Mặc dù chỉ được miêu tả gián tiếp qua suy tư của nhân vật khác, nhưng hình ảnh Hạ Du có một vị trí đặc biệt, là hình tượng trung tâm của tác phẩm. Đó là hình tượng người cách mạng giác ngộ sớm; có lí tưởng cách mạng rõ ràng: lật đổ ngai vàng, đánh đuổi ngoại tộc, giành độc lập. Hạ Du là một người dũng cảm hiên ngang, dám tuyên truyền lí tưởng cách mạng với cả người cai ngục trong những ngày chờ lên đoạn đầu đài. Trong một thiên hồi kí ở tập Nhặt cánh hoa tàn, Lỗ Tấn nói: viết Hạ Du là để kỉ niệm Thu Cận, một nữ chiến sĩ cách mạng của Quang phục hội (tiền thân của Quốc dân đảng do Tôn Trung Sơn đứng đầu, sau này lãnh đạo cách mạng Tân Hợi), từng du học Nhật, khai sáng tờ Trung Quốc nữ báo tuyên truyền giải phóng phụ nữ và lên đoạn đầu đài lúc 36 tuổi.
Trong truyện, nhà văn tỏ ý trân trọng, kính phục nhận cách của người cách mạng Hạ Du nhưng cũng ngầm phê phán Hạ Du xa rời quần chúng, xa rời đến mức mẹ Hạ Du cũng không hiểu, chú Hạ Du thì coi cháu mình là làm giặc và đi tố giác; người dân lấy máu Hạ Du để chữa bệnh... Nhưng, chính vòng hoa tưởng niệm Hạ Du ở phần kết thúc truyện đã hé mở tư tưởng chủ đề của tác phẩm, thể hiện niềm tin của tác giả, một ngày kia, sẽ chấm dứt bi kịch của người cách mạng tiên phong và quần chúng sẽ được tỉnh ngộ.