóng nổi rôm, vừa chuẩn bị háo hức uống thứ nước này được mẹ cô đặc hơn, để lọc độc khí trong người như dân gian truyền tụng...

BÀI CÙNG NHÓM