Bức tranh hiện thực nơi phố huyện nghèo lúc chiêu tối được Thạch Lam thể hiện trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ" và phát biểu cảm nhận của mình

Trong nền văn học đặc biệt sôi động, phong phú thời kì 1930 - 1945 với sự xuất hiện gần như đồng thời một loạt tài năng chói sáng, giọng văn nhỏ nhẹ, điềm tĩnh mà lắng sâu, nhiều dư vị của tác phẩm Thạch Lam vẫn có sức truyền cảm đặc biệt.

Tên tuổi Thạch Lam đã nổi bật như là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của văn học Việt Nam thế kỉ XX. “Hai đứa trẻ” (in trong tập “Nắng trong vườn ”, xuất bản năm 1938) là một trong những truyện ngắn hay nhất, tiêu biểu nhất cho khuynh hướng tư tưởng và bút pháp nghệ thuật của nhà văn có biệt tài về truyện ngắn đó.

Giống như phần lớn truyện ngắn khác của Thạch Lam, Hai đứa trẻ là một truyện không có cốt truyện. Hai đứa trẻ ngồi trên chiếc chõng nát trước cửa nhà của một phố huyện, ngắm cảnh phố xá lúc chiều muộn đi vào đêm; tuy đã buồn ngủ ríu cả mắt, hai chị em vẫn cố thức để đợi xem chuyến tàu đêm đi qua, rồi mới khép cửa hàng đi ngủ...

Truyện chỉ có thế, nó có thể làm thất vọng những người đọc nông nổi thích đọc những truyện nhiều biến cố, có tính kịch để được hồi hộp. Tuy không có cốt truyện nhưng tác phẩm “Hai đứa trẻ” không hề nhạt nhẽo, vô vị, mà trái lại, rất thấm thía, nhiều dư vị và những trăn trở, day dứt.

Truyện mở ra bằng cảnh chiều muộn ở một miền quê, "một chiều êm ả như ru”. Rồi màn đêm dần dần buông xuống, "một đêm mùa hạ êm như nhung và thoáng qua gió mát...". Dưới ngòi bút tinh tế và nặng lòng gắn bó với quê hương của Thạch Lam, bức tranh quê ở đây rất bình dị mà rất đỗi thân thiết và nên thơ.

Nhưng “Hai đứa trẻ” không chỉ là bức tranh thiên nhiên mà trước hết đó là bức tranh đời sống. Đó là đời sống một phố huyện nghèo lúc chiều tối và đêm xuống, được quan sát, cảm nhận qua tâm hồn nhạy cảm, ngây thơ của cô bé Liên. Chính bức tranh đời sống vừa rất chuẩn mực chân thực, vừa thấm đượm cảm xúc trữ tình này, đã gây nên cảm giác buồn thương day dứt, là cảm giác chủ yếu của người đọc sau khi gấp trang sách. Ý nghĩa tư tưởng của truyện chủ yếu toát lên từ bức tranh đời sống phố huyện nghèo đó.

Dưới mắt của hai đứa trẻ, cảnh phố huyện nghèo nơi chúng đang ở lúc chiều tối, có những gì?

Có cảnh bãi chợ trống trải, vắng vẻ khi buổi chợ "đã vãn từ lâu". "Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất". Cảnh chợ đã tan càng phơi bày sự nghèo nàn, xơ xác của đời sống phố huyện nghèo: "Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía". Và cái mùi vị rất quen thuộc mà chị em Liên có cảm tưởng là "mùi riêng của đất, của quê hương này" chính là mùi vị của nghèo khổ, lầm than: mùi âm ẩm bốc lên lẫn mùi cát bụi, rác rưởi... của cái chợ nghèo.

Trong khung cảnh tiêu điều, buồn bã đó, hình ảnh những con người nghèo khổ, lam lũ, nhếch nhác của phố huyện hiện dần ra: "Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được của các người bán hàng để lại" \ mẹ con chị Tí lễ mễ đội chõng, xách điếu đóm ra dọn hàng, "Ngày, chị đi mò cua bắt tép, tối đến chị mới dọn cái hàng nước này (...). Chị Tí chá kiếm được bao nhiêu nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối đến đêm", nhưng "Ôi chao, sớm với muộn mà có ăn thua gì "; "gia đình bác xẩm ngồi trên manh chiếu, cái thau sắt trắng để ở trước mặt", "Thằng con bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường...". Và hai chị em Liên, với "cửa hàng tạp hoá nhỏ xíu, mẹ Liên dọn ngay từ khi cả nhà bỏ Hà Nội về quê ở, vì thầy Liên mất việc". Rồi hình ảnh bà cụ Thi, hơi điên, mua rượu uống cười khanh khách, lảo đảo đi vào bóng tối... Tất cả đều là những kiếp sống lầm than, cực khổ, tàn tạ.

Qua con măt cô bé Liên, tất cả cuộc sống phố huyện chìm dần trong đêm tối mênh mông. Chỉ còn ngọn đèn con của chị Tí, cái bếp lửa của bác Siêu, ngọn đèn hoa kì vặn nhỏ của Liên..., tức chỉ là mấy đốm sáng lù mù. Những đốm lửa nhỏ nhoi ấy chẳng làm cho phố huyện trở nên sáng sủa mà chỉ càng khiến cho đêm tối càng thêm mịt mùng, dày đặc mà thôi. "Tất cả phố xá trong huyện bây giờ thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí". Hình ảnh ngọn đèn con nơi hàng nước của chị Tí "chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ" ấy trở đi trở lại tới 7 lần trong truyện, là hình ảnh đầy ám ảnh và có sức gợi rất nhiều về những kiếp sống nhỏ nhoi, leo lắt, mù tối trong đêm đen mênh mông của cuộc đời. Truyện kết thúc cùng với hình ảnh ngọn đèn tù mù của chị Tí đi vào giấc ngủ chập chờn của cô bé Liên.

Cảnh phố huyện chiều tối hôm nay cũng giống như hôm qua và sẽ lặp lại trong ngày mai. Bởi vì, chiều tối nào cũng vậy, mẹ con chị Tí lại lễ mễ dọn hàng; chị em Liên lại đếm những phong thuốc lào, những bánh xà phòng, tính tiền hàng và tối nào cũng "ngồi trên chiếc chõng tre dưới gốc bàng" để ngắm nhìn phong cảnh ngoài phố; tối nào bác phở Siêu cũng lại gánh hàng ra và thổi lửa, bác xẩm cũng lại trải chiếu và bày cái thau sắt... Mọi người lại chờ đợi những điều mọi ngày họ vẫn chờ đợi; mấy chú lính trong huyện hay người nhà cụ thừa, cụ lục đi gọi người đánh tổ tôm rẽ vào uống nước, hút thuốc... Nhịp sống ấy cứ lặp đi lặp lại ngày này sang tháng khác, đơn điệu, uể oải, buồn tẻ. Nhưng biết làm sao được! Không phải những con người khốn khổ ấy không hi vọng - không hi vọng thì làm sao sống được? "Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngàv của họ". Có điều, sự mong đợi ấy thật tội nghiệp: "một cái gì tươi sáng" ấy là "một cái gì" thật mơ hồ; và biết đến bao giờ nó mới đến?

“Hơi đứa trẻ ” chỉ là hai đứa trẻ; chúng không thể có ý thức rõ rệt về tình cảnh tù đọng, buồn chán, bế tắc mà chúng đang sống, cũng như về những khát vọng tinh thần mơ hồ của mình. Song với tâm hồn trong trẻo, ngây thơ nhưng nhạy cảm, cô bé Liên đã cảm nhận thấm thía, tuy chỉ là vô thức tình cảnh đó, khát vọng đó. Chính vì khát khao được thoát khỏi cảnh tù đọng, mù tối ấy mà Liên đêm đêm cố thức để đợi xem chuyến tàu đêm đi qua. Chuyến tàu đêm rầm rộ với "cái toa đèn sáng trưng" là hình ảnh cụ thể của "một cái gì tươi sáng" mà cô mong đợi. "Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng của ngọn đèn chị Tí và ánh súng lửa của bác Siêu".

“Hai đứa trẻ” (cũng như phần lớn truyện ngắn Thạch Lam) không đi vào những chuyện áp bức bóc lột, cũng không kể tỉ mỉ những cảnh ngộ thương tâm, mà chỉ lặng lẽ đưa ra những hình ảnh xoàng xĩnh quen thuộc ở một phố huyện nghèo, qua con mắt của một đứa trẻ! Nhưng bức tranh đời sống phố huyện nghèo trong truyện không phải không chân thực (chân thực trong từng chi tiết miêu tả và chân thực trong chiều sâu: nói được thực trạng của đời sống một cách ám ảnh, rất thấm thía), đồng thời, chan chứa niềm cảám thương chân thành của tác giả đối với những người lao động nghèo khổ sống quẩn quanh, bế tắc, bị chồn vùi trong kiếp sống tối tăm.

BÀI CÙNG NHÓM